Gương mặt Olympic của TTVN: Kim Tuấn và “canh bạc” của nền thể thao
Chấn thương cả lưng và vai
Tại giải vô địch cử tạ Đông Nam Á 2015, đô cử quê Ninh Thuận đã chỉ giành HCB với thành tích tổng cử 272kg, kém tới 24kg so với đỉnh cao 296kg ở giải vô địch thế giới 2014.
Điều quan trọng hơn, Tuấn bắt đầu kêu đau nặng ở lưng và vai. Kết quả kiểm tra của các bác sỹ đã cho thấy anh bị chấn thương cả lưng và vai, do quá trình tập luyện, thi đấu liên miên trong sự gồng mình gắng sức suốt 2 năm 2013/2014.
Gần như ngay lập tức, trực tiếp lãnh đạo ngành thể thao đã chỉ đạo phải tập trung tối đa để chữa chị chấn thương cho Tuấn, với các điều kiện ưu tiên đặc biệt. Tuấn cũng bỏ 2 cuộc đấu, trong đó có giải vô địch châu Á.
Nhờ thế, sau 4 tháng, chấn thương của tuyển thủ TP.HCM đã cơ bản được giải quyết. Anh đã có thể “nuốt” được khoảng 80% khối lượng các bài tập. Tại giải VĐTG 2015, Tuấn đã nén đau, vượt chấn thương để thi đấu cực tốt, giành tấm HCĐ tổng cử. Một “canh bạc”.
Các nhà quản lý huấn luyện sau giải vô địch thế giới trên đất Mỹ vẫn đang phập phồng tin và lo, nhất là với kết luận từ các bác sỹ. Mọi chuyện với Tuấn chắc chắn vẫn sẽ khó lường, phức tạp; xuất phát từ đặc thù chấn thương cử tạ, nhất là tình trạng dai dẳng ở lưng và đầu gối như thế. Chưa kể, ý thức và năng lực ứng phó với chấn thương, với quá trình hồi phục sau chấn thương, cũng là cả một vấn đề lớn đặt ra cho chính thầy trò Tuấn vốn chỉ quen với việc tập luyện, thi đấu thuần túy.
Trên thực tế, những trường hợp tương tự Tuấn, có thể bình phục chấn thương song khó mong lấy được được thể trạng, phong độ cao nhất của mình. Chính người đàn anh từng đoạt hạng 4 Olympic 2012 Trần Lê Quốc Toàn là một điển hình.
“Cửa” thành bại duy nhất là gì?
Mục tiêu tranh huy chương của TTVN tại Olympic 2016 đặt vào Thạch Kim Tuấn phần nào đó đang giống một “canh bạc”. Tuy nhiên, ngành thể thao cũng khó biết làm gì khác ngoài việc cố gắng chăm lo tốt nhất cho Tuấn.
Tuấn vẫn là “cửa” duy nhất cho 1 tấm huy chương. Bên cạnh nhà Quán quân thế giới với mức tổng cử lên tới 296kg này chưa nhìn thấy bất cứ một gương mặt nào khác có thể hy vọng, chứ chưa nói đến đủ đẳng cấp tranh chấp sòng phẳng với các đấu thủ hàng đầu thế giới.
Rất đáng tiếc vì Tuấn đã dính chấn thương đúng lúc tài năng hiếm có của mình đang thăng hoa, lại rơi vào đúng thời điểm gần với Olympic. Nó đã khiến thể thao Việt Nam đang đứng trước nguy cơ có thể thêm một lần trắng tay tại đấu trường quốc tế lớn nhất.
"Chúng tôi mong mỏi Tuấn khỏi càng nhanh càng tốt. Hiện tại, bộ môn và Ban huấn luyện đang tính toán đưa Tuấn đi tập huấn ở nơi nào có thời tiết, khí hậu gần giống với Brazil. Mỹ là 1 trong 2 phương án nhưng bài toán cực khó ở đây là sau khi tập xong trong ngày, các VĐV lại phải trở về nhà chứ không được ở lại qua đêm như các trung tâm huấn luyện khác. Nếu như vậy sẽ rất lo vấn đề ăn/ở cho VĐV mà có thể lại tốn kém hơn rất nhiều vì phải thuê nhà. Vì thế, chúng tôi đang tính tới giải pháp chọn Cuba, nơi cũng có trung tâm huấn luyện cử tạ cực tốt”. Vụ phó Vụ Thể thao Thành tích cao kiêm Trưởng bộ môn Cử tạ, Đỗ Đình Kháng.
Đô cử số 1 Thạch Kim Tuấn phải trải qua một ca phẫu thuật đặc biệt ngay trong nước, được đánh giá là thành công. Kể cả kết quả có thực sự hoàn hảo, anh cũng cần có quỹ thời gian tối thiểu 5 tháng để lấy lại phong độ, sự sung mãn của một lực sĩ hàng đầu quốc tế hạng 56kg. Mọi chuyện có thể phần nào đó đã vượt qua sự quyết tâm, nỗ lực của Tuấn, cũng như ngành thể thao, và phụ thuộc nhiều vào yếu tố… may mắn.
Tuy nhiên, cánh cửa để tài năng 22 tuổi tìm kiếm một vị trí trên bục huy chương Olympic còn nguyên, nếu nhìn vào cơ địa cùng nội lực phi phàm của Tuấn. Ngay tại giải VĐTG 2015, dù phải cắn răng nén đau thi đấu, anh vẫn đoạt tấm HCĐ với thành tích 287kg.