Chuyện của Thể thao Đà Nẵng: Trung tâm hàng đầu thành đối tượng “giải cứu”

chủ nhật 11-10-2015 14:31:50 +07:00 0 bình luận
Từ hạng 4 với 57 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010, chỉ sau 4 năm, Đà Nẵng tụt xuống thứ 8 với 22 HCV. Điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, chế độ đãi ngộ sa sút tới mức nhà vô địch đi bộ SEA Games Thanh Phúc từng phải xin nghỉ.

4 năm tụt dốc không phanh

Đà Nẵng từng có thời gian được coi như một hiện tượng đặc biệt của TTVN, với cách nghĩ cách làm mang tính đột phá, nhất là trong chiêu mộ, ưu đãi tài năng. Sau khi Đà Nẵng lọt vào Top 4 Đại hội TDTT toàn quốc, cùng với sự xuất hiện của những tài năng như Quốc Toàn (cử tạ), Quý Phước (bơi), Thanh Phúc (đi bộ), Phạm Thị Huệ (đua thuyền), nhiều người đã nghĩ tới khả năng thể thao sông Hàn có thể sớm đe dọa ngôi nhất nhì của HN và TP.HCM.


Sau đô cử từng đoạt hạng 4 Olympic Trần Lê Quốc Toàn, Đà Nẵng đã không còn sản sinh ra một tài năng đáng kể nào.

Thế nhưng điều đó giờ đã trở nên quá xa vời, và Đà Nẵng đã gần như trở lại vạch xuất phát của một địa phương trung bình khá về mọi mặt của thể thao so với cả nước. Trong 4 năm, Đà Nẵng đã đánh mất cả một nền tảng cực tốt. Việc họ còn đứng được thứ 8 Đại hội TDTT toàn quốc 2014, hay đoạt một vài HCV tại SEA Games thực chất cũng chỉ nhờ vào thành quả “sót” lại của giai đoạn ngắn thăng hoa trước đó.

VĐV phải tập ở… hành lang

Nhìn ngay từ cơ sở vật chất và nhân lực hiện tại của thể thao Đà Nẵng mới thấy họ không tụt hậu kéo dài mới… lạ.

Ngành thể thao TP chỉ đang được quản lý 3 địa điểm là Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân (đang xây dựng), CLB Bơi lặn và Khu đua thuyền Đồng Xanh Đồng Nghệ. Trong đó, CLB Bơi lặn và Khu đua thuyền Đồng Xanh Đồng Nghệ chỉ đáp ứng cho các môn dưới nước. Khi Làng thể thao Tuyên Sơn hoành tráng bậc nhất Việt Nam ra đời vào 2010, giới chuyên môn đã rất kỳ vọng về một “bệ phóng” lý tưởng. Thế nhưng, đây lại là một mô hình đơn vị sự nghiệp có thu phí nên các VĐV cũng… mất nhờ. Mỗi khi đơn vị này tổ chức sự kiện, các VĐV buộc phải nghỉ hay thậm chí khắc phục bằng cách ra tập luyện ở… hành lang. Cực chẳng đã, nhiều môn đã buộc phải chọn giải pháp thuê và tập nhờ các đơn vị tư nhân.

Nguồn nhân lực, cụ thể là đội ngũ HLV của Đà Nẵng cũng nảy sinh nhiều bất cập. Như năm 2015, 81 HLV đang phải đảm trách  tới  650 VĐV. Chưa kể, trình độ và chế độ đãi ngộ của những “máy cái” này cũng là cả một vấn đề lớn. Ở kỳ SEA Games 28, Đà Nẵng đóng góp duy nhất 1 HLV. Tình thế càng gian khó bởi ngành thể thao lại đang “ôm đồm” quá nhiều môn trong nguồn kinh phí hạn hẹp.

Và một cuộc “giải cứu”

Đà Nẵng vừa có cuộc họp “khẩn” để điều chỉnh chiến lược phát triển thể thao thành tích cao TP. Sự điều chỉnh ấy, bản chất của nó, chính là bước khởi đầu cho một cuộc “giải cứu”. Những người có trách nhiệm đã phải thừa nhận về nguy cơ tụt hậu hiển hiện, cách làm dàn trải cào bằng, sự yếu kém ở các điều kiện căn bản… Hàng loạt giải pháp cấp bách và lâu dài được đặt ra, như việc loại bỏ nhiều môn không phù hợp, tập trung cao độ cho các môn Đà Nẵng có thế mạnh và thể thao biển. Trước đó, Hội đồng Nhân dân TP cũng ban hành một nghị quyết về chế độ đãi ngộ đối với các HLV, VĐV được đánh giá “vượt trước” cả nước.

Chưa thể khẳng định thể thao Đà Nẵng sẽ sớm tìm lại được vị thế hàng đầu sau 4 năm tụt dốc. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn khả thi trong tương lai gần, gắn với nhận thức và quyết tâm thay đổi thực sự, cùng các giải pháp đảm bảo.

Trần Khánh

Theo quy định mới của Đà Nẵng về chế độ đãi ngộ, nếu VĐV giành HCV Olympic sẽ được hưởng thu nhập “cứng” cao gấp 25 lần mức lương cơ bản trong vòng 4 năm, được hỗ trợ mua nhà, tiền học phí 100%, bố trí công việc. Ngay với SEA Games, VĐV giành HCV cũng có thu nhập “cứng” gấp 11 lần mức lương cơ bản trong 2 năm, HCB 6 lần và HCĐ 4 lần.

“Phát pháo đầu” của Thanh Phúc

Trước khi tham dự ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Thanh Phúc trực tiếp đến gặp Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng để đề đạt nguyện vọng xin giải nghệ bởi theo Phúc lí giải: “Tôi bước chân vào thể thao với niềm đam mê và sự yêu nghề nhưng càng ngày càng thấy mơ hồ về tương lai của mình, chỉ biết tập và thi đấu chứ không biết tương lai đi về đâu. Những câu hỏi sau khi giải nghệ sẽ làm gì cứ ám ảnh trong đầu. Thế nên, tôi xác định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ giải nghệ để tìm hướng đi cho mình”.

Đứng trước nhu cầu bức thiết như vậy, những người đứng đầu ngành thể thao thành phố sông Hàn đã có những bước đi mới nhằm giúp VĐV yên tâm cống hiến. Chính từ đây, chiến lược đãi ngộ đối với HLV, VĐV đã có sự thay đổi.

“Chế độ đãi ngộ mới đã giúp tôi cũng như những VĐV khác yên tâm cống hiến hết mình cho thể thao Đà Nẵng. Dù hiện tại tôi đã đỗ tốt nghiệp nhưng sẽ rút lại ý định giải nghệ như ban đầu bởi đã tìm được hướng ra”, Phúc chia sẻ.

T.K

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội