5 sự kiện Thể thao Việt Nam "đình đám" nhất năm 2020

thứ năm 31-12-2020 8:00:10 +07:00 0 bình luận
5 sự kiện Thể thao Việt Nam "đình đám" nhất năm 2020 mà Webthethao lựa chọn dưới đây không chỉ khắc họa vinh quang hạnh phúc mà có cả nước mắt cay đắng...

1. Cử tạ Việt Nam - Từ thiên đường tới... ác mộng

Còn nhớ, những ngày cuối tháng 1 năm 2020, vào đúng dịp Tết Nguyên Đán bộ môn Cử tạ đã "mở hàng" cho Thể thao Việt Nam với bảng thành tích chói lọi tại giải Cúp thế giới tổ chức ở Roma (Italia).

Công sức tập luyện miệt mài ngay sau SEA Games 30, nén nỗi nhớ gia đình ăn Tết xa nhà của ĐT Cử tạ Việt Nam đã được đền đáp với việc giành về tổng cộng 10 tấm HCV. Trong đó, riêng cô gái dân tộc Giáy, Hoàng Thị Duyên đã giành cho riêng mình tới 3 tấm HCV khi vô đối ở cả 3 nội dung: cử đẩy, cự giật và tổng cử ở hạng cân 59 kg.

->> Hoàng Thị Duyên: Từ gánh củi rừng trên vai đến giấc mơ huy chương Olympic cử tạ

Hoàng Thị Duyên và ĐT Cử tạ đã mở hàng ấn tượng cho Thể thao VN trong năm 2020...

Cũng tại giải này, những ngôi sao của cử tạ VN như Vương Thị Huyền (2 HCĐ) hay Thạch Kim Tuấn (1 HCV) đều thi đấu khá tốt. Sự tỏa sáng, ổn định của Duyên-Huyền-Tuấn giúp cho cử tạ Việt Nam tràn trề hy vọng giành những tấm vé dự Olympic Tokyo.

Nên nhớ, tại đấu trường Olympic thì cử tạ vẫn là nội dung chủ lực của TTVN bởi từng góp một tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Và mới đây, dù muộn mằn, nhưng cũng có thể coi là tin vui khi lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên nhận tấm HCĐ hạng 56 kg ở Olympic 2012 do đối thủ xếp trên sử dụng Doping.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đẩy lùi sự kiện Olympics sang năm 2021 và đáng sợ, đau buồn hơn đó là bóng ma Doping một lần nữa đẩy cử tạ nói riêng và Thể thao VN nói chung vào ác mộng.

Được biết, cuối tháng 11 vừa qua, hai lực sỹ trẻ tài năng từng giành HCV giải trẻ thế giới là Nguyễn Thu Trang và Bùi Đình Sáng đã cho kết quả dương tính Doping với sau cuộc kiểm tra ngoài thi đấu đột xuất của IWF (Liên đoàn Cử tạ thế giới).

Tài năng trẻ Thu Trang (bìa phải) vừa bị cấm thi đấu vì dính dopping. 

Như vậy, nếu tính cả 2 trường hợp của đô cử Trinh Văn Vinh, Nguyễn Phương Thanh cũng bị IWF phát hiện dính Doping hồi năm 2019, cử tạ Việt Nam đã có tới 4 đô cử "nhúng chàm".

Với việc có 4 VĐV bị cấm thi đấu vì sử dụng doping kể từ tháng 2/2019, cử tạ Việt Nam nguy cơ cao bị cấm dự Olympic Tokyo (Nhật Bản). Bởi theo quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ 3 lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic, bắt đầu vào tháng 11/2018, đều có thể bị mất số lượng hạn ngạch hoặc bị cấm tham dự.

Hai quốc gia khác dính líu đến vụ bê bối doping cử tạ ở lứa tuổi thanh thiếu niên là Thái Lan và Ai Cập đã bị cấm đến Olympic Tokyo. Liệu cử tạ Việt Nam có rơi vào ác mộng này...?

