Diễn đàn kinh tế thể thao 2024: Hiệu quả đặc biệt mang lại từ việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn dưới góc nhìn Hàn Quốc

thứ năm 17-10-2024 13:10:32 +07:00 0 bình luận
Với kinh nghiệm tổ chức nhiều giải đấu thể thao cấp độ thế giới, Hàn Quốc cho thấy những hiệu quả đặc biệt mang lại một cách sâu rộng.

Diễn đàn kinh tế thể thao 2024 được tổ chức vào ngày 17/10 tại Hà Nội là sự kiện thu hút sự quan tâm của những người yêu thể thao trong và ngoài nước, là nơi để những người làm thể thao chia sẻ về những khó khăn, thách thức nhưng cùng với đó là các cơ hội để phát triển.

Diễn đàn năm nay với sự xuất hiện của ông Oh Yeong - Woo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao Hàn Quốc mang đến những góc nhìn mới, những kinh nghiệm, cơ hội về việc tổ chức các sự kiện lớn của thể thao Hàn Quốc như Olympic 1988, World Cup 2002, giải Vô địch điền kinh thế giới 2011, Đại hội thể thao châu Á 2014, Đại hội thể thao sinh viên thế giới 2015, giải Vô địch Taekwondo thế giới 2017, Olympic mùa Đông 2018 hay giải Vô địch bơi lội thế giới 2019.

Sự kiện Olympic 1988 tạo nên bước đại nhảy vọt của Hàn Quốc về mọi mặt

"Để chuẩn bị cho sự kiện lớn đầu tiên là Olympic 1988, Hàn Quốc đã phải đăng cai từ năm 1979, ở thời điểm đó GDP đầu người của chúng tôi chỉ rơi vào khoảng 1.000 đô la Mỹ, nếu so vào thời điểm vật giá hiện tại là 4.000 đô la Mỹ, tức là cũng tương đương Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Như vậy có thể nói rằng về quy mô kinh tế và sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc trước khi tổ chức Olympic 1988 và Việt Nam hiện tại có khá nhiều điểm tương đồng. Hàn Quốc đã có thời điểm phải từ bỏ đăng cai ASIAD năm 1970 do những khó khăn kinh tế ở thời điểm đó. Phải đến năm 1986 chúng tôi mới có sự chuẩn bị đủ tốt để đăng cai ASIAD 1986, lấy đó là tiền đề để tổ chức sự kiện Olympic 1988".

Ví dụ của Hàn Quốc cho thấy việc đầu tư cho một sự kiện thể thao cần chuẩn bị lớn đến thế nào, kéo dài cả một thập kỷ cùng với đó là những yếu tố cần đảm bảo như kinh tế, văn hoá, cơ sở vật chất... Tuy nhiên sự đánh đổi ấy mang lại những giá trị thiết thực cho Hàn Quốc, những bước tiến thể hiện rõ qua các con số thống kê là minh chứng cho một kỳ Olympic 1988 thành công, mang đến bộ mặt mới cho quốc gia.

"Ngoài những tác động kinh tế hữu hình như tạo việc làm và thu nhập từ du lịch nhờ việc xây dựng sân vận động và đường xá, những hiệu ứng vô hình như cải thiện hình ảnh đối ngoại của nước chủ nhà, kinh nghiệm tổ chức sự kiện lớn cũng được mang lại.

Hiệu quả kinh tế mang lại sau Olympic 1988 được thống kê lên đến 10 nghìn tỷ won tương đương 7,4 tỷ đô la Mỹ, trong đó 2 tỷ đô đến từ hiệu quả kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 300 triệu đô tác dụng kích thích kinh tế thông qua phục hồi ngành du lịch và tăng lượng khách nước ngoài, cùng với đó 330.000 việc làm được tạo ra".

Ông Oh Yeong - Woo, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao Hàn Quốc

Olympic 1988 không chỉ mang rất nhiều hiệu quả về kinh tế mà còn về văn hoá cho việc phát triển thành phố Seoul, trước Olympic 1988 dân số thành phố chỉ rơi vào khoảng 8,6 triệu người nhưng chỉ ngay sau sự kiện con số này tăng lên 10,5 triệu người, biến Seoul trở thành một đại đô thị.

