Chuyện Trương Thanh Hằng lập cú đúp HCB tại ASIAD 2010: Vượt ngưỡng thần kỳ
(thethao24.tv) – Đoạt 2 HCB ở môn điền kinh, Thanh Hằng đã sở hữu chiến tích sáng giá nhất trong đoàn quân tranh tài tại Quảng Châu. Đây là thành quả thực sự “thần kỳ”, nhất là xét trên khả năng vượt qua những bó buộc, điểm yếu mang tính cố hữu của điền kinh Việt Nam.
>>>Tấm HCĐ 10 môn phối hợp của Vũ Văn Huyện tại ASIAD 2010: Chiến tích của “siêu nhân”
>>>ASIAD: TTVN & những thất bại độc nhất vô nhị
2 HCB… khó tin
Cả làng điền kinh, các chuyên gia đều dùng từ “thần kỳ” để diễn đạt về chiến tích đoạt 2 HCB trên đường chạy Quảng Châu của Hằng. Trước ASIAD 2010, mọi người kể cả Hằng, chỉ hy vọng mình có thể lấy được 1 HCĐ đã là mĩ mãn rồi.
Thật dễ hiểu, 2 nội dung 800 và 1.500 vốn tập trung toàn hảo thủ, lại càng khó khăn hơn trước làn sóng nhập tịch từ châu Phi của một số đoàn Tây Á. Trong khi đó, kể từ sau lần tỏa sáng tại SEA Games 2007, Hằng chưa bao giờ lấy lại được phong độ tốt nhất, thậm chí cứ xuống dần đều. Quá trình chuẩn bị của chị cũng gặp nhiều trục trặc, càng nản hơn, vì chỉ thấy cô trò chị cứ “mài chân” mãi ở Trung tâm HLQG Đà Nẵng.
Vậy mà, Hằng đã khiến tất cả phải kinh ngạc với sự rực sáng quá thuyết phục. Tuyển thủ gốc TPHCM đã đạt tới đỉnh cao về mọi mặt, không chỉ thể lực, tốc độ, sức bền mà cả kinh nghiệm và khả năng chớp cơ hội. Đặc biệt xuất sắc ở cự ly 1.500m, mà Hằng chỉ có thông số đăng ký xếp thứ 7, chị đã có 1 cuộc đấu hoàn hảo. Chị đã “lẩn khuất” phân phối sức, kìm tỏa các đối thủ trong suốt 2 vòng đầu, để rồi tung ra cú nước rút ngoạn mục trong 200m cuối, vượt lên về đích thứ 2, ngay sau Jamal (Bahrain).
Đến cự ly 800m, Hằng còn thi đấu hay hơn nhiều, một lần nữa về nhì, nhưng lần này đã gần như ngang ngửa với nhà vô địch M.Matsko (Uzbekistan).
Rất đáng chú ý, Hằng đã thua Jamal ở 1.500m, song đã vượt qua chính đối thủ này ở 800m. Và nếu tổng hợp cả 2 cự ly, chị mới chính là chân chạy trung bình số 1 châu Á. Cả 2 thành tích HCB của VĐV đang đầu quân cho Ninh Bình đều phá rất sâu kỷ lục SEA Games mà chính chị đang giữ.
Chuyến tập huấn “vớt”& chiếc que thử
Có lẽ, một nguyên nhân quan trọng giúp Thanh Hằng có bước bứt phá tại ASIAD nhờ chuyến tập huấn “vớt” tại Côn Minh (Trung Quốc) mà phải đấu tranh mãi cô trò chị mới có được.
Chính đợt rèn giũa tại vùng núi cao, có không khí loãng trong 1 tháng từ 15/10, đã tạo ra “cú hích” cho Hằng có bước tiến vượt bậc về sức mạnh, sức bền, và điều chỉnh chuẩn xác điểm rơi phong độ. Chính ở đây, còn có sự đóng góp, hỗ trợ đáng kể của “quân xanh” là các đồng đội nam, như Đình Cương, Văn Lý. Họ đã trực tiếp “kéo” Hằng đạt tới sự vượt ngưỡng so với chính mình.
Chưa bao giờ, chuyện chăm sóc cho Hằng lại bài bản, chuyên biệt như thế, bởi ngoài HLV “ruột” Từ Tâm, còn có 2 chuyên gia Đức theo kèm. Ê kip HLV này đã phối hợp tốt trong việc chỉnh sửa kỹ thuật, khối lượng tập luyện, cũng như tìm kiếm các thông tin đối thủ, xác lập phương án chuẩn bị, thi đấu cụ thể cho Hằng.
Nếu như không có chuyến xuất ngoại “vớt”, suýt bị đổ bể vào giờ chót này, có thể khẳng định, dù có nỗ lực và may mắn đến đâu, Hằng cũng chẳng thể đủ “nền tảng” để rực sáng như thế.
Tưởng như rất nhỏ, nhưng như lời của HLV Từ Tâm thì trong sự thành công của cô học trò “ruột” có cả đóng góp của những chiếc que thử accid lattic, lần đầu tiên được áp dụng. Nhờ nguồn tài trợ của điền kinh Đức, nên cô trò chị đã có thể sử dụng thỏa mái các que thử này tại chỗ, trong mỗi buổi tập nhằm luôn đo chính xác lượng vận động, sự thay đổi thể chất, rồi đưa ra điều chỉnh kịp thời. Đây là dấu ấn rõ rệt khoa học công nghệ, đặc biệt đắc dụng trong cả 1 quy trình dài của VĐV.
Trước đây, dù biết tốt và rất muốn, nhưng ngay cả Thanh Hằng cũng chưa được dùng, vì mỗi lần thử mất 100.000 đồng.
|
Hà Thảo