Đô cử Trịnh Văn Vinh đang bị cấm thi đấu 4 năm vì dính doping

2. Bóng đá "phá băng Covid", cả thế giới ngóng về Thiên Trường... 

Năm 2020 đã chứng kiến dịch Covid hoành hành, làm đảo lộn trật tự thế giới nói chung và thể thao nói riêng và môn Bóng đá - vốn được ví như môn thể thao vua - cũng không phải ngoại lệ. 

Nhưng nhờ đường lối chủ trương, quyết sách đúng đắn của nhà nước và những nỗ lực chống dịch phi thường của toàn dân, Việt Nam đã từng bước và sớm trở lại với điều kiện sống, sinh hoạt xã hội bình thường. Điều này giúp cho đời sống Thể thao cũng hoạt động sôi nổi nhộn nhịp trở lại và không thể không nhắc đến sự kiện "Bóng đá phá băng Covid".

Ngày 23/5/2020, trận đấu giữa Nam Định vs HAGL thuộc vòng 1 Cúp QG 2020 trở nên đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thời điểm đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến tình trạng cách ly toàn xã hội trở nên phổ biến và dễ hiểu các sự kiện thể thao nói chung và giải đấu bóng đá trên toàn thế giới bị tê liệt.

Trận đấu có một không hai của Bóng đá VN và thế giới giữa cao điểm dịch Covid hồi tháng 5/2020

Chỉ một vài quốc gia tổ chức các trận đấu nhưng trong bối cảnh không có khán giả hoặc số lượng khán giả hạn chế. Đối lập với tình cảnh đó, ở Việt Nam, bóng đá trở lại sau hơn hai tháng gián đoạn vì COVID-19.

Đặc biệt hơn cả, sân Thiên Trường đón số lượng khán giả lên đến 10.000 người. BTC đã phải huy động đến 500 cán bộ chiến sĩ, 15 cán bộ y tế để đảm bảo công tác tổ chức trận đấu giữa mùa Covid. 

Đại dịch Covid-19, khẩu trang, tất cả không ngăn được sự trở lại cuồng nhiệt của bóng đá và Thể thao Việt Nam

Thời điểm đó, sân Thiên Trường đón số lượng khán giả đến sân đông nhất trên toàn thế giới. Trận đấu diễn ra suôn sẻ. Từ đó, các giải bóng đá Việt Nam trở lại trong sự thán phục của bạn bè quốc tế. Thậm chí, hãng tin Reuters còn làm cả một phóng sự dài hơn 10 phút về không khí bóng đá trở lại ở Việt Nam.

Cả thế giới dõi theo trận bóng đá giữa Nam Định và HAGL hồi tháng 5/2020

 

3. VMMAF ra đời và xu thế Võ thuật lên ngôi

Sau vài lần trì hoãn do dịch Covid, cuối tháng 5 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF). Tại Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành và Chủ tịch là ông Ngô Đức Quỳnh, một doanh nhân có niềm đam mê võ thuật.

Chủ tịch LĐ Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) ông Ngô Đức Quỳnh trả lời phỏng vấn Webthethao tại buổi lễ Đại hội thành lập Liên đoàn

Việc Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) ra đời trong năm nay được đánh giá là cần thiết và rất phù hợp. Võ tổng hợp MMA đã và đang rất phát triển trong khu vực, châu lục cũng như thế giới. Những quốc gia cận kề chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Philippines đều đã có Liên đoàn MMA và tổ chức những giải đấu thành công.

Riêng ở Việt Nam, đã có những CLB và những người yêu thích hâm mộ MMA tham gia tập luyện được một thời gian khá dài. Đây là môn thể thao đối kháng mang tính giải trí cao, hợp với xu thế phát triển của thế giới. 

Đại hội thành lập VMMAF diễn ra hồi cuối tháng 5 ở Hà Nội

 

Được biết trong tháng 12 vừa qua cũng đã diễn ra kỳ họp Ban chấp hành VMMAF lần thứ 2 và tại đây lãnh đạo VMMAF cũng đã giới thiệu Luật thi đấu Võ thuật tổng hợp của Việt Nam – dựa trên cơ sở luật quốc tế (cả nghiệp dư và chuyên nghiệp), cũng như tình hình đặc trưng của các môn võ thuật đối kháng tại Việt Nam với 02 phần, 07 chương và 30 điều, hướng tới ban hành vào năm 2021.

Ngoài ra VMMAF đã tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể tới các Ủy viên BCH, tới từng thành viên phụ trách các ban chức năng: Ban Chuyên môn, Ban Truyền thông Đối ngoại, Ban Tài chính và Vận động tài trợ, Ban kiểm tra, Ban Pháp chế - Khen thưởng kỷ luật.

Tất cả nhằm sẵn sàng cho năm 2021 hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ phong trào tập luyện và tổ chức thi đấu võ thuật tổng hợp ở Việt Nam.

BCH Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam vừa họp lần thứ 2

-->> Luật thi đấu, các sự kiện MMA: Những bước đi của Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam năm 2021

Ngoài việc VMMAF ra đời, năm 2020 còn chứng kiến một loạt môn Võ thuật, giải đấu cấp quốc gia phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng giải đấu và đặc biệt là được truyền thông, các tổ chức xã hội đồng hành hỗ trợ hiệu quả.

Có thể kể ra đây là giải Muay VĐQG ở Vĩnh Phúc và giải Kickboxing VĐQG tại Bình Định hồi tháng 10 vừa qua. Hai giải đấu này đều được Vietcontent Sports hỗ trợ quảng bá truyền thông về giải đấu trên các hạ tầng số hiện đại, kể cả việc truyền hình trực tiếp ngày thi đấu chung kết trên hệ thống kênh thể thao VTV Cable. 

Ngoài ra, đơn vị tài trợ - VMMAF - còn trao tổng cộng 4 chiếc xe máy cho 4 VĐV nam-nữ xuất sắc nhất ở 2 giải kể trên. 

Hữu Hiếu (và Huỳnh Hoàng Phi) nhận giải thưởng đặc biệt ở giải Muay VĐQG 2020

 

Phạm Bá Hợi (và Nguyễn Thị Hằng Nga) nhận giải thưởng đặc biệt ở giải Kickboxing VĐQG 2020

4. Chốt xong "kịch bản thi đấu SEA Games 31"

Cuối tháng 11 vừa qua, tại phiên họp lần 2 của Liên đoàn Thể thao ĐNÁ, chủ nhà Việt Nam đã công bố bổ sung 4 môn thi đấu cho kỳ SEA Games 31, hội đủ các yếu tố cần thiết là Jujitsu (6 nội dung thi đấu), Bowling (6 nội dung thi đấu), E-Sport (Thể thao điện tử 6 nội dung thi đấu) và 3 môn phối hợp (4 nội dung).

Như vậy, chương trình thi đấu của SEA Games 31 đã chính thức được chốt gồm 40 môn với 520 nội dung. Đại hội khu vực lần này sẽ diễn ra từ ngày 21/11 đến 2/12/2021 tại Hà Nội và một số thành phố và tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.

Linh vật và biểu trưng cho SEA Games 31 vừa được công bố tháng trước

 

Dự kiến có khoảng 10,000 VĐV, HLV, chuyên gia, quan chức, các bộ phận liên quan sẽ tham gia SEA Games 31. Sân vận động QG Mỹ Đình sẽ là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của Đại hội gồm lễ khai mạc (21/11), lễ bế mạc (2/12).  

-->> Chương trình thi đấu SEA Games 31 có gì khác so với các kỳ Đại hội trước?

