Mức thu nhập 100 triệu đồng của VĐV bóng rổ liệu có phi lý?
Mới đây trong hội thảo trực tuyến về xây dựng thương hiệu cho vận động viên và liên đoàn thể thao, PGS.TS Đặng Hà Việt, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Tp.HCM đã tiết lộ một phần về thu nhập của các vận động viên thi đấu tại các giải VĐQG, VBA và một số giải đấu khác tại Việt Nam.
"Các VĐV có giá trị hình ảnh, có thể đại diện cho CLB thì mức thu nhập của họ có thể thêm tối đa là 1.000 USD, tương đương với 25 triệu Đồng. Các nguồn thu nhập khác bên ngoài của VĐV có thể dao động từ 10-50 triệu, tuỳ vào khả năng".
VĐV bóng rổ tốp đầu sẽ có những hợp đồng quảng cáo, giảng dạy ở các trung tâm bên ngoài có thể kiếm thêm 40-50 triệu, một tháng tổng thu nhập có thể lên đến trên 100 triệu. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Chỉ có chừng 5-10 VĐV đạt được mức thu nhập ấy."
Ngay lập tức những chia sẻ của ông Đặng Hà Việt tạo nên tranh cãi rất lớn trong cộng đồng bóng rổ Việt Nam. Đa số người hâm mộ và ngay cả các cầu thủ cũng cho rằng con số này là phi lý, tuy nhiên theo tìm hiểu những chia sẻ của Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VBF là có căn cứ.
Đầu tiên cần phải hiểu rằng mức thu nhập của một VĐV bóng rổ không chỉ tới từ việc thi đấu, nó còn là sử dụng hình ảnh vào các hoạt động quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm liên quan tới bóng rổ như trang phục thi đấu, giày, dụng cụ bóng rổ, trở thành giáo viên tại các trung tâm,...
Lấy ví dụ như LeBron James những năm gần đây có mức lương NBA thường nằm ngoài top 5, tuy nhiên thu nhập của ngôi sao Lakers thì luôn là số 1. Đó là nhờ màn trình diễn ấn tượng trên sân tạo nên giá trị về mặt hình ảnh giúp King James kiếm được những bản hợp đồng kếch xù từ quảng cáo cũng như kinh doanh.
Trở lại Việt Nam câu chuyện này cũng tương tự với các VĐV bóng đá khi hình ảnh của những Công Phượng, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng hay HLV Park Hang Seo... xuất hiện trên quảng cáo đã trở nên vô cùng quen thuộc với người hâm mộ.
Với các cầu thủ bóng rổ việc tạo dựng hình ảnh tại các giải đấu trong nước và VBA giúp họ có chỗ đứng nhất định trong lòng người hâm mộ, vì vậy việc các cầu thủ sử dụng uy tín đó để hoạt động kinh doanh các sản phẩm liên quan tới bóng rổ là không thiếu.
Không khó nhận ra các cầu thủ sử dụng hình ảnh của mình để bán giày, quần áo, dụng cụ bóng rổ, trở thành HLV và thậm chí mở cả trung tâm dạy bóng rổ, như vậy tất cả đều được tính là nguồn thu nhập từ trái bóng cam.
Trong đó nguồn thu từ các trung tâm bóng rổ được coi là ổn định nhất. Trung bình một cầu thủ có tiếng tăm tại VBA có thể kiếm từ 8-15 triệu đồng/tháng từ các trung tâm có mức học phí thấp, nhưng với các trung tâm dạy nước ngoài con số này có thể lên tới 2.000 - 3.000 đô la Mỹ một tháng, cộng với những khoản khác mức thu nhập của họ hoàn toàn có thể lên tới 100 triệu đồng.
Tuy nhiên theo tìm hiểu đây 100 triệu đồng không phải là mức thu nhập thường xuyên mà là tối đa của một vận động viên: "Như những năm trước thi đấu VBA thời gian tập luyện và di chuyển khá nhiều nhưng nếu sắp xếp khéo vẫn có thể dành ra 2-3 buổi dạy một tuần, cộng thêm tiền lương thi đấu và một vài khoản thu nhập khác thì tôi nghĩ 50 triệu mỗi tháng không phải là khó kiếm, 100 triệu thì không phải là không thể," một cầu thủ chia sẻ.
Đương nhiên nếu nhìn vào con số tối đa sẽ khiến đa số VĐV không khỏi chạnh lòng. Bóng rổ Việt Nam mới bước qua vạch xuất phát và còn rất nhiều điều phải giải quyết, trong đó có mức thu nhập đảm bảo để các cầu thủ cống hiến hết mình với trái bóng cam.