Chủ tịch LĐ bóng rổ VN, Nguyễn Bảo Hoàng: “Sẽ sớm có giải nhà nghề ở Việt Nam”
Dành 30-40% quỹ thời gian cho thể thao
- Thể thao 24h: Vì sao ông nhận lời tranh cử chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam khóa VI?
Ông Nguyễn Bảo Hoàng: Trước hết, tôi là người rất đam mê thể thao. Tôi thường xem trên truyền hình hoặc tham gia chơi thể thao trong các giải thanh niên. Ở Mỹ, hầu như trẻ em nào cũng biết chơi thể thao. Khi còn nhỏ, tôi chơi bóng chày, bóng bầu dục và một chút bóng rổ. Lớn lên, tôi không có nhiều thời gian để chơi thể thao nữa nhưng vẫn mê đi xem trực tiếp hoặc qua truyền hình. Bóng rổ là môn thể thao mà tôi yêu thích nhất, xem trực tiếp nhiều nhất và có nhiều kỷ niệm.
Ở Việt Nam, tôi nhận thấy bộ môn bóng rổ có khá nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Vào thời điểm tôi mới thành lập đội bóng Saigon Heat thì chưa có nhiều CĐV đến sân xem bóng rổ, còn trên truyền hình thì cũng ít khi đề cập đến môn này. Tuy nhiên, khi ra ngoài các sân chơi thực tế thì tôi thấy nhiều bạn trẻ rất ham mê. Đó là một trong những lý do tôi thành lập Saigon Heat.
Mặt khác, TP.HCM không có nhiều sự kiện thể thao để vui vẻ, giải trí. Hơn nữa, mọi người hay suy nghĩ thể thao chỉ gói gọn ở các hoạt động trên sân. Thực ra, thể thao là cho cả cộng đồng, nếu mình tạo ra được môi trường, sân chơi vui vẻ để mọi người cùng tham gia. Thể thao có sức mạnh vì có thể thu hút tất cả mọi người trong cộng đồng cùng nhau cổ vũ cho một đội. Tôi hy vọng sẽ tạo ra một sự phát triển cho bóng rổ để thu hút nhiều CĐV.
- Là một doanh nhân, liệu ông có thể thu xếp quỹ thời gian cần thiết cho thể thao? Ông có thể định lượng sẽ dành bao nhiêu phần trăm quỹ thời gian của mình cho vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam?
Tôi dành 30-40% thời gian cho các tổ chức thể thao của mình, bao gồm: Đội bóng rổ Saigon Heat, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, đội bóng đá bên Mỹ, giải thể thao sinh viên VUG. Những hoạt động này cũng là niềm vui, nên tôi cũng muốn dành đủ thời gian cho những tổ chức mà mình tham gia.
- Ông kỳ vọng gì ở mô hình Saigon Heat- CLB bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam? Các bước đi tiếp theo của Saigon Heat là gì?
Tôi hy vọng trong 10 - 20 năm tới, Saigon Heat vẫn tham gia các giải nhà nghề trong và ngoài nước. Các đội bóng trên thế giới có thể tồn tại đến cả trăm năm, nhưng để tồn tại và phát triển cần phải lo hoạt động kinh doanh, cách xây dựng mối quan hệ tốt với CĐV. Để làm được điều này thì đội bóng phải phát triển cùng với một nhóm các CLB nhưng cái khó là chưa chắc các CLB có cùng tầm nhìn. Không thể nào có chuyện một CLB thi đấu một mình thì sẽ thành công mà phải thi đấu với các CLB khác. Thế nên, chúng ta cần phải thuyết phục mọi người cùng làm và cùng phát triển.
- Người Việt Nam thích bóng đá trong khi bên Mỹ thích bóng rổ và bóng chày. Bản thân ông có nhiều thời gian trải nghiệm cuộc sống bên Mỹ, ông có thể lý giải phần đông người Mỹ thích bóng rổ hơn bóng đá xuất phát từ lý do gì?
