“Nhờ Tiến Dũng người ta mới biết Ngọc Lặc ở đâu tại Việt Nam”
Màn trình diễn của thủ môn Bùi Tiến Dũng tại VCK U23 châu Á 2018 không chỉ giúp tên tuổi của anh nổi như cồn mà còn giúp quê nhà Ngọc Lặc, Thanh Hóa hiện hình trong tâm trí nhiều người.
Đặt tour du lịch để sang Trung Quốc cổ vũ U23 Việt Nam, cổ động viên đã ở tuổi lục tuần Nguyễn Hồng Nguyên không khỏi bồi hồi vì sắp được đứng trước thời khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, U23 Việt Nam không vô địch, mong ước không thành hiện thực nhưng đó không phải vấn đề đối với ông Nguyên.
Cổ động viên đặc biệt này mang theo một chiếc túi vốn để đựng vợt cầu lông, một chiếc túi xách cũng cũ sờn từng được Bia Hà Nội tặng. Ông Hồng Nguyên cũng không quên mặc một chiếc áo phông, đội một chiếc mũ có in cờ đỏ sao vàng.
Trò chuyện mới biết, ông Nguyên là người Thanh Hóa và lên Hà Nội làm ăn đã lâu. Đáng nói hơn, ông còn ở cùng huyện với thủ môn Bùi Tiến Dũng. “Tôi gần Lược, một địa danh của huyện Ngọc Lặc, chính quê hương của thủ môn Bùi Tiến Dũng”, ông nói với giọng đầy tự hào.
“Những ngày này ở đấy như mở hội. Chỗ này vẫn là một làng quê nghèo khó, vùng sâu vùng xa của tỉnh Thanh Hóa. Từ xưa rồi, chưa có cái gì, chưa có ai làm cho cái làng quên này nổi lên được cho đến giải U23 châu Á năm nay”.
Ông Nguyên nói tiếp: “Nhờ thằng Tiến Dũng, thằng Tiến Dụng mà Ngọc Lặc suốt 1 tuần nay, kể từ sau khi U23 Việt Nam thắng U23 Australia. Đặc biệt, trận U23 Iraq, U23 Qatar, Tiến Dũng nổi nhất thì khu vực ấy suốt ngày ăn mừng hội hè, rất vui”.
“Bây giờ, cậu Tiến Dũng rất “đắt vợ”, nhiều cô gái mê mà cả Việt Nam này mê chứ không chỉ vùng quê đó. Ở nhà thì cũng không có biệt danh gì đặc biệt, nhà nó nghèo, nó trước đây ít được truyền thông, cơ quan xã hội chú ý, quan tâm. Gia đình nghèo nên cặm cụi tập luyện từ hồi thiếu niên. Hai anh em nó là nằm trong đội thiếu niên của Thanh Hóa đạt giải vô địch Thiếu niên toàn quốc đấy”.
Không chỉ sang cổ vũ một cách đơn thuần cho cầu thủ đồng hương, cho U23 Việt Nam, ông Nguyên chia sẻ rằng muốn mang được cái hồn bóng đá của ngày trước đến Thường Châu để truyền động lực cho các tuyển thủ quốc gia.
“Tôi mê bóng đá từ bé. Thời tôi điều kiện khó khăn, chơi kiểu nhà quê, đá trên ruộng. Hồn bóng đá khi ấy là của đội Thể Công gồm nhiều danh thủ nổi tiếng. Thập kỷ 60, 70 là thời của Trọng Giáp, Văn Khánh, Văn Nghị, Vũ Mạnh Hải, Ba Đẻn. Bộ ba tiền vệ nổi tiếng khi ấy là Bền – Bính – Bội là những người rất nổi tiếng. Họ đá với các đội ở Trung Quốc và đã thắng rất nhiều như Thiên Tân, đội nổi tiếng khi ấy hay đội ngôi sao đến từ Nga”, ông kể hăng say.
“Hồn bóng đá của những con người đó là sự ngẫu hứng, cống hiến hết mình bằng tài năng bẩm sinh, lòng yêu bóng đá. Tôi muốn đem đến các chàng trai trẻ U23 cái hồn cốt ấy. Tôi chưa thấy một thế hệ cầu thủ nào giỏi như thế hệ năm 60 cho đến thế hệ này đá rất giỏi. Tôi muốn truyền vào trận đấu này, hò hét, để họ đá cái trận này với tinh thần của các cựu cầu thủ ngày xưa”.
Trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan đã không khiến ông Nguyên phải thất vọng về tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Tiếc rằng, U23 Việt Nam không chơi tốt hơn ở các tình huống cố định để kéo trận đấu vào loạt sút luân lưu như hai trận đấu trước đó.
Đáng nói hơn, chuyến bay trở về Việt Nam của ông Nguyên cất cánh lúc 21h05 (giờ Trung Quốc) tối 27/1. Trong khi đó, trận chung kết chỉ kết thúc lúc hơn 19h00. Điều đáng tiếc nhất đối với ông lúc đó là không được ở lại chào tạm biệt và động viên các cầu thủ lâu hơn. Giữa tuyệt lạnh ở Thường Châu, việc có rất nhiều người vượt ngàn cây số chỉ trong 1 ngày để cổ vũ cho các cầu thủ cũng đủ đem lại sự ấm áp.