Chuyện siêu kỳ thủ Lê Quang Liêm: Từ tỷ phú thành… triệu phú
4 năm liền kiếm tiền tỷ
Sau một thời gian dài phải dùng tiền của gia đình để đầu tư cho sự nghiệp, bắt đầu từ 2010, thu nhập của Quang Liêm từ sự nghiệp thi đấu bắt đầu có bước đột phá ngoạn mục gắn với những thành tích vang dội tại hàng loạt giải quốc tế. Cụ thể, ngay năm 2010, chỉ với 4 giải đấu thành công, nổi bật là danh hiệu vô địch Aeroflot trên đất Nga, Liêm đã kiếm được 1, 3 tỷ đồng. Tính ra, anh đã có 4 năm liên tục gặt hái tiền tỷ. Trong đó, đỉnh cao là 2013, tiền thưởng của Liêm vượt mức 2 tỷ đồng, mà riêng một giải VĐTG nơi kỳ thủ sinh năm 1991 đăng quang nội dung cờ chớp, giành hạng 4 cờ nhanh đã mang về 62.500 USD.
Chỉ qua mấy năm, Liêm đã trở thành tuyển thủ có thu nhập “khủng” nhất ở các môn ngoài bóng đá, với cách kiếm tiền theo đúng mẫu hình của các ngôi sao hàng đầu thế giới, thông qua việc đấu giải. Và với đẳng cấp của một siêu Đại KTQT đang bước vào thời kỳ tăng tốc phát triển, chuyện anh có tiền tỷ mỗi năm hoàn trong tầm tay. Càng đáng nói bởi đặc thù của môn này có thể duy trì đỉnh cao rất lâu, với độ chín nhất thường phải đến 40-45 tuổi nên Liêm còn rất nhiều khả năng nâng cao đáng kể cả về thành tích lẫn thu nhập.
Giờ chỉ còn vài trăm triệu
Thế nhưng 2 năm trở lại đây, tính từ thời điểm Quang Liêm sang Mỹ du học tại trường Đại học Webster, mọi chuyện đã khác hẳn, kể cả về thu nhập. Nó bị tụt giảm nghiêm trọng, dù không bất ngờ. Đơn giản, do phải tập trung cao độ cho chương trình học văn hóa tại nhà trường nên Liêm chỉ có thể tham dự một vài cuộc đấu mỗi năm. Chỉ việc dự được quá ít giải cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tranh chấp thứ hạng cũng như tiền thưởng. Liêm đã phải bỏ qua nhiều cuộc đấu trong hệ thống có giá trị giải thưởng rất cao, thậm chí cả giải mà mình là chuyên gia chiến thắng như Aeroflot. Chưa kể, ngay với 3-4 giải dự tranh, anh cũng không đạt thứ hạng cao, có giải còn thất bại nặng nề.
Từ mức tiền tỷ, thu nhập của Liêm giờ chỉ còn vài trăm triệu mỗi năm, đã tính cả lương, phụ cấp khoảng 15 triệu đồng/tháng từ đơn vị chủ quản TP.HCM. Năm 2014, khoản thưởng duy nhất mà anh nhận được chỉ là 4.000 USD cho vị trí thứ 3 tại giải quốc tế thường niên HD Bank Cup trên sân nhà. Năm 2015, đến thời điểm này, anh cũng mới có 12.000 USD nhờ chức vô địch HD Bank Cup cùng 2.000 USD khi giành hạng nhất vòng loại World Cup khu vực.
Khó vì có quá nhiều sự lựa chọn
Quang Liêm từng khẳng định mình chưa bao giờ thi đấu vì tiền thưởng, và thực sự đã chứng minh điều đó trên thực tế. Một phần đó là quan điểm gắn với niềm đam mê, hướng riêng của mình với nghiệp cờ. Phần quan trọng khác, anh xuất thân từ một gia đình rất có điều kiện kinh tế tại TP.HCM. Anh chưa bao giờ phải chịu áp lực về kinh phí hay từ tiền thưởng. Cũng hiếm ai ở làng thể thao có sự đào tạo, tích lũy bài bản trong việc học văn hóa cùng các kiến thức, kỹ năng toàn diện như Liêm. Anh mê học và học rất giỏi.
Có thể nói, Liêm có rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai của mình, bên cạnh nghiệp cờ. Và đó cũng là cái khó cho chính siêu kỳ thủ, cũng như cả cờ vua Việt Nam bởi nó khiến cho nguồn lực, động lực của anh ít nhiều bị phân tán. Hay nói cách khác, nghiệp cờ của Liêm hiện tại đã không đạt tới tính chuyên nghiệp giống như các hảo thủ hàng đầu thế giới.
Hà Thảo
Sở hữu 10 danh hiệu quốc tế
Trong nghiệp đấu của mình, Quang Liêm đã đoạt tổng cộng 10 danh hiệu quốc tế lớn, tại các sự kiện tầm cỡ hàng đầu thế giới hay những giải chuyên nghiệp hay giải mời đỉnh cao. Ngoài ngôi vô địch U.14 giải trẻ thế giới vào 2005, chiến tích sáng giá nhất của anh chính là chức VĐTG cờ chớp năm 2013, cũng là năm mà anh giành HCV cờ chớp châu Á. Chiến tích vô cùng sáng giá nữa là hai ngôi Quán quân giải Aeroflot liên tiếp vào 2010 và 2011. Anh cũng là kỳ thủ duy nhất trên thế giới bảo vệ thành công ngôi vị tại giải đấu “thượng đẳng” này.
Kể từ khi sang Mỹ du học, Liêm mới có một danh hiệu duy nhất, vô địch HD Bank Cup 2015, một giải đấu chỉ ở tầm khu vực.