Chuyển giao quyền cho các LĐ: Mục tiêu qua hạn, đề án vẫn chưa xong
Cụ thể: Theo dự thảo, việc chuyển giao sẽ được bắt đầu ngay từ năm 2010 với các Liên đoàn “nhóm 1”, nhóm có khả năng nhận chuyển giao (có điều kiện tài chính, có môi trường tập luyện, có bộ máy và trụ sở) như Ủy ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn Bóng đá, Bóng chuyền, Hiệp hội Golf, Hiệp hội Thể thao Điện tử và Giải trí. Đến năm 2011-2012, tiếp tục chuyển giao cho các Liên đoàn “nhóm 2” có điều kiện ở mức thấp hơn, gồm các Liên đoàn của các môn Cầu lông, Cầu mây, Bóng bàn, Cờ, Mô tô- xe đạp thể thao, Điền kinh, Vovinam. Giai đoạn 2013- 2015, chuyển giao tiếp một số nhiệm vụ, hoạt động tác nghiệp trong khả năng phù hợp cho các Liên đoàn còn lại.
Nếu đúng lộ trình, việc chuyển giao – chí ít về mặt tổng thế và số lượng – sẽ hoàn thành trong năm nay. Thế nhưng, hiện đề án vẫn chỉ nằm ở dạng dự thảo, dù đã trải qua rất nhiều lần chỉnh sửa, xin ý kiến các cơ quan hữu trách, cùng chính các Liên đoàn.
Và cũng chưa biết bao giờ, đề án mới xong để triển khai, bởi cơ quan quản lý Nhà nước luôn bận rộn với các sự vụ thời sự, cũng như chưa có sự quan tâm, tập trung cần thiết. Chỉ có điều chắc chắn rằng, các mốc chuyển giao, vì sự chậm trễ của đề án, đã phải dời lại tới 5 năm, và có thể còn lâu hơn nữa.
Dù có thể sự chuyển giao sẽ khó khăn, bản thân việc xây dựng đề án mang tính khả thi cũng rất gian nan, song chính sự chậm trễ này sẽ khiến người ta hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi về cách nghĩ cách làm của cơ quan quản lý Nhà nước về thể thao: Có thực sự quyết tâm và thực sự muốn chuyển giao?
Và quan trọng hơn, các Liên đoàn vẫn chưa được “sở hữu” những quyền tác nghiệp mà đáng ra phải thuộc về mình. Thực tế phối hợp hoạt động giữa các Liên đoàn với cơ quan quản lý Nhà nước ở rất nhiều môn liên quan đến các vấn đề không hề phức tạp (tổ chức giải đấu, phong đẳng cấp, lên danh sách ĐTQG) đang nảy sinh rất nhiều khúc mắc, phức tạp. Tất cả chỉ bởi không rõ việc phân định Nhà nước làm gì, tổ chức xã hội – nghề nghiệp làm gì.
Hà thảo