Chuyện về VĐV cao nhất Việt Nam, Trần Ngọc Tú (Kỳ cuối): Nước mắt “khủng long mồ côi”
Nỗi đau mất mẹ & 4 năm phiêu bạt
Gặp phóng viên báo Thể thao 24h, Ngọc Tú đã vài lần chực rơi nước mắt khi nói về tình cảnh khốn khó và cay đắng của mình, từ hoàn cảnh gia đình đến chiều cao quá khổ luôn bị người ta nhìn như “người ngoài hành tinh”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở xứ Thanh, Tú đã sớm phải nhận nỗi đau mồ côi khi người mẹ đang khỏe mạnh bất ngờ qua đời vì bạo bệnh. 4 anh chị em Tú từng trải qua những tháng ngày đói dài mắt. Người bố dù quanh năm suốt tháng xa nhà chỉ mong kiếm tiền đủ nuôi đàn con nhỏ nheo nhóc cũng không nổi vì thu nhập quá bèo bọt. Khổ nhất chính là Tú với một chiều cao, trọng lượng quá khổ không biết bao nhiêu lần khóc mếu vì quá đói.
Mới 14 tuổi, thời điểm cao tới 1m80, Tú phải bỏ học theo bố và anh trai cũng chỉ hơn mình 1 tuổi đi làm phu hồ, chỉ đơn giản để được ăn no, rồi kiếm thêm chút tiền gửi về nuôi 2 em gái nhỏ. Cùng với đội thợ của bố, Tú đã phiêu bạt khắp các tỉnh Bắc – Nam. Cái lưng của Tú hiện tại bị gù một cách dị thường cũng do phải xách những xô vữa, chồng gạch quá nặng. Chuyện giờ quanh năm ngủ dưới sàn với Tú đã là tốt hơn nhiều so với thời co quắp nằm dưới nền đất ở những lán thợ dựng tạm.
Nguy cơ thất học cả đời
Qua 2 năm gia nhập đội Silat Vĩnh Phúc, ngoài các buổi tập, Ngọc Tú luôn phải ngậm ngùi nhìn các đồng đội tung tăng đến trường, trong niềm khát khao cháy bỏng. Vì gia cảnh nên suốt thời thơ ấu cậu bé rất thông minh này không được hưởng trọn vẹn niềm vui của một học trò bởi những cơn đói và tiền học phí. Và Tú phải bỏ học ngay từ lớp 7.
Mới đây, các HLV Vĩnh Phúc đã lặn lội về Thanh Hóa xin lại hồ sơ, học bạ để làm thủ tục cho Tú tiếp tục theo học lại. Thế nhưng chẳng hiểu do nhà trường hay gia đình Tú mà tất cả đều không còn gì. Các thầy vẫn chưa biết sẽ phải giải quyết trường hợp đặc biệt của Tú như thế nào. Ngành giáo dục Vĩnh Phúc không có cơ sở nào, kể cả các tiêu chuẩn đặc cách để xét cho Tú quay lại trường học. võ sĩ hạng 110kg môn Silat đang đứng trước nguy cơ thất học suốt đời.
Bản thân Tú coi việc được tập luyện, thi đấu và nuôi ăn ở ở đội Silat Vĩnh Phúc mà chưa có bất cứ chế độ nào khác giống như một giấc mơ. Tú không sợ khổ, sợ thiệt, miễn sao có thể gắn bó lâu dài với nghiệp thể thao. Điều mà chàng trai xứ Thanh lo sợ nhất, như một nỗi ám ảnh, là mình bị loại khỏi đội nếu như không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, hay bất cứ lý do nào đó.
Một công việc hay cuộc sống bình thường như bao người khác với người khổng lồ 2m12 ấy vẫn đang hết sức mong manh. Và có lẽ chỉ quyết tâm, nỗ lực của Tú là không đủ.
Sỹ Minh
Khi Ngọc Tú còn làm phu hồ, vì thấy cậu ngoan, chịu khó và có chiều cao quá “khủng” nên một số người đã giới thiệu đến một số đội bóng chuyền và bóng rổ để tìm kiếm cơ hội. Tú đã từng thử việc ở CLB bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và CLB bóng rổ nam Joton Sài gòn song đều bị loại chỉ trong một thời gian. Có chiều cao quá lý tưởng nhưng Tú lại bị hạn chế lớn ở nền tảng thể lực và sức bật. Và chỉ đến khi đến với đội Silat Vĩnh Phúc, chàng trai 16 tuổi cao 2m08 mới chứng tỏ được sự phù hợp, khả năng phát triển tốt của mình.
“Thực sự trong các học trò của mình tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Ngọc Tú. Một phần vì chiều cao quá tốt, phần nữa là hoàn cảnh và nghị lực của em. Thực ra, chiều cao 2m12 cũng chỉ là một điều kiện, chứ không phải đã có ngay một võ sĩ có đủ trình độ, kỹ năng cần thiết để tranh chấp các thành tích quốc gia, hay quốc tế. Tôi rất tin và bản thân sẽ chăm lo hết sức để giúp Tú thành công. Thực tế, ở môn Silat, những người có chiều cao cùng cân nặng “khủng” như em quá hiếm, với ưu thế rõ ràng. Chỉ cần có đủ nền tảng thể lực, hoàn chỉnh kỹ thuật, Tú sẽ hoàn toàn có thể “khuynh đảo” thảm đấu với chiều cao và sải tay ấy. Riêng về chuyện học văn hóa, chúng tôi cũng đang cố gắng đề xuất ngành giáo dục Vĩnh Phúc xét đặc cách cho Tú được học lại”.
HLV trưởng ĐT Silat Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Hùng