Lý do quan trọng nhất là sự trải nghiệm của mọi người trong môi trường sống của họ. Suy cho cùng, tất cả các môn thể thao đều giống nhau. Thể thao là phải có thể lực, kỹ thuật để chơi giỏi. Bên Mỹ, những môn như bóng bầu dục, bóng rổ có nhiều người thích là vì các giải được tổ chức rất tốt, mang đến cho các CĐV sự vui vẻ, trải nghiệm. Đến đó, chúng ta được gặp gỡ với bạn bè và cùng hàng nghìn, hàng vạn người cổ vũ cho đội bóng mà mình thích.
Thu hút nhiều nhà tài trợ, có mục tiêu rõ ràng hàng năm
- Ông nghĩ gì về hiện trạng của bóng rổ Việt Nam khi phong trào phát triển sâu rộng nhưng đỉnh cao lại yếu kém, với ĐTQG 11 năm không được tập huấn thi đấu, mỗi năm chỉ kiếm được vài trăm triệu đồng kinh phí cho hoạt động, gắn với sự thiếu quan tâm đầu tư của ngành thể thao, cũng như hoạt động kém hiệu quả của Liên đoàn?
Để phát triển môn bóng rổ và xây dựng một kế hoạch đáp ứng tất cả các mục đích là rất khó. Thế nên, chúng ta phải tổ chức giỏi và những con người xung quanh phải có cùng đam mê lẫn tầm nhìn. Phát triển bóng rổ Việt Nam là một việc không dễ vì phải có đủ nguồn lực. Tầm nhìn của tôi là thu hút nhiều nhà tài trợ và phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng hàng năm.
Bóng rổ hiện nay là môn thể thao được nhiều bạn trẻ quan tâm. Nếu xét về đỉnh cao để thi đấu với các ĐTQG trong khu vực thì chúng ta thiếu HLV và một hệ thống để phát hiện, đào tạo nhiều cầu thủ trẻ giỏi. Trong 5 năm nữa, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam cần tập trung đột phá ở mảng đào tạo trẻ. Ngoài ra, cũng cần có một kế hoạch rõ ràng để phát triển bóng rổ từ cấp độ trẻ lên tới ĐTQG. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch tổ chức một giải nhà nghề quốc gia để mọi người chú ý nhiều hơn đến bóng rổ.
- Liên đoàn và cá nhân ông sẽ làm gì để hiện thực hóa mục tiêu đưa bóng rổ thành môn thể thao số 2 ở Việt Nam. Ông có thể cho biết lộ trình cho mục tiêu này, và ông hình dung như thế nào về bóng rổ Việt Nam sau 5 năm của 1 nhiệm kỳ?
Trước hết, về thành tích của cả 2 ĐTQG nam, nữ, chúng tôi muốn đứng ít nhất là vị trí thứ 2 - 3 trong khu vực. Thế nhưng, tôi nghĩ một trong những việc quan trọng nhất là phải thu hút CĐV. Tôi muốn mọi người đến Nhà thi đấu để được trải nghiệm trong một môi trường thể thao sống động, vui tươi và cầu thủ thi đấu trên sân thêm hào hứng. Bên cạnh đó, chúng tôi có kế hoạch tạo điều kiện tối đa để ĐTQG thi đấu thường xuyên với các đội mạnh trong khu vực.
- Nhiệm vụ mang tính điểm nhấn cho phát triển mà ông ưu tiên tập trung là gì?
SEA Games vừa rồi thì ĐTQG tham gia chủ yếu là cọ xát thôi nên tới đây cần có kế hoạch phát triển cụ thể. Thứ nhất, chúng tôi muốn quan tâm chăm lo cho các ĐTQG thật tốt. Thứ hai, chúng tôi sẽ đưa những hoạt động đến các trường phổ thông để phổ biến và khuyến khích việc tập luyện bóng rổ. Thứ ba, chúng tôi muốn tạo ra một giải bóng rổ VĐQG thực sự có chất lượng, sức hút, theo hướng chuyên nghiệp, để mọi người biết đến nhiều hơn.
