60-70% VĐV Việt Nam gian khó tìm “đầu ra” sau giải nghệ

thứ sáu 4-12-2020 9:00:43 +07:00 0 bình luận
Theo thống kê, có tới 60- 70% số VĐV cấp tỉnh sau khi giải nghệ phải tự lo “đầu ra” ngoài thể thao. Các cơ sở thể thao, các trường học các cấp trên cả nước cũng chỉ giải quyết được 15-20% số VĐV giải nghệ, có bằng cử nhân TDTT hay Sư phạm TDTT.

Câu chuyện đào tạo nghề, hướng nghiệp và tìm kiếm việc làm sau giải nghệ cho VĐV đỉnh cao đang trở thành một vấn đề bức bách và nan giản nhất của thể thao Việt Nam.

Nỗi ám ảnh kiện tướng dự Olympic cắt cỏ, dọn vệ sinh SVĐ 

Mỗi khi nói về chuyện “đầu ra” hay “hậu vận” của các VĐV Việt Nam người ta vẫn hay dẫn ra trường hợp đầy nước mắt, khổ ải triền miên của VĐV chạy dài nữ hay nhất Việt Nam Trần Thị Soa (Hà Tĩnh), người từng dự Olympic 1980. Sự bất hạnh của bà, theo một cách nào đó có thể đổ cho số phận, song vẫn phải thấy phần lớn đến từ chính thể thao. Giá như bà có một công việc ổn định, đảm bảo tương xứng, chứ không phải là nhân viên cắt cỏ, dọn vệ sinh, bán vé của sân Vinh, cuộc sống chắc hẳn đã khác nhiều.

Giống hệt như thế, ở Thái Bình, để ngăn không cho con cái theo bóng chuyền, bao giờ các phụ huynh ở đây cũng lấy ngay “tấm gương” của cựu tuyển thủ quốc gia Bùi Thị Lanh. Nhiều năm nay, NHM thể thao đất Lúa đã quá quen với cảnh, danh thủ lẫy lừng một thời này cùng chồng và 2 con trông xe cho khách vào SVĐ, rồi làm đủ thứ việc của một lao động phổ thông... Nhìn ở một góc độ nào đó, đây thực sự chỉ là hai trong số hàng loạt những ngôi sao đã phải trá giá cả quãng đường, tương lai về sau vì theo thể thao .

Cuộc sống cơ cực của VĐV nổi tiếng một thời Trần Thị Soa sau khi giải nghệ.

Ngay cả trong thời kỳ mới, thảm cảnh của bác Soa, cô Lanh vẫn luôn là nỗi ám ảnh thường trực đối với bất cứ VĐV nào, kể cả các ngôi sao hàng đầu, dù có thể mức độ không còn như thế. Các VĐV đàn cháu của hai ngôi sao thể thao ngày nào đã được quan tâm hơn, có điều kiện học tập phát triển tốt hơn, cơ hội việc làm, kiếm sống cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc hướng nghiệp, đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho VĐV vẫn còn nguyên, thậm chí còn gay gắt hơn. 

Khi làm thầy là “lối ra” duy nhất 

Có thể thấy, đến giờ các VĐV thể thao vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chung, với những vấp váp, trầy trật, khó khăn, khi chia tay sàn đấu để... “vào đời” lại. Có một thống kê gây sốc khi có tới 60-70% số VĐV từng là tuyển thủ cấp tỉnh thuộc diện chính thức nhiều năm, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp coi như phải làm lại từ đầu. Cơ quan quản lý thể thao các cấp chỉ có thể tạo điều kiện, hỗ trợ hay trực tiếp lo được một  “phần ngọn” mang tính bể nổi là các tuyển thủ quốc gia, các VĐV xuất sắc làm HLV hay giáo viên thể chất, với tỉ lệ chỉ chiếm 15-20%. 

Bài toán “đầu ra” đang khó khăn kéo dài, khi cả làng thể thao đều luẩn quẩn mãi quanh “lối ra” duy nhất: làm thầy (HLV thể thao thành tích cao và giáo viên thể chất). Đây là câu trả lời đúng nghĩa “trăm người như một” khi hỏi ngay cả một tuyển thủ quốc gia về dự định công việc, tương lai sau khi giải nghệ. Trong khi đó, khả năng của các cơ sở huấn luyện đào tạo thể thao, các trung tâm thể thao, bộ môn giáo dục thể chất của trường học các cấp trên cả nước cũng chỉ có thể giải quyết được khoảng 15-20% số VĐV giải nghệ, có bằng cử nhân TDTT hay Sư phạm TDTT. 

Bởi thế quá nhiều VĐV, kể cả tuyển thủ quốc gia, đã vỡ mộng hoàn toàn trước thực tế khắc nghiệt, với những bi kịch mưu sinh thực sự. Nhiều VĐV đã chấp nhận làm những công việc “trái ngành”, những công việc đơn giản, thời vụ để mưu sinh. Thậm chí nhiều trường hợp rơi vào cảnh thất nghiệp.

Người ta vẫn nhói lòng khi nhắc đến trường hợp của knh ngư từng đoạt tấm HCB lịch sử cho bơi Việt Nam tại SEA Games 2001, Trần Xuân Hiền. Anh giã từ nghiệp đấu trong cảnh tay trắng, kể cả một tấm bằng Đại học thể thao. Để rồi trước khi qua đời do tan nạn thương tâm, kình ngư đất Quảng Bình đã trải qua nhiều năm trong cảnh tha hương vào TP.HCM  mưu sinh, ở nhà trợ, làm bảo vệ hồ bơi.  

Vấn đề càng trở nên bức bách và nan giải, nếu thể thao Việt Nam không có đột phá trong việc đào tạo, hướng nghiệp và tìm kiếm việc làm cho VĐV mà cứ thụ động theo nếp cũ. Bởi đơn giản thể thao thành tích cao Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển “nóng” với sự bùng nổ về quy mô, tạo sức ép cực lớn cho bài toán “đầu ra”.

Hà Thảo
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội