Vì sao giải VĐQG bóng chuyền nữ Việt Nam thua xa Thái Lan?
Khác biệt không chỉ về quy mô
Bắt đầu từ năm 2005, giải bóng chuyền VĐQG Thái Lan có phương thức giống Thai-League của bóng đá, với tính chuyên nghiệp, chất lượng rất cao - cả về chuyên môn, hiệu quả kinh tế lẫn giải trí. Giải gồm 8 đội mạnh, thi đấu vòng tròn 2 lượt trên sân nhà/sân khách vào hai ngày cuối tuần, liên tục trong khoảng 6 tháng để xác định thứ hạng chung cuộc. Kết thúc giải, Liên đoàn Bóng chuyền Thái còn tổ chức thêm một cuộc đấu “Siêu Cúp” dành cho 4 đội đứng đầu.
Nó khác hẳn với Việt Nam, nơi giải có quy mô “khủng” tới 12 đội với thực tế phân thành 3-4 trình độ, tranh tài theo 2 vòng đấu bảng tại 2 địa điểm đăng cai, chọn 4 đội vào đấu thêm tại Vòng chung kết.
Các CLB Thái Lan đều sở hữu Nhà thi đấu cùng các hạng mục bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nơi đây không chỉ diễn ra các cuộc tranh tài, mà còn là địa điểm tập luyện, sinh hoạt chung của đội 1 cùng các tuyến dưới, trong mẫu hình của một CLB đầy đủ và khép kín.
Sau mỗi trận đấu được truyền hình trực tiếp, BTC đều tiến hành họp báo. Các CLB còn có Hội Cổ động viên, duy trì sự kết nối thường xuyên và chặt chẽ. Mỗi khi trận đấu diễn ra, luôn có những trò chơi hoạt náo bên ngoài NTĐ và trên khán đài. Đây là những điều Việt Nam đều chưa có, có thể do vượt quá điều kiện, khả năng thực hiện, hoặc vì chưa chịu làm.
Ngoại binh: Thăng hoa & bế tắc
Các CLB xứ Chùa Vàng được thuê cầu thủ nước ngoài, và họ đã bỏ công của đáng kể ra để thuê những ngôi sao hàng đầu của châu Á, hay kể cả châu Âu. Từ lâu, nó đã trở thành một dòng chảy lành mạnh cho phát triển, không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn, sức hút cho Thai-League mà còn tạo nên một môi trường tốt để các cầu thủ trẻ bản địa học hỏi, cọ xát. Trong đó, đội trưởng Đội tuyển Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Hoa chính là một trường hợp thành công nổi bật của người Thái.
Khi mà bóng chuyền Thái Lan từ lâu đã thành công mỹ mãn với giải pháp thuê cầu thủ nước ngoài hay tung quân ra nước ngoài đấu thuê, thì Việt Nam lại nói không với ngoại binh tại giải VĐQG từ năm 2014 sau 10 mùa giải thất bại hoàn toàn. Nó đã “đốt” của các đội bóng khoảng 1,2 triệu USD song không mang lại hiệu quả gì, ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mảng đào tạo trẻ.
Nếu nhìn từ Thai-League, việc ngưng dùng ngoại binh của bóng chuyền VN chỉ là giải pháp mang tính tình thế, do đã nhìn nhận, sử dụng sai nguồn lực vốn rất quan trọng với thể thao hiện đại
Mức thưởng: Tiền tỷ & trăm triệu
Mức thưởng 100 triệu đồng cho Quán quân giải VĐQG của bóng chuyền VN là Thông tin LienVietPostBank mùa 2015 chỉ bằng đúng 1/10 tổng số tiền mà Bangkok Glass, đội bước lên ngôi cao nhất tại Thai-League nhận được.
Cụ thể, kết thúc mùa 2014/2015, CLB Thái Lan mà đội trưởng ĐTVN Nguyễn Thị Ngọc Hoa đấu thuê đã lĩnh phần thưởng 1 triệu baht (tương đương 650 triệu đồng) cho danh hiệu, cùng phần chia sẻ bản quyền giải đấu là 0,6 triệu baht (400 triệu đồng). Như vậy, chỉ tính riêng số tiền họ nhận được từ BTC giải đã lên tới 1,05 tỷ đồng. Chưa kể, đội bóng chuyên nghiệp hàng đầu Thái Lan này còn có một số nhà tài trợ riêng và các hoạt động khai thác hình ảnh khác. Nguồn thu này theo ước tính còn gấp 4 lần con số 1,05 tỷ đồng nói trên.
Trong khi đó, hiện giải đấu quốc nội cao nhất của Việt Nam đang bỏ trống hoàn toàn hàng loạt các mảng có thể kiếm tiền, như tiếp thị tài trợ, bản quyền truyền hình…
Mỗi mùa giải Thai-League kéo dài trong khoảng 6 tháng liên tục vào hai ngày cuối tuần. 8 CLB nam và 8 CLB nữ thi đấu vòng tròn 2 lượt từ tháng 10 đến tháng 4. Thời gian còn lại được dành toàn bộ cho kế hoạch của các ĐTQG, hay ưu tiên cho các tuyển thủ hàng đầu ra nước ngoài đấu thuê nhằm nâng cao trình độ và có thêm thu nhập.
Để có được thành quả hiện tại, Thái Lan đã trải qua tới 2 thập kỷ bền bỉ đào tạo trẻ, xây dựng giải VĐQG, Đội tuyển cấp quốc gia các lứa tuổi với nguồn đầu tư lớn, mục tiêu cao. Điểm nhấn mang lại thành công của người Thái chính là hệ thống đào tạo quốc gia gồm 5 lứa tuổi, bắt đầu từ U.13 cho đến ĐTQG, theo một chương trình thống nhất, bài bản, giàu bản sắc, dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ HLV hùng mạnh.
Ngược lại, Việt Nam chỉ có một hệ thống gồm 3 lứa, và mỗi CLB tuyển chọn, đào tạo một kiểu, dựa cả vào kinh nghiệm của các ông thầy. Mô hình tổ chức theo 2 vòng của giải VĐQG Việt Nam thường cách nhau tới 5-7 tháng. Trong suốt thời gian dài ấy, các cầu thủ - trừ thành viên ĐTQG - chỉ tập chay với hậu quả khó tránh là sức ì nặng nề.
Thậm chí, trong những năm có sự kiện Đại hội TDTT toàn quốc, giải VĐQG chỉ tổ chức 1 vòng đấu duy nhất.