- Cũng như hầu hết các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam trong vài nhiệm kỳ qua gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự, tổ chức, hoạt động. Ông sẽ tổ chức và củng cố Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam như thế nào?
Hiện nay ở Việt Nam, các Liên đoàn thể thao Quốc gia cũng nên tiến hành xã hội hóa để thể thao nhận được sự ủng hộ của các cộng đồng xung quanh. Việc tổ chức lại bộ máy là rất quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực, tài trợ, nhân sự và những điều kiện khác cho phát triển. Còn những người tham gia trong Liên đoàn thể thao Quốc gia thì phải có đam mê và hiểu biết sâu về môn thể thao đó.
- Ông nhìn nhận thế nào về việc xã hội hóa thể thao ở Việt Nam? Ông có nghĩ thể thao là lĩnh vực có thể đầu tư sinh lời không?
Có thể nói sinh lời trong thời gian ngắn hạn là rất khó. Còn chuyện xã hội hóa thể thao đương nhiên rất quan trọng. Vì sao? Hoạt động thể thao rất quan trọng cho xã hội, cho cộng đồng. Vì vậy phải có sự tham gia của tất cả mọi người. Doanh nghiệp là “nguồn máu” của thể thao vì luôn luôn cần các nhà tài trợ, các đối tác truyền thông.
Ở bên Mỹ, tôi thấy nhiều mô hình tổ chức thể thao rất ổn định và chuẩn. Trước hết, cần xác định thể thao là giải trí để thu hút người xem. Vì vậy, mình phải biết cách giới thiệu sản phẩm để bán được hàng. Ví dụ sự trải nghiệm của CĐV là điều rất quan trọng. Thắng, thua chưa quan trọng bằng việc tạo ra sự vui vẻ để họ xem xong còn muốn quay lại.
Tôi hâm mộ Michael Jordan và Ánh Viên
- Hiện tại, ông có chơi môn thể thao nào không?
Hiện tôi vẫn chơi tennis và thỉnh thoảng vẫn tham gia đánh golf và chơi bóng rổ. Trong đó, thực ra, riêng chuyện chơi golf là một vấn đề lớn về thời gian đối với tôi.
- Ông hâm mộ VĐV Việt Nam và quốc tế nào nhất? Nhân vật thể thao để lại ấn tượng nhất trong ông là ai?
VĐV mà tôi hâm mộ là Michael Jordan. Khi được xem trực tiếp các trận đấu của Michael Jordan thì tôi thấy rõ ý chí và khát vọng chiến thắng của Michael rất cao, hiếm ai bằng được. Còn ở Việt Nam, tôi hâm mộ em Nguyễn Thị Ánh Viên.
Nhân vật thể thao để lại ấn tượng nhất trong tôi là Stan Kroenke, ông chủ CLB bóng đá Arsenal. Ông ấy là một tỷ phú đặc biệt vì đầu tư rất nhiều vào thể thao, với việc sở hữu 1 CLB bóng rổ (Denver Nugget), 1 CLB hockey (Colorado Avalanche), 1 CLB bóng bầu dục (St. Louis Rams) và 1 CLB bóng đá khác ở Mỹ (Colorado Rapids).
- Ông có ngưỡng mộ Chủ tịch CLB bóng đá Chelsea, Roman Abramovich không?
Thực ra, tôi không thích Chelsea vì thích Arsenal. Trước khi quen biết ông Stan Kroenke, tôi đã là CĐV Arsenal vì thích Arsenal thời đỉnh cao có những ngôi sao như Thierry Henry, Patrick Vieira…
- Xin cám ơn ông và chúc ông thành công cùng CLB Saigon Heat và Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam!