Bùi Tiến Dũng sẽ ra “công thức 3W” cho bóng đá Việt Nam?
->> FLC Thanh Hoá quy định những gì trong hợp đồng với thủ môn Tiến Dũng?
->> Thuê... Ronaldo theo tiếng hết bao nhiêu tiền?
“Bảng báo giá” Bùi Tiến Dũng xuất hiện trên mạng xã hội và việc công ty OFT tuyên bố đứng ra bảo trợ cho thủ thành này đang gây bão với những ý kiến trái chiều.
Sau khi xuất hiện bảng báo giá, phía FLC Thanh Hóa đã đưa ra thông cáo báo chí khẳng định mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh người hùng U23 Việt Nam đều do CLB quản lý. Cầu thủ FLC Thanh Hóa chỉ được quảng cáo cho những đối tác có sự đồng ý bằng văn bản của CLB.
Ai đúng ai sai vẫn chưa ngã ngũ khi đôi bên, ngoài mặt, đều đang tỏ ra cứng giọng với những lý lẽ, cơ sở họ nắm được.
Nhưng dù đã đăng đàn giải thích, phía công ty OFT đang hứng chịu nhiều chỉ trích, bị cho là kẻ “hớt váng”, cơ hội. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, việc OFT công khai sẽ đại diện cho Tiến Dũng, có thể cả nhiều cầu thủ khác được chờ đợi sẽ trở thành phát súng lệnh cho các bên liên quan.
Đầu tiên là các cầu thủ, họ cần nhìn nhận lại để tự biết đánh giá giá trị bản thân, có quyền hưởng lợi ích phù hợp và giữ gìn hình ảnh.
Người/công ty đại diện không phải khái niệm xa lạ với thể thao và bóng đá quốc tế, nhưng ở Việt Nam lại khác. Với hầu hết cầu thủ theo nghiệp chuyên, việc trước khi họ đặt bút ký vào hợp đồng có tìm hiểu chi tiết các điều khoản đều không xảy ra. Hoặc vì họ, đặc biệt các cầu thủ trẻ, có sự hiểu biết về luật lệ, quy định còn hạn chế; hoặc họ chỉ nghĩ về cái lợi ngắn hạn là tiền lót tay hay mức lương; hoặc vì ràng buộc về chữ “tình” nên dù có thắc mắc vẫn cứ đặt bút ký. Chính vì thế bóng đá nội chứng kiến không ít trường hợp tranh cãi về hợp đồng, hoặc những bản hợp đồng có điều khoản bất hợp lý.
Bóng đá Việt từ trước tới nay đang coi nhẹ quyền lợi cầu thủ. Họ cần sự xuất hiện của Hiệp hội cầu thủ như các giải đấu quốc tế để bảo vệ, nhưng vẫn chưa có. Họ cần có người/công ty chuyên nghiệp hiểu về thể thao và thương mại đại diện, để không bị cái tình lấn át, không bị hoa mắt đau đầu với những con chữ mỗi khi đọc bản hợp đồng, để có thể quản lý tài chính một cách hợp lý và OFT đang không sai về mục đích, cần được ủng hộ và nhân rộng kể cả họ không cần nhắc đến chữ “TÂM”.
Tuy nhiên cái cách OFT triển khai lại đang bị chỉ trích. Họ đã không tôn trọng FLC Thanh Hóa khi bỏ qua CLB để làm việc trực tiếp với Tiến Dũng.
Lượng follow trên Facebook của Tiến Dũng tăng ầm ầm với số đông là chị em sẵn sàng… rụng trứng là vì đâu? Từ chiến dịch U23 châu Á 2018 trong màu áo U23 Việt Nam, dĩ nhiên. Nhưng cần nhớ FLC Thanh Hóa là gốc, là nơi nuôi dưỡng và đào tạo Tiến Dũng với những ràng buộc về cả lý (nếu có điều khoản về quản lý hình ảnh trong hợp đồng) và tình khi họ đã chi trả số tiền không nhỏ để đào tạo.
OFT vì vậy không thể hãnh tiến nói về sự chuyên nghiệp của mình. Họ hành xử vội vàng và bỏ qua lợi ích của CLB chủ quản cầu thủ. Mọi mối quan hệ, công việc đều được duy trì trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Sự việc của Tiến Dũng cũng có thể coi là lời cảnh tỉnh cho FLC Thanh Hóa nói riêng và các đội bóng Việt nói chung. Họ cần có cách đối xử tôn trọng, công bằng hơn với các cầu thủ. Bên cạnh đó là sự nhìn nhận nghiêm túc về việc khai thác hình ảnh các cầu thủ của mình, vốn là mảnh đất dù mang lại khoản thu không nhỏ nhưng đang bị hầu hết các CLB nội bỏ ngỏ.
Trong sự việc lùm xùm giữa OFT và FLC Thanh Hóa, người thiệt thòi nhất chính là Tiến Dũng. Đại diện FT nói về cái TÂM vì cầu thủ trong nỗ lực giúp họ yên tâm đá bóng, việc khác các anh lo thì họ cần thực sự vì Tiến Dũng, ngồi lại với FLC Thanh Hóa để tháo gỡ thay vì làm căng, giải quyết bằng câu chữ và pháp lý.
Nút thắt để gỡ, dù OFT có tuyên bố làm phi lợi nhuận nhưng vẫn nằm ở lợi ích. Một khi cả 3 bên cùng hưởng lợi về giá trị thương mại và thương hiệu của Tiến Dũng, với công thức Win-Win-Win (3W) thì… ai cũng đều có Tết!
>>> Chuyên gia luật nói gì về bản “báo giá quảng cáo” của Tiến Dũng?