Giao thông đường bộ đặc biệt hệ thống tàu điện ngầm phát triển gấp 4 đến 5 lần so với trước Olympic, số quận tăng từ 21 lên 96 quận, tái phát triển nhà ở xuống cấp tăng gấp 2,5 lần, số lượng chung cư tăng gấp đôi. Đường bộ mở rộng, số ô tô tăng gần 4 lần,... đây thực sự là những con số thống kê ấn tượng!

Những cải thiện về mặt môi trường cũng trở nên rõ rệt, nhờ Olympic Seoul 1988 thời điểm đó chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư 1,4 tỷ đô la Mỹ để cải thiện môi trường sông Hán, phát triển bờ sông để mở rộng không gian ngoài trời và không gian xanh, bảo trì hồ chứa nước chống lũ, xây dựng nhà máy nước thải, khai thác tàu du lịch và cơ sở thể thao giải trí,...

"Nhờ Olympic 1988 việc phát triển đô thị ở Seoul cũng được diễn ra nhanh chóng, trở thành một đại đô thị hấp dẫn. Hàn Quốc có cơ hội quảng bá văn hoá và những nét đẹp của chúng tôi đến bạn bè thế giới. Đặc biệt giá trị kinh tế và thương hiệu của Hàn Quốc cũng tăng lên rất nhiều bởi thời điểm đó chúng tôi mới chỉ trải qua 35 năm sau hiệp định đình chiến và gặp vẫn rất nhiều khó khăn".

Sau thành công vang dội của Olympic 1988, Hàn Quốc hiểu rằng những sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới mang đến hiệu quả lớn như thế nào, đó cũng là lý do để họ quyết tâm đăng cai thành công sự kiện hàng đầu làng túc cầu thế giới FIFA World Cup 2002.

Lễ hội bóng đá năm ấy mang về hiệu quả cho Hàn Quốc 6,6 tỷ đô la Mỹ trong đó du lịch và tiêu dùng hưởng lợi nhất khi đạt hơn 3 tỷ đô, 1,5 tỷ đô tới từ phát triển cơ sở hạ tầng và 1,5 tỷ đô tới từ giá trị thương hiệu và cải thiện hình ảnh quốc gia. Nên nhớ rằng con số 6,6 tỷ đô này là của hơn 20 năm trước, nếu tính ở thời điểm hiện tại có giá trị xấp xỉ 35 tỷ đô la Mỹ!

World Cup 2002 tạo nên hiệu ứng xã hội đặc biệt tại Hàn Quốc, tạo giá trị tinh thần về lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc

"Ngoài những giá trị được thống kê tương tự Olympic 1988,  FIFA World Cup 2002 mang lại là hiệu ứng xã hội với những giá trị tinh thần về lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc, tinh thần thể thao cho người dân Hàn Quốc.

Tại World Cup năm đó chúng tôi đặt mục tiêu vào Tứ Kết nhưng khi vào đến Bán Kết toàn bộ tinh thần thể thao nói chung và bóng đá Hàn Quốc nói riêng đã nổ tung, gắn kết toàn thể dân tộc thành một khối, xoá bỏ những mâu thuẫn trước đó về chính trị, về quan điểm phát triển kinh tế và hình ảnh của những "Quỷ đỏ" (NHM Hàn Quốc) được phát sóng trên toàn thế giới".

Những giải đấu thể thao lớn sau đó tiếp tục ghi nhận thành công của Hàn Quốc với khâu tổ chức chuyên nghiệp, tạo môi trường thi đấu thuận lợi, công bằng cho các VĐV, hình ảnh du lịch, kinh tế tăng vọt. ASIAD 2014 giúp Hàn Quốc đạt hiệu quả kinh tế 9 tỷ đô, Olympic mùa Đông 2018 là 30 tỷ đô.

"Những hiệu quả tổ chức các sự kiện thể thao lớn rõ ràng nhất là nâng cao thương hiệu quốc gia có tác động lan toả về mặt kinh tế, tạo ra hiệu ứng đa dạng, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hội nhập và niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy tăng cường năng lực đối ngoại. Xây dựng nền tảng phát triển quốc gia, phát triển thành phố, tài nguyên du lịch, phát triển công nghiệp thể thao,...", ông Oh Yeong - Woo kết lại.

Những thành công vượt bậc của Hàn Quốc trong việc tổ chức sự kiện thể thao lớn là động lực để thể thao Việt Nam học hỏi, đương nhiên để có được thành công là những sự đầu tư chỉn chu và tâm huyết, tuy nhiên hiệu quả mang lại rõ ràng vô cùng giá trị!

Quang Minh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội