Thống kê thú vị về HLV giữ ghế lâu nhất qua các kỳ AFF Cup: Vắng bóng Việt Nam
Cả 11 đội tuyển quốc gia đều trình làng những cái tên mới trên băng ghế huấn luyện. Từ người thắng cuộc đến bại trận cách đây hai năm đều không còn tại vị.
Thiếu thốn sự kiên nhẫn
11 HLV mới sẽ trình làng tại AFF Suzuki Cup 2018 nhưng cho đến lúc này, chỉ 8/11 đội tuyển có HLV. Philippines, Singapore và Myanmar là ba đội tuyển còn lại chưa tìm được một thuyền trưởng ưng ý.
Myanmar chia tay HLV Gerd Zeise. Singapore không tin tưởng Sundramoorthy, một HLV nội có năng lực. Philippines cũng tương tự Singapore khi chia tay HLV Thomas Dooley, một người Mỹ.
Đấy mới chỉ là một phần của câu chuyện. Đông Nam Á là vùng trũng nhưng việc các quốc gia thiếu thốn sự kiên nhẫn trong việc xây dựng một đội tuyển quốc gia vững mạnh khiến áp lực lớn dồn lên các HLV, đặc biệt là nhóm các quốc gia trong nhóm đầu như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia.
Các HLV qua từng kỳ AFF Cup (Tiger Cup) ở 5 nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á. Đồ họa: Trung Thu.
HLV Gerd Zeise gắn liền cùng quá trình phát triển của bóng đá Myanmar đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Ông giúp Myanmar tham dự U20 World Cup, cùng đội tuyển quốc gia vào bán kết AFF Suzuki Cup 2016 – thành tích tốt nhất của đội tuyển nước này từ năm 2004. Cuối cùng, ông vẫn bị sa thải. Quan điểm của Chủ tịch Zaw Zaw là Myanmar với những cầu thủ hiện tại còn có thể làm tốt hơn thế.
Câu trả lời về sự kiên nhẫn tiếp tục được minh chứng ở hai nền bóng đá phát triển nhất. Kể từ năm 2010, cứ mỗi mùa AFF Cup, Việt Nam có một HLV mới. Tất cả ứng với thành tích của đội tuyển, sau đỉnh cao vô địch AFF Cup 2008, Việt Nam chưa một lần lọt vào trận đấu cuối cùng.
Thái Lan cũng tương tự. Sau thời kỳ rực rỡ cùng HLV Peter Withe với hai chức vô địch Đông Nam Á liên tiếp (2000 và 2002), họ trải qua 5 kỳ AFF Cup liên tiếp không vô địch, mỗi kỳ một HLV mới. Trong số đó, Peter Reid, Bryan Robson hay Schafer là những nhà cầm quân có tiếng tăm. Cuối cùng, huyền thoại Kiatisak Senamuang mới là người giải cơn khát danh hiệu cho người Thái.
Tuy nhiên, việc HLV Kiatisak bị sa thải khác biệt với những nhà cầm quân khác ở Đông Nam Á ở chỗ, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) kỳ vọng đội tuyển quốc gia thời kỳ này, với thế hệ 1990 – 1993 đầy tài năng sớm vươn tầm châu Á. Sự kiên nhẫn của FAT chỉ khác VFF, MFF (Myanmar), FAM (Malaysia) ở tầm vóc mục tiêu muốn thực hiện mà thôi.
Vô địch hoặc đối mặt với áp lực sa thải khiến ghế HLV ở các nền bóng đá top đầu khu vực trở nên cực kỳ khắc nghiệt.
Các HLV hiện tại – người tiền nhiệm tại AFF Cup 2016:
1. Thái Lan: Milovan Rajevac - Kiatisak Senamuang
2. Indonesia: Luis Milla - Alfred Riedl
3. Việt Nam: Park Hang Seo – Nguyễn Hữu Thắng
4. Myanmar: Chưa chốt – Gerd Zeise
5. Malaysia: Tan Cheng Hoe – Ong Kim Swee
6. Philippines: Chưa chốt - Thomas Dooley
7. Singapore: Chưa chốt – Sundramoorthy
8. Campuchia: Prak Sovannara – Lee Tae Hoon
HLV nào tại vị ở nhiều kỳ AFF Cup nhất?
Câu trả lời hiện ra với một cái tên rất quen thuộc: HLV Radojko Avramovich. HLV người Serbia dẫn dắt đội tuyển Singapore qua 5 kỳ AFF Cup (từ 2004 – 2012). Nếu tính cả lần dẫn dắt đội tuyển Myanmar năm 2014, HLV Avramovich tham gia tổng cộng 6 kỳ AFF Cup.
Ông cũng là HLV có nhiều chức vô địch AFF Cup nhất với 3 lần lên ngôi cùng Singapore (2004, 2007 và 2012). Xếp sau HLV người Serbia là HLV Peter Withe (Thái Lan, 2000 và 2002) và Kiatisak Senamuang (Thái Lan, 2014 và 2016).
Radojko Avramovich là HLV tại vị lâu nhất trong lịch sử AFF Cup khi 5 lần liên tiếp dẫn dắt Singapore tham dự giải (2004 - 2012).
Kể từ năm 2008, Henrique Calisto (Việt Nam), Avramovich (Singpaore), Rajagobal (Malaysia), Kiatisak Senamuang (Thái Lan), Alfred Riedl (Indonesia), Kokichi Kimura (Lào) là nắm quyền ở hai kỳ AFF Cup liên tiếp.
Không tính HLV của Lào, bốn cái tên đầu tiên đều vô địch AFF Cup rồi tại vị cho đến kỳ tiếp theo. Riêng HLV Alfred Riedl, ông như "gã thợ hàn" giàu kinh nghiệm trong bối cảnh Indonesia đang khủng hoảng, đặc biệt thời điểm năm 2015 khi xứ vạn đảo bị FIFA trừng phạt do để chính trị tác động vào bóng đá.
Việc xây dựng một tập thể có lối chơi đặc trưng vì thế trở nên vô cùng khó khăn. 11 kỳ AFF Cup đã qua, Thái Lan dưới thời Kiatsiak và Singapore thời Avramovich thể hiện một lối chơi cực kỳ đặc trưng, nhắc đến là nhớ.
Với Thái Lan, lối chơi giàu kỹ thuật, phối hợp nhỏ đưa quốc gia này tiệm cận trình độ châu Á. Còn thời kỳ của Avramovich, những cầu thủ nhập tịch, lối chơi bóng bổng, đua sức và thể lực từng là nỗi ám ảnh ở khu vực. Và không phải ngẫu nhiên, Thái Lan và Singapore là hai đội tuyển vô địch AFF Cup nhiều nhất với tổng cộng 9 lần lên ngôi sau 11 lần tổ chức.
Các HLV tại vị lâu nhất tại AFF Cup:
5 kỳ liên tiếp:
Radojko Avramovich (Singapore), 2004 -2012
4 kỳ liên tiếp:
Joachim Fickert (Campuchia), 1996 – 2002
2 kỳ liên tiếp:
- Thái Lan: Peter Withe (2000 – 2002); Kiatisak Senamuang (2014 – 2016)
- Indonesia: Peter Withe (2004 – 2007); Alfred Riedl (2014 – 2016)
- Việt Nam: Alfred Riedl (1998 – 2000), Henrique Calisto (2008 – 2010)
- Malaysia: Abdul Rahman Ibrahim (1998 – 2000), Allan Harris (2002 – 2004), Rajagobal (2010 – 2012)
- Philippines: Juan Cutillas (1998 – 2000), Aris Caslib (2004 – 2007), Thomas Dooley (2014 – 2016)
- Myanmar: Marcos Falopa (2007 – 2008), David Booth (2000 – 2002)
- Lào: Kokichi Kimura (2012 – 2014)