Tất nhiên, mối bận tâm lớn nhất không chỉ với chủ nhà Việt Nam mà còn cho các đoàn tham dự đó chính là tình hình dịch bệnh Covid-19. Hiện Việt Nam cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh ở trong nước. Tuy vậy, nếu tình hình dịch Covid ở các nước trong khu vực tiếp tục căng thẳng thì cũng rất khó nói trước về lịch trình tổ chức SEA Games.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng sau năm 2020 "đóng băng", nhiều sự kiện thể thao lớn như Olympic Tokyo, Đại hội thể thao châu Á trong nhà, AFF Cup... cũng đang dồn cả sang năm 2021 và nó đặt ra nhiều vấn đề thách thức trong công tác chuẩn bị cũng như tổ chức.

Lễ đếm ngược 1 năm tới SEA Games 31 vừa được Hà Nội tổ chức long trọng hôm 21/11 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, Hồ Hoàn Kiếm

5. Lịch sử Boxing Việt Nam sang trang

Lần đầu tiên trong lịch sử, Boxing Việt Nam đã có một VĐV vượt qua vòng đấu loại giành quyền chính thức tham dự Olympic hạng 57 kg, đó là trường hợp của võ sỹ Nguyễn Văn Đương.

Hồi tháng 3 vừa qua ở giải Vòng loại Olympic khu vực châu Á ở Jordan, tay đấm sinh năm 1996 quê gốc Bắc Ninh đã xuất sắc thắng K.O kỹ thuật trước đối thủ rất mạnh người Thái Lan Chatchai Butdee sau chưa đầy 1 phút. Đáng nói ở chỗ, mới trước đó ở SEA Games 30 Văn Đương đã thua Chatchai ở trận chung kết.

Nguyễn Văn Đương giành tấm vé lịch sử dự Olympic cho Boxing Việt Nam

Như vậy, sau 32 năm, đây là lần thứ hai trong lịch sử một võ sỹ Boxing Việt Nam được góp mặt tại đấu trường danh giá Olympic. Trước đó, tại Thế vận hội mùa Hè 1988 ở Seoul (Hàn Quốc), VĐV Đặng Hiếu Hiền và Nguyễn Tiến Tuấn từng tham dự nhưng là với suất đặc cách.

Chiến thắng của Văn Đương bởi thế đích thực là bước ngoặt khích lệ cho sự phát triển của Boxing Việt Nam. Và nó cũng sẽ là động lực để một tay đấm khác, Nguyễn Thị Tâm (51 kg) tiếp tục nuôi hy vọng tìm kiếm tấm vé thứ 2 dự Olympic Tokyo cho Boxing nước nhà.

Nhà vô địch châu Á 2017, vô địch SEA Games 2019 Nguyễn Thị Tâm đang được kỳ vọng sẽ tiếp bước Nguyễn Văn Đương giành vé dự Olympic Tokyo

-->> Boxing Việt Nam sẽ chuẩn bị thế nào cho SEA Games 31 và Olympic Tokyo?

Cũng trong năm 2020, Boxing Việt Nam còn ghi nhận những thành tích rất đáng chú ý khác ở sân chơi chuyên nghiệp.

Hồi tháng 2 võ sỹ cự phách Trương Đình Hoàng đã bảo vệ thành công đai vô địch WBA châu Á khi "tiêu diệt gọn" đối thủ Wongda (Thái Lan) bằng knock-out kỹ thuật ngay đầu hiệp 2. 

Trương Đình Hoàng xuất sắc bảo vệ thành công đai vô địch WBA châu Á hồi đầu năm

Cũng trong tháng đó tay đấm Thu Nhi đã vượt qua đối thủ Thái Lan sau 10 hiệp đấu căng thẳng để giành chiếc đai WBO châu Á hạng 48 kg.

Rõ ràng, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa và cách thức quản lý, đào tạo và bồi dưỡng chuyên nghiệp đang góp phần giúp phong trào tập luyện, thi đấu Boxing ở Việt Nam ngày một khởi sắc.

Lương Anh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội