Tổng quan Thể thao Việt Nam qua các kỳ SEA Games: Lớn nhanh như Phù Đổng
Tại SEA Games 31, giới chuyên môn và quan sát hầu như đều tin tưởng Thể thao Việt Nam thừa sức giành ngôi nhất toàn đoàn mà không cần lạm dụng các môn sở trường của mình, nhưng xa lạ với các nước khác. Ngay cả Thái Lan hùng mạnh với tổng số huy chương và huy chương vàng đứng đầu khu vực qua mọi thời đại nay cũng xác nhận mục tiêu chỉ mong giữ được vị trí số 1 ở những môn tổ chức tại Olympic. Nhưng để đạt đến tầm vóc như hiện nay, Thể thao Việt Nam đã cần tới một lộ trình phát triển, sở dĩ không chậm là do những chiến lược, định hướng chính xác.
Trở lại sân chơi khu vực từ SEA Games 1989 ở Kuala Lumpur, Thể thao Việt Nam xác định mục tiêu hội nhập, học hỏi và dò đường. Số lượng vận động viên chỉ vài chục, số môn dự thi chủ yếu là võ như judo, taekwondo... nên số huy chương, đặc biệt huy chương vàng càng không vượt quá con số 10.
Thành tích của Thể thao Việt Nam vẫn ở chiếu dưới khu vực, song rõ ràng luôn tốt hơn qua mỗi kỳ SEA Games. Nhưng rõ ràng, các lãnh đạo Thể thao Việt Nam chưa hài lòng. Trong lúc vẫn áp dụng chiến lược lấy phong trào xây dựng đỉnh cao thì bắt đầu có những trải nghiệm mới với tư tưởng của ông Hoàng Vĩnh Giang: "đi tắt, đón đầu", dùng thành công của đỉnh cao để tạo cú hích phát triển phong trào.
Thể thao Việt Nam tiếp tục tiến bộ thần tốc với chiến lược mới. Từ hạng 7-6 tại các SEA Games 1989-1995 vươn lên 5-4 vào giai đoạn 1997-2001, Thể thao Việt Nam tạo đột biến khi vươn lên số 1 ở SEA Games 2003 trên sân nhà dựa vào những tài năng được chọn làm "hạt giống" rồi đào tạo tập trung và chuyên sâu ở nước ngoài khoảng 10 năm ròng rã.
Thành công của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 22 với 752 vận động viên, 158 HCV, 97 HCB và 91 HCĐ vượt qua mọi kỳ vọng với số tuyển thủ đông ít nhất gần gấp đôi so với trước và số HCV cũng vượt xa tổng số HCV trước đây.
Chiến tích phi thường kiểu "Phù Đổng" này đã giúp Thể thao Việt Nam nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt, đặc biệt về đào tạo vận động viên và xây dựng cơ sở vật chất. Song song đó, mô hình "đi tắt, đón đầu" được lan rộng đến các địa phương để mỗi nơi tuyển chọn và phát triển các môn phù hợp nhất, thay vì đầu tư kiểu dàn trải, chia đều như trước.
Hệ quả là suốt 8 SEA Games sau đó, Thể thao Việt Nam luôn có mặt trong Top 3 bảng xếp hạng toàn đoàn, thậm chí từng vươn lên số 2 ở Lào 2009 và Philippines 2019. Cạnh tranh với Thể thao Việt Nam hiện nay hầu như chỉ còn kình địch Thái Lan và nước chủ nhà thường tìm mọi cách hưởng lợi bằng những môn kiểu "ao làng".
Tuy nhiên, SEA GAmes 31 với tư cách chủ nhà, Thể thao Việt Nam nỗ lực xóa bỏ cái mác "ao làng" bằng cách tập trung vào những môn góp mặt tại Olympic. Quyết tâm này không chỉ xác định tầm vóc của Thể thao Việt Nam nay đã lớn, mà còn hứa hẹn SEA Games 2022 sẽ tạo được bước ngoặt kỳ diệu như SEA Games 2003: nếu trước đây mục tiêu là thuộc tốp đầu Đông Nam Á thì từ nay, ánh mắt càng hướng xa hơn tới ASIAD và Olympic.