Boxing: Khi cái chết ám ảnh người sống

thứ năm 25-7-2019 14:00:00 +07:00 0 bình luận
Những bi kịch trên võ đài không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến gia đình nạn nhân, thậm chí cả những kẻ chiến thắng cũng không thoát khỏi những ám ảnh dằn vặt họ những tháng ngày sau đó.

1. Sugar Ray Robinson và điềm báo mộng chết chóc

Sugar Ray Robinson

Huyền thoại Sugar Ray Robinson, một trong những người định hình của boxing hiện đại cũng phải trải qua những năm tháng ám ảnh khi vô tình giết chết đối thủ trên sàn đấu. Trước trận đấu, Robinson đã nằm mơ thấy bản thân mình đấm chết Jimmy Doyle, giấc mơ ám ảnh ông đến nỗi, ông đã muốn hủy trận đấu. Tuy nhiên, bác sĩ tâm lý và cả linh mục đã thuyết phục Robinson thượng đài vào đêm định mệnh đó.

25/6/1947, Robinson hủy diệt Doyle trên sàn Boxing và knock out Doyle ở hiệp đấu thứ 8. Doyle rơi vào trạng thái hôn mê sau khi ngã xuống và qua đời tối hôm đó. Theo lời kể của Robinson, “Đó là một trong những điều ám ảnh nhất đời tôi”.

Cái chết của Jimmy Doyle là điều ám ảnh nhất cuộc đời Ray Robinson

2. Cái giá phải trả cho chiến thắng oan nghiệt của Ray Mancini

Ray Mancini thời bấy giờ là đã là một ngôi sao lớn của Boxing thế giới, còn Kim Duk Koo đang là một ngôi sao tiềm năng hiếm hoi đến từ Hàn Quốc. Ngày 13/11/1982, Kim Duk Koo và Mancini đã cùng nhau thượng đài cho chiếc đai WBA hạng nhẹ.

Ray Mancini và Kim Duk Koo đối đầu với nhau trong trận tranh đai WBA Lightweight vào ngày 13/11/1982. Trận đấu diễn ra khá gay cấn, nhưng Ray Mancini - có nhiều kinh nghiệm hơn trong những trận đấu 15 hiệp - đã chiếm thế thượng phong trước đối thủ người Hàn Quốc.

Đến hiệp 11, Kim Duk Koo khuỵu xuống. Đến hiệp 13, Kim tỏ ra hoàn toàn bất lực trước combo 39 cú đấm từ Ray Mancini. Nhưng rất không may, trọng tài Richard Green vẫn cho trận đấu tiếp tục. Chỉ đến hiệp 14, sau pha knockdown ở giây thứ 19, trận đấu mới được quyết định là một chiến thắng TKO cho Ray Mancini.

Kim Duk Koo đã đổ gục sau 39 cú đấm

4 ngày sau trận đấu, Kim Duk Koo qua đời bởi xuất huyết não. Các bác sĩ cho biết họ đã hút 100cc máu ra khỏi hộp sọ của võ sĩ người Hàn Quốc, nhưng vẫn không cứu được ông khỏi lưỡi hái tử thần.

Mancini bị trầm cảm nặng đến hàng năm trời sau khi biết tin. Sau này, ông vẫn thượng đài, nhưng không bao giờ còn là Ray "Boom Boom" Mancini của ngày xưa nữa. "Tại sao lại là Kim, sao không phải là tôi?" là câu hỏi đã ám ảnh Macini suốt quãng đời còn lại.

Ray Macini nói về cái chết của Kim Duk Koo

4. Sergey Kovalev nỗi ám ảnh đi suốt một đời võ sĩ

Ngày 5/12/2011, nhà vô địch Light Heavyweight, Sergey Kovalev đã thượng đài với Roman Simanov tại Ekaterinburg, Nga.

Kovalev giã đòn vào cổ đối thủ trong suốt 5 hiệp đầu, knockdown Simanov trong hiệp 6, và kết thúc trận đấu trong hiệp 7. Roman Simanov lập tức được đưa đến bệnh viện.

Trên đường đi, Roman Simanov rơi vào hôn mê. 3 ngày sau, Simanov qua đời. Dù người ta đã phát hiện ra rằng Simanov có vấn đề về sức khỏe từ trước trận đấu, nhưng đến tận giờ Sergey Kovalev vẫn còn cảm thấy mình có lỗi trong cái chết của đối thủ. Vợ của Kovalev cũng chia sẻ: "Kể từ sau trận đấu đó, mỗi lần Sergey thượng đài, tôi lo lắng về hậu quả của trận đấu hơn là việc thắng thua của chồng tôi. Nó đã ám ảnh Sergey."

"Tôi phải tiếp tục chiến đấu, cho cả tôi và Roman," Kovalev nghèn nghẹn nói trong một phỏng vấn với Yahoo Sports sau đó 5 năm.

"Tôi chắc anh ấy đang theo dõi tôi từ trên thiên đàng. Tôi đoán vậy, không biết nữa. Nhưng tôi sẽ cố gắng trở thành võ sĩ Quyền Anh xuất sắc nhất, vì Roman và cả vì tôi."

4. Emile Griffith và hào quang lấm máu

Emile Griffith và Benny Paret là cặp kỳ phùng địch thủ nổi tiếng vào những năm 50-60. Chức vô địch hạng welterweight đã đổi chủ liên tục qua lại giữa hai tay đấm này cho đến ngày 24/3/1962, chiếc đai vô địch đã thuộc về Griffith mãi mãi trong một cách không thể đau lòng hơn.

Trước đó, Griffith thề sẽ "dần Peret ra bã" bởi Peret dám gọi ông là "thằng bê đê" trong buổi weigh-in. Trận đấu được kết thúc ở hiệp 12, khi Paret đổ nhào vào dây đài và bất tỉnh. Chiến thắng được quyết định là TKO dành cho Emile Griffith.

Benny Paret không bao giờ tỉnh lại được nữa. Một tuần sau, "Kid" Paret qua đời trong bệnh viện do xuất huyết não.

Có rất nhiều tranh cãi cho rằng trọng tài Ruby Goldstein đã kết thúc trận đấu quá muộn. Goldstein cãi lại rằng ông quyết định dừng trận đấu muộn vì Emile Griffith không quá nổi tiếng với khả năng knockout, còn Benny Paret rất lỳ đòn.

Dẫu sao, một mạng người cũng đã mất đi.

Trận đấu đã được truyền hình trực tiếp trên đài ABC, tại Madison Square Garden. Thế trận đã rất cân tài cân sức cho đến hiệp 12, Griffith đánh Paret đến gục vào dây đài. Dù vậy, trọng tài không ý thức được những tổn thương mà Paret gánh chịu, ông đã để cho Griffith đánh thêm 20 cú móc toàn lực chính xác vào đầu Paret.

Paret chết trong tiếng hò reo của khán giả mãi là khoảnh khắc ám ảnh Griffith suốt quãng đời còn lại của ông.

43 năm sau cơn bi kịch, Emile Griffith đã đến gặp gia đình của Benny Paret, ông đã được tha thứ, tâm hồn của ông đã được cứu rỗi khỏi chiếc đai vô địch định mệnh đó. Có thể nói, Emile Griffith đã may mắn khi tìm thấy bình yên sau ngần ấy năm trời chịu đựng.

N.Đ
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội