Thích thể hiện, làm màu và những "chiếc nhãn dán" định kiến cho con gái chơi bóng rổ
Nếu một ngày, Hệ Mặt Trời có mọc ra thêm hành tinh thứ 10 thì điều đó chắc hẳn cũng chẳng lạ lùng bằng việc con gái chơi bóng rổ. Nghe có vẻ sai sai nhưng nó đã và vẫn đang diễn ra hằng ngày ở các sân bóng, các trang mạng xã hội.
Ở Việt Nam, bóng rổ đã đi được rất xa so với khoảng thời gian 5 năm trước. Thế nhưng suy cho cùng, độ phủ sóng của bộ môn này vẫn còn hạn chế. Người biết có thể nhiều, nhưng người chơi thật ra lại không dồi dào như vậy. Con gái yêu thích và chơi bóng rổ lại còn ít hơn.
Bóng rổ vẫn là một môn thể thao va chạm, tính cạnh tranh cao, vô tình khiến nó tách biệt hẳn khỏi cái hình ảnh mặc định mà cả thế giới dành cho những cô gái. Dù rằng giờ đây, tư tưởng về bình đẳng giới đã được truyền bá rộng rãi hơn trước, thế nhưng len lỏi đâu đó trong xã hội này vẫn còn những ánh nhìn đầy định kiến cho các cô gái chơi thể thao, đặc biệt là bóng rổ.
Như Michelle Snow, vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp WNBA, từng chia sẻ: “Người ta chẳng bao giờ nghĩ rằng phụ nữ có thể nâng tạ. Họ không nghĩ rằng chúng tôi có thể úp rổ. Họ áp đặt rằng phụ nữ tốt nhất nên ở trong bếp hoặc nằm nghỉ ngơi ở nhà”.
Vậy các cô gái chơi bóng rổ này, người đời đã tự ý đính chiếc nhãn dán nào lên bạn?
Nhớ rằng trước đây, có cô gái đã đăng tải tấm ảnh của cô trong bộ đồ Golden State Warriors vào một trong những nhóm cộng đồng bóng rổ lớn nhất Việt Nam ở Facebook. Rồi cô nhận được gì? Đó là những dòng bình luận mang tính châm chọc, mỉa mai. Họ bảo rằng cô chỉ đang “làm màu”, ra vẻ thích bóng rổ để khiến bản thân trở nên đặc biệt.
Sau màn công kích cá nhân đó, cô gái đã xóa bài viết. Có lẽ ở một góc phòng nào đó, cô đang ngồi đó khóc như Michelle Snow. Nhưng cô không đủ dũng cảm như Snow để có thể đứng dậy một lần nữa và chứng minh những lời phán xét kia là sai. Chỉ đơn giản là cô không còn thiết tha đụng vào quả bóng rổ nữa.
Ngôn từ vẫn luôn là thứ vũ khí sát thương vô cùng nặng nề. Các cô gái chơi bóng rổ vẫn thường hay đối mặt với những lời sát thương như vậy. Nhất là với những cô nàng có ngoại hình một chút.
Có lẽ đó chính là định kiến số một dành cho các cô. Người ta cứ cho rằng xinh đẹp, da dẻ trắng trẻo đồng nghĩa với bản tính yếu đuối, không phù hợp cho các môn thể thao va chạm như bóng rổ. Và rồi mặc nhiên, những cô gái này bị cho là thích thể hiện, làm mất đi cái đẹp mạnh mẽ của bóng rổ. Chẳng biết từ bao giờ mà bóng rổ lại đẹp ở sự phân biệt như vậy?
Cũng có khi mọi thứ không tiêu cực như thế. Các cô gái ưa nhìn chơi bóng rổ vẫn được cộng đồng quan tâm. Thế nhưng họ lại nhìn các cô như một người mẫu biết chơi bóng chứ không phải một nữ vận động viên có nhan sắc. Hai định nghĩa đó hoàn toàn khác nhau. Dù rằng ngoài mặt thì không ghét bỏ nhưng sâu bên trong vẫn là sự phân biệt, vẫn là một rào cản được tạo ra dưới lốt của sự tử tế.
Có đam mê nào không phải đánh đổi đâu. Bên cạnh số ít những cô nàng chơi bóng rổ xinh đẹp, đa số những nữ vận động viên một khi đã xác định bỏ công ra tập luyện thì không thể tránh khỏi hao mòn ngoại hình.
Làn da các cô sẽ khó lòng trắng trẻo sau những buổi thi đấu ở sân ngoài trời giữa ban trưa. Rõ ràng không phải đội nữ nào cũng được chơi ở sân trong nhà.
Đôi vai các cô gái sẽ to và ngang hơn vì đây là một trong những vị trí trên cơ thể có thể đem về lợi thế khi va chạm trong bóng rổ. Đôi tay sẽ cơ bắp hơn.
Thân hình có thể cũng chẳng còn thon gọn do vóc dáng là một trong những yếu tố quan trọng ở bộ môn này. Mái tóc đôi khi cũng sẽ phải cắt ngắn để di chuyển thuận tiện hơn.
Chính vì thế mà không ít các cô gái phải đối mặt với hàng loạt những câu nói đậm chất “body-shaming” khi bước vào bộ môn này. Con gái chơi bóng rổ thế mà khổ. Yếu đuối quá hay mạnh mẽ quá cũng trở thành đề tài bàn tán.
Từng có lần chứng kiến cảnh gia đình nọ cấm cản không cho cô con gái của họ chơi bóng rổ nữa. Nguyên nhân chính là do họ muốn con gái mình phải là một cô gái đoan trang, hiền thục. Họ tự ý vạch ra cho con gái họ một lộ trình trong tương lai. Họ sợ người ngoài dị nghị rằng con gái họ sao giống con trai quá.
Đối mặt với hàng loạt những khó khăn như vậy, thế mà các cô nàng đâu có chịu từ bỏ. Các đội bóng nữ ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở khắp các tỉnh thành Việt Nam. Lang thang ở các sân bóng, người ta dễ dàng bắt gặp những nhóm nữ chơi bóng rổ cùng nhau. Thậm chí là những buổi tập luyện mồ hôi nhễ nhại, quyết liệt, nghiêm túc và bài bản chả kém gì mấy chàng trai.
Việc các cô gái vào đấu nửa sân với bọn con trai cũng nhiều hơn. Hơn thế nữa, đó không còn là những tình huống cố tình thả trống cho các cô gái dứt điểm. Các chàng trai vẫn phòng thủ và tấn công rất nhiệt. Không phải họ không nhường nhịn các cô mà là giờ đây, họ đã tôn trọng và có cái nhìn nghiêm túc hơn về con gái chơi bóng rổ.
Người đời bảo con gái chơi bóng rổ nhìn giống con trai. Thế nhưng họ cũng có khoảnh khắc điệu đà, cũng cần một người con trai để dựa vào như bao cô gái khác. Sẵn sàng mạnh mẽ vì điều mình thích, cũng sẵn sàng yếu đuối vì người mình thương, đó chẳng phải làm nên điều tuyệt vời của con gái sao?
Nhưng cho dù có kiên cường, cứng rắn như con trai thì đã sao? Làm gì có ai đặt ra vẻ đẹp cho con gái là bắt buộc phải “bánh bèo”? Vài người từng bảo rằng con trai trông hấp dẫn nhất khi sống hết mình với đam mê. Chẳng phải con gái cũng vậy sao? Khoảnh khắc một cô gái cháy hết mình trên sân bóng chả phải là điều đẹp nhất sao?