Thách thức đào tạo & rào cản lợi ích của giải bóng chuyền VĐQG
Cả làng cùng sa lầy
Phương thức tổ chức giải với 12 đội nam, 12 đội nữ bắt đầu từ năm 1999 đã sớm bộc lộ những bất cập rất cơ bản, đặc biệt trong vài mùa gần đây. Việc 12 đội phân thành nhiều nhóm lớn, nhóm nhỏ khác nhau - rõ nhất ở giải nữ - đã dẫn đến thảm họa về chất lượng chuyên môn của giải đấu vẫn mang danh đỉnh cao quốc nội, nhất là vòng bảng. Các cuộc chạm trán giữa 1 đội nhóm đầu với 1 đội nhóm cuối không khác gì một màn “tra tấn” đối với cầu thủ 2 đội, cùng khán giả.
Giải VĐQG qua 2 vòng đấu bảng cùng 1 vòng chung kết chỉ có khoảng 4-5 trận đáng xem. Mục tiêu quan trọng bậc nhất là phát hiện, rèn giũa cầu thủ vì thế cũng bất thành. Qua cả chục mùa giải, số nhân tố mới, ở mức có thể đảm đương nhiệm vụ ở ĐTQG, được tạo nên ít đến mức có thể đếm được trên một bàn tay.
Trong khi đó, giải VĐQG của hầu hết các nước đều đang có mô hình 8 đội. Đây là một kết quả đã được Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) và Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) nghiên cứu, tổng kết, áp dụng hiệu quả cho giải VĐTG, giải vô địch châu Á, cũng như được minh chứng thuyết phục ở giải VĐQG các nước, điển hình như Thái Lan.
Bó tay với giải nữ
Nếu không tạo ra một bước đột phá, trước hết về quy mô, giải VĐQG sẽ còn bế tắc kéo dài trong mục tiêu nâng tầm. Đến thời điểm này, các nhà quản lý huấn luyện mới quyết tâm thực hiện mô hình 8 đội “chuẩn quốc tế”, có thể từ mùa 2017, cũng đã rất muộn. Chỉ có điều, đây không phải là một sự cắt giảm số lượng thuần túy mà còn liên quan trực tiếp đến hàng loạt vấn đề mang tính gốc rễ, mà những người có trách nhiệm chưa biết gỡ từ đâu.
Điều khó nhất chính là bài toán chất lượng, gắn với mảng đào tạo cầu thủ trẻ đang yếu kém toàn diện, rõ nhất là giải nữ. Nếu như giải nam có thể đạt hiệu quả tức thời theo phương án 8 đội nhờ mặt bằng trình độ rất cao (với 6 đội đủ sức tranh chấp các thứ hạng), thì giải nữ giờ giảm cũng bằng không.
Dù 8 hay 12 đội tranh tài, cuộc đua tranh các thứ hạng cao nhất vẫn chỉ dành cho 3 đội có sức mạnh vượt trội: Thông tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Bình Điền Long An, hay thấp hơn là Tiến Nông Thanh Hóa. Việc “cho đi” 4 đội suy cho cùng cũng chỉ bổ sung một số cầu thủ loại khá cho những đội còn lại tại giải, và gần như không thay đổi được gì.
Cùng đó, còn có một thách thức khác xuất phát từ bệnh thành tích, tính cục bộ cùng sự nghiệp còn nặng ở bóng chuyền Việt Nam. Chuyện đội bóng của một địa phương nào đó vì chủ trương cắt giảm bỗng dưng phải xuống hạng, rồi khó khăn hơn nhiều để tranh suất tham dự giải VĐQG, hoàn toàn có thể không còn được quan tâm đầu tư như trước, thậm chí cho giải tán luôn.
Một khi không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không giải quyết tốt câu chuyện chất lượng đào tạo trẻ và quyền lợi ràng buộc, rất có thể kế hoạch giảm quy mô giải VĐQG xuống còn 8 đội sẽ đổ bể. Cả hệ thống thi đấu cùng phong trào chung của bóng chuyền Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
12 CLB nữ dự tranh giải bóng chuyền VĐQG đang phân thành 3 nhóm trình độ với sự khác biệt rõ ràng. Các thứ hạng cao nhất chỉ là cuộc đua dành cho 4 đội nhóm trên, trong đó riêng Thông tin LienVietPostBank đã giành chức 9 trên 11 chức vô địch kể từ 2004. Có 4 đội nhóm dưới, điển hình là Than Quảng Ninh, chỉ luôn đóng vai kẻ lót đường, thay phiên nhau lên/xuống hạng.
Giải nữ có chất lượng thấp và nhàm chán đến mức 3 đội hàng đầu Thông tin LienVietPostBank, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Bình Điền Long An chỉ thực sự phải thi đấu 4 trận trong cả mùa, gồm 2 trận lượt đi/về với đối thủ tranh ngôi nhất - nhì bảng, 1 trận bán kết và 1 trận chung kết.