Lê Vân: "Bông hồng thép" trên sân bóng rổ
14 tuổi vào đội tuyển bóng rổ Hà Nội, 19 tuổi ra đường với 2 bày tay trắng nhưng quyết định lựa chọn bóng rổ của Lê Vân cuối cùng đã mang về trái ngọt
Bỏ bóng chuyền, theo... cái rổ
Những người chơi thân với Lê Vân cũng ít ai biết bố mẹ cô đều là VĐV chuyên nghiệp. Bố là VĐV bóng rổ Nguyễn Văn Bộn của Phòng không không quân, mẹ là VĐV bóng chuyền Lê Thị Đay cùng đơn vị.
Vì vậy cô nàng sinh năm 89 may mắn được gia đình ủng hộ trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Tuy nhiên để lựa chọn theo bố hay mẹ là cả một câu chuyện dài.
Mẹ của Vân muốn cô nàng theo đuổi bóng chuyền bởi tại Việt Nam bóng chuyền và đặc biệt là bóng chuyền nữ rất được quan tâm cũng như có nhiều cơ hội để vươn cao. Tuy vậy, dù bố không nói ra nhưng vẫn muốn cô con gái rượu đi theo con đường bóng rổ.
Trong khi ai cũng nghĩ Lê Vân sẽ trở thành một trung phong bóng chuyền thì đúng như câu “nghề chọn người”, con đường của cô nàng sinh năm 89 bất ngờ rẽ sang một hướng khác đó là trở thành VĐV bóng rổ chuyên nghiệp.
“Hồi ấy mình vẫn lên sân Phòng không không quân học chơi bóng chuyền với mẹ và các cô. Ngoài ra còn tham gia một lớp bóng rổ, bóng chuyền do Sở thể dục thể thao Hà Nội lập nên” cô nàng cao 1m75 này chia sẻ.
Với tố chất sẵn có, Lê Vân sớm bộc lộ khả năng của mình và lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên… bóng rổ. Sở thể dục thể thao Hà Nội sau đó chỉ đích danh cô nàng sinh năm 89 này vào đội bóng rổ thủ đô.
“Rất khó để nói đó là tin vui hay tin mừng, bởi việc lựa chọn giữa bóng rổ và bóng chuyền khiến bố mẹ mình tranh luận cãi nhau rất nhiều nhưng cuối cùng bản thân mình nghe theo tiếng gọi trái tim và lựa chọn…bóng rổ”.
Sự lựa chọn sai lầm?
14 tuổi xa gia đình lên ăn tập tại Sóc Sơn với muôn vàn khó khăn. Câu chuyện nhớ nhà nhớ bố nhớ mẹ nhất là những khi chấn thương, đau ốm là lẽ thường tình.
Tập luyện 2 buổi một ngày nhưng chế độ ăn thời ấy cũng không đủ no: “Đang ở tuổi lớn lại tập luyện vất vả cả ngày nên ăn khỏe nhưng đồ ăn thì không đủ, đa phần là phải ôm bụng đói đi ngủ” Lê Vân chia sẻ.
Giải Women Ha Noi Basketball 3vs3 (WHNB3x3) là giải đấu mới được thành lập từ năm 2015 nhằm tạo sân chơi cho các cô nàng đam mê bóng rổ.
Giải đấu năm nay được tổ chức vào ngày 8/1 tại sân Đại học Y Hà Nội với hơn 70 VĐV nữ chia làm 14 đội. Đội Húng Nhại của Lê Vân xuất sắc giành chức vô địch, cô nàng số 12 cũng giành danh hiệu MVP của giải.
Tập luyện ở cường độ cao vì vậy chấn thương cũng không buông tha Vân, cô nàng sinh năm 89 từng dính chấn thương dây chằng và phải mổ cả 2 đầu gối. Rất may là đang trong chế độ của VĐV quốc gia nên toàn bộ chi phí được nhà nước chi trả.
Sở thể dục thể thao Hà Nội khi đó cũng chỉ trợ cấp tiền ăn, mãi đến 3 năm sau thay đổi chính sách thì Lê Vân được nhận mức lương gọi là hỗ trợ hơn 1 triệu/tháng. Con số này không thấm tháp vào đâu so với cả tuổi trẻ cống hiến cho bóng rổ.
Nhưng còn nghiệt ngã hơn thế, đó là thời điểm 3 sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch sáp nhập làm 1. Để tinh giảm bộ máy, bóng rổ là môn thể thao đầu tiên bị giải thể và tất cả cô gái trong đó có Lê Vân đều… ra đường.
Mặc dù có thể xin được danh hiệu Kiện tướng Quốc gia để vào thẳng trường Thể dục thể thao Từ Sơn Bắc Ninh. Tuy nhiên, cả gia đình Lê Vân khi ấy đã quá thất vọng với bóng rổ và quyết định cho con đi học văn hóa.
Sống chết với con đường mình lựa chọn
19 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của một cô gái, khi những bạn cùng trang lứa bước vào cánh cửa đại học thì Lê Vân trở về Hà Nội với 2 bàn tay trắng cùng bao ước mơ dang dở. Tương lai của Vân được chính cô thừa nhận là “mù mịt”.
Bố mẹ định hướng cho Vân học trung cấp kế toán để kiếm cái nghề nhưng việc hàng ngày lên lớp đèn sách với một VĐV chuyên nghiệp như Vân thật sự là một thử thách.
“Có những lúc buồn chán đi lang thang qua Chu Văn An thấy mọi người chơi bóng rổ khá nhiều. Lúc ấy mình mới biết bóng rổ phong trào ở Hà Nội đang phát triển rất mạnh” Lê Vân tâm sự.
Máu VĐV chảy sẵn trong người, Lê Vân không thể cưỡng lại những trận bóng rổ “phủi”. Cô nàng sinh năm 89 cứ thế bùng tiết rồi quyết định nghỉ học khi bước sang năm thứ 2. Thời gian này Vân gia nhập Cdunk và được đánh giá là một trong những VĐV nữ xuất sắc nhất làng bóng rổ Hà Nội.
Với mong muốn truyền lại đam mê và kỹ năng cho các em nhỏ yêu bóng rổ, Lê Vân vẫn nhận dậy cho 4 lớp bóng rổ trong 1 tuần. Mức thù lao khi ấy cũng không đáng kể chỉ đủ tiền xăng xe.
Công việc chính để kiếm sống của Vân trong thời gian này là nhận dạy tại trung tâm thể hình Nshape fitness, với vị trí huấn luyện viên cá nhân. Tuy vậy, sau 4 năm gắn bó với trung tâm này Vân vẫn quyết định nghỉ việc vì chỉ muốn toàn tâm toàn ý với bóng rổ.
Đón nhận thành quả
Năm 2016, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào bóng rổ, Trung tâm huấn luyện TDTT quyết định thành lập lại đội bóng rổ nữ và Lê Vân là cái tên đầu tiên được gọi trở lại.
Cô được nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng vừa là tiền ăn, tiền công tập. Số tiền ấy tuy không quá cao nhưng bước đầu đó là sự ghi nhận cho những cô nàng đam mê bóng rổ nói chung và Lê Vân nói riêng.
Vân tiết lộ: “Đến giờ mẹ vẫn hay trách bố vì quyết định cách đây 14 năm. Nhưng mình chưa bao giờ ân hận. Mình chọn bóng rổ và bóng rổ cũng chọn mình”.
Đối với nhiều người, họ vẫn gọi bóng rổ đã hồi sinh, đã sống lại. Nhưng với bản thân Lê Vân nó vẫn chưa bao giờ “chết”. 28 tuổi với một nửa cuộc đời gắn liền với trái bóng màu cam, đến giờ Vân có thể tự tin nói: “Con đường Vân đã lựa chọn là đúng”.
PV: Quá đam mê bóng rổ, Vân có bị bố mẹ thúc giục chuyện chồng con?
- Đương nhiên là có chứ, bố mẹ giục mình rất nhiều nhưng duyên chưa đến (cười)
PV: Vân đã có người yêu chưa?
- Hiện giờ Vân chưa có
PV: Sau này có con gái Vân có định hướng theo nghiệp bóng rổ ko?
- Sau này có con thì ưu tiên hàng đầu vẫn là hoạt động thể thao để đem lại thể chất khỏe mạnh, Vân không xác định sẽ hướng cho con theo con đường thể thao. Còn nếu có duyên với nghề thì phải chấp nhận thôi
PV: Vân có ý định tham gia quản lý ko, kể cả các giải phong trào như HBL để góp phần thúc đẩy bóng rổ nữ phát triển?
- Trước mắt, ngoài việc tập luyện cùng đội tuyển Hà Nội, Vân chỉ có ý định tập trung cho đội nữ Cdunk của mình để các bạn trong đội phát triển chuyên môn đồng đều hơn, và hướng đến có thứ hạng ở HBL cũng như giải CLB, hoặc giải trẻ nữ.
PV: Cảm ơn và nhân dịp năm mới xin chúc Vân tiếp tục thành công, giữ vững ngọn lửa đam mê trên hành trình đã lựa chọn!