4 thập kỷ mới có “Vua ếch” Hữu Việt (kỳ 3)
“Tuyển thủ tiền tỷ” đầu tiên
Là con nhà nòi ở đất bơi Thủy Nguyên (Hải Phòng), mới 10 tuổi, Hữu Việt đã được tuyển vào tuyến năng khiếu, sớm bộc lộ những tố chất hiếm có, đặc biệt phù hợp với loại hình bơi ếch. Chỉ sau đúng 2 năm ăn tập, kình ngư sinh năm 1988 đã vô đối tại các giải trẻ toàn quốc. Khả năng vươn xa rất rõ ràng, thế nhưng bước ngoặt cho sự nghiệp của Việt đến từ một quyết định mang tính đột phá của UBND TP: Chi tiền tỷ đưa tài năng trẻ 14 tuổi sang Trung Quốc tập huấn dài hạn từ 2002. Việt là trường hợp đầu tiên của TTVN được đầu tư theo đúng mẫu hình chuẩn quốc tế hiện đại, do một chuyên gia ngoại kèm cặp theo một chương trình riêng, có chế độ dinh dưỡng, thuốc men riêng. Đặc biệt, kình ngư đất Cảng còn có cơ hội tập luyện cùng, thi đấu cọ xát với rất nhiều VĐV có đẳng cấp thế giới, đến từ nhiều trường phái khác nhau.
Với điều kiện lý tưởng, cộng thêm quyết tâm và sự khổ luyện, Việt đã tiến bộ vượt bậc. SEA Games 2003, ở tuổi 15, anh đã đủ sức thay thế Xuân Hiền sa sút phong độ nghiêm trọng, rồi đoạt ngay tấm HCĐ 100m ếch với thông số đúng bằng của đàn anh 2 năm trước đó 1 phút 04 giây 94. Từ chiến tích xuất sắc ấy, ngành thể thao Hải Phòng thậm chí còn tăng đầu tư cho Việt lên gấp đôi, tới 1 tỷ đồng mỗi năm, với mục tiêu tranh chấp HCV tại kỳ SEA Games kế tiếp.
Chỉ mơ Bạc rồi giành Vàng lịch sử
Đến SEA Games 2005, với một Hữu Việt đang bắt đầu bước vào độ “chín”, bơi Việt Nam đã lần đầu có thể tin tưởng sẽ giành huy chương, chứ không còn hy vọng mong manh, chờ cả vào khả năng tận dụng cơ hội và may mắn như trước. Ai cũng đoán chắc Việt sẽ có huy chương, chỉ chưa biết sẽ là màu gì, còn bản thân tay bơi 17 tuổi chỉ dám mơ một tấm HCB.
Trên đường bơi chung kết 100m ếch vào tối 30/11, Việt xuất phát cực tốt, rồi liên tục so kè với đối thủ người Thái ở 2 vị trí đầu. Bước vào 50m cuối, tuyển thủ Việt Nam đã thực hiện một cuộc bung sức và tăng tốc ngoạn mục để bứt lên rồi cán đích đầu tiên với thông số 1 phút 03 giây 80, hơn 20% giây so với người về Nhì.
Ngay khi chạm tay vào đích, Việt đã hét toáng lên rồi ôm mặt khóc nức nở, còn cả đội bơi Việt Nam như vỡ òa, cùng nhau giơ cao cờ Tổ quốc chạy quanh khắp khán đài. Gương mặt trẻ 18 tuổi đã cắm một cột mốc mới cho Việt Nam trên bản đồ làng bơi ĐNÁ, giải cơn khát Vàng kéo dài tới 44 năm đằng đẵng.
Và như đánh giá của nguyên Trưởng đoàn TTVN, ông Nguyễn Hồng Minh, “món nợ” suốt 16 năm kể từ khi tái hội nhập SEA Games của cả ngành thể thao mới được trả.
HỮU VIỆT
Chỉ là một tấm HCV khu vực, mang tính cá nhân song chiến tích của Nguyễn Hữu Việt được ngành thể thao, cùng tất cả các cơ quan truyền thông bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu năm 2005. Còn bản thân kình ngư làm nên lịch sử này cũng vượt qua hàng loạt tuyển thủ xuất sắc khác để đứng đầu danh sách 10 tuyển thủ tiêu biểu nhất năm.
Với tấm HCV của Hữu Việt, ngành thể thao cùng làng bơi Việt mới nhận thức rõ rằng, dường như chúng ta đã quên mất môn này, trong khi hoàn toàn có thể triển vọng tranh chấp thành tích cao nhất nếu như chọn lựa được những nhân tố tốt, ở một số nội dung phù hợp, để đầu tư trọng điểm”.
Nguyên Trưởng bộ môn Thể thao Dưới nước Ngô Chí Thành
Nỗi khổ của kỷ lục gia “con độc”
Sau kỳ tích tại SEA Games 2005, Hữu Việt tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư cao độ để vươn tới tầm của một “vua ếch” ĐNÁ. Kình ngư Hải Phòng còn đoạt HCV đường bơi “tủ”, 100m ếch ở hai kỳ Đại hội 2007 và 2009. Trong đó, ở SEA Games 2009, anh đã trở thành kình ngư Việt đầu tiên phá được kỷ lục với thông số 1 phút 01 giây 60, đủ để lọt vào Top 8 châu Á.
Thế nhưng, kỷ lục gia này vẫn là một chàng “con độc” của bơi Việt Nam trong một thời gian dài, khi bên cạnh anh không có bất cứ kình ngư nào vươn tới, dù chỉ một tấm huy chương màu đồng. Có lẽ cũng chính bởi tấm HCV SEA Games quá quý giá, cùng vị thế của một người không thể thay thế nên cả các nhà quản lý huấn luyện, và bản thân Việt đã tự bằng lòng ở tầm mức khu vực, không phát huy được cao nhất tài năng hiếm có của anh.
Đón đọc kỳ 4: Từ Quý Phước đến Ánh Viên, 4 năm bằng 3 thập kỷ