Boxing: Những cú đấm gây tổn thương não bộ như thế nào?

thứ tư 24-7-2019 13:00:00 +07:00 0 bình luận
Những chấn thương liên quan tới não bộ, đặc biệt là chấn động não, là một vấn đề nhức nhối nhưng lại ít được đề cập trong thể thao đối kháng.

Thể thao đối kháng, đặc biệt là MMA và Boxing, luôn đi kèm với những cú đấm, những cú knockout. Găng tay có thể bảo vệ các võ sĩ khỏi các vết tím bầm, nhưng không làm giảm chấn động não, bởi vậy những cú đấm vẫn sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề.

"Ăn cú đấm từ một võ sĩ nặng hơn 90 kg không dễ chịu chút nào," Võ sĩ Boxing người Mỹ Nick Parpa kể lại trải nghiệm thượng đài của chính bản thân anh. "Cảm giác như mọi thông tin trong bộ não đã loạn cào cào. Không thể nhớ ra mình đang ở đâu, đang làm gì. Mọi thứ trước mắt bỗng trở nên trắng lóa."

"Kể cả khi tầm nhìn có thể khôi phục lại sau vài giây, cảm giác bồn chồn mất phương hướng vẫn còn. Tinh thần của một võ sĩ muốn bạn tiếp tục đứng lên và chiến đấu, nhưng đôi chân thì đã nhũn như bún và không thể kiểm soát nổi."

Găng tay có thể bảo vệ các võ sĩ khỏi các vết tím bầm, nhưng không làm giảm chấn động não, bởi vậy những cú đấm vẫn sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề

Vậy những cú đấm sẽ gây tổn thương đến não bộ như thế nào?

Bộ não về cơ bản là rất dễ tổn thương, bởi nó chỉ là một tập hợp mô mềm và mạch máu bên trong hộp sọ. Khi trúng một cú đấm từ đối thủ, não sẽ bị xô khỏi bị trí của nó, va vào mặt trong hộp sọ. Bị va đập, các neuron sẽ bị kéo căng, dẫn đến tổn thương và đứt gãy. Không chỉ bản thân não bộ, màng não cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ những va đập như vậy.

Quá trình này gây ra nhiều hậu quả, từ ù tai, nói lắp, mất thăng bằng, cho đến bất tỉnh và thậm chí tử vong. Kể cả trong những chấn động không quá nghiêm trọng, người võ sĩ cũng sẽ cần một thời gian dài đến hàng tuần để các neuron hồi phục, nếu không muốn nhận hậu quả lâu dài về sau.

Cùng về những cú đấm, phần nhiều khán giả vẫn nghĩ một cú đấm đánh gục đối thủ ngay từ hiệp 1 nhìn có vẻ rất đáng sợ. Nhưng trên góc nhìn y khoa, những cú đấm knockout ngay từ những hiệp sớm của trận đấu lại ít nguy hiểm hơn những loạt đấm combo cuối trận. Điều này có thể được lý giải bởi việc toàn bộ quá trình bị knockout của một võ sĩ là do chính não bộ chủ động "tắt điện" để tự bảo vệ bản thân.

Những cú đấm knockout ngay từ những hiệp sớm của trận đấu lại ít nguy hiểm hơn những loạt đấm combo cuối trận

Giải thích cho cú đấm knockout, tiến sĩ Anthony Alessi, một trong những bác sĩ đầu ngành về thể thao đối kháng, chia sẻ:

"Thông thường thì các ion Kali nằm bên trong tế bào thần kinh (neuron), Natri và Canxi nằm ở màng bao phía ngoài tế bào," Tiến sĩ Alessi giải thích. "Khi bạn nhận một cú đấm vào đầu, sẽ có một chấn động tác động vào màng tế bào thần kinh, khiến các ion Canxi bị tràn vào bên trong neuron. Chúng ta gọi trạng thái đó là khi neuron bị úng Canxi, những ion này sẽ gây tổn thương lên toàn bộ tế bào, và nếu để lâu một chút, thì toàn bộ tế bào sẽ tử vong."

"Để tự cứu và đưa các ion trở về trạng thái cân bằng, các tế bào thần kinh có những hệ thống bơm tinh vi cấp tốc rút hết ion Canxi ra ngoài thành tế bào. Việc này tiêu hao kha khá năng lượng. Do đó, não sẽ chủ động "cúp máy", và đó là lý do tại sao chúng ta bị knockout."

Khác với trường hợp bị knockout sớm, một võ sĩ đã thi đấu đến 8 - 12 hiệp Boxing thường đã phải chịu rất nhiều cú đấm trong suốt trận đấu, nhất là nếu cuộc chơi thiên về hướng đôi công.

Cứ với mỗi cú đấm trúng đầu - kèm thêm việc võ sĩ bị mất nước, hụt điện giải trong suốt quá trình thi đấu căng thẳng - thì nguy cơ não bộ, nhất là màng não, bị dập, bị tổn thương bởi những cú đấm lại càng tăng. Trong trường hợp tệ nhất, những cú đấm đó sẽ không chỉ gây ra chấn động não, mà còn gây ra xuất huyết não và dẫn đến tử vong như trường hợp đau lòng của võ sĩ người Nga Maxim Dadashev mới đây.

Võ sĩ người Nga Maxim Dadashev đã qua đời sau trận đấu ngày 19/7 vừa qua do xuất huyết não

Bởi vậy, kỹ năng, hiểu biết và cả kinh nghiệm của trọng tài và bác sĩ sàn đấu - những người quyết định cho dừng hay tiếp tục trận đấu - là những nhân tố đầu tiên phải xét đến khi tìm cách ngăn ngừa những tai nạn về não cho võ sĩ. Theo sau là sự tinh ý đến từ HLV và đồng đội, những người có thể nhận ra tình trạng khác thường của võ sĩ có đến mức nguy hiểm hay không.

Dẫu sao, đó vẫn chỉ là những nhân tố rất chủ quan. Trong năm 2017, đã có đề xuất về việc gắn cảm biến (sensor) vào găng để đo sức công phá của những cú đấm, giúp tính toán một phần mức độ nguy hiểm để cảnh báo khi võ sĩ đã nhận đòn quá nhiều. Tuy nhiên, do giá thành quá đắt đỏ và những khó khăn trong việc xác định các công thức tính toán, đây là một đề án vẫn cần nhiều nghiên cứu trước khi triển khai.

Thành Dương
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội