IAAF nêu tên 5 quốc gia bị giám sát doping
Trong số 5 quốc gia mà Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) vừa nêu tên có hai quốc gia của Đông Phi và rất mạnh ở môn điền kinh là Ethiopia cùng Kenya.
"Qúa trình cải tổ đã dẫn đến việc chia sẻ nhiều thông tin hơn và để hội đồng điền kinh nắm rõ hơn trong cuộc chiến nhằm bảo vệ các VĐV trong sạch," chủ tịch của IAAF là Sebastian Coe cho biết. "Bản đánh giá của chúng tôi đã xác định được 5 quốc gia mà Hội đồng IAAF thống nhất là ở trong diện giám sát đặc biệt với những mức độ khác nhau."
Theo ông Coe, Ethiopia và Morocco phải "triển khai khẩn cấp chương trình kiểm tra quốc gia, cả trong và ngoài các giải đấu." Trong khi đó, Kenya, Ukraine và Belarus cũng "nằm trong danh sách giám sát của IAAF trong năm 2016 nhằm đảm bảo các chương trình phòng chống doping của họ được tăng cường và hoàn thiện trước cuối năm nay.”
Có thể nói, việc IAAF đưa ra cảnh báo trên cũng đồng nghĩa họ sẽ chưa thực hiện bất cứ án phạt nào. Ngược lại, những án phạt rất nặng sẽ được đưa ra trong trường hợp 5 quốc gia trên không đáp ứng các yêu cầu mà Hội đồng IAAF đã thông báo.
Hiện nay, Ethiopia và Morocco nằm trong số những quốc gia mạnh nhất thế giới ở đường chạy trung bình và dài. Tuy nhiên, Ethiopia cũng đã vướng vào scandal doping sau khi 9 VĐV của họ có dương tính với meldonium, trong đó có nhà vô địch giải marathon Tokyo năm ngoái là Endeshaw Negesse.
Như đã biết, meldonium cũng là nguyên nhân khiến cây vợt người Nga, Maria Sharapova, có phản ứng dương tính, và có trong mẫu thử của nhà vô địch thế giới ở đường chạy 1.500 người Thụy Điển là Abeba Aregawi.
So với Ethiopia, Morocco từ lâu đã bị buộc tội sử dụng doping, với 37 VĐV bị IAAF cấm thi đấu kể từ năm 2003.
Ngoài hai quốc gia này, IAAF cũng đã đưa ra cảnh báo với Kenya, quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương ở giải điền kinh thế giới tại Bắc Kinh vào tháng 8 năm ngoái. Thực tế thì trong 3 năm qua, có khoảng 40 VĐV điền kinh của Kenya dính vào những scandal chất cấm, trong lúc người đứng đầu liên đoàn điền kinh nước này, ông Isaac Mwangin bị đình chỉ chức vụ do tham nhũng.
Theo chủ tịch của Uỷ ban chống doping thế giới (WADA), Craig Reedie, 5 quốc gia được nêu tên ở trên biết rất rõ họ cần làm gì và họ cần có câu trả lời về vấn đề này trước ngày 5/4. Trong trường hợp một hoặc một vài quốc gia không hành động gì, IAAF và WADA sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn, chẳng hạn như cấm tham dự Olympic Rio 2016 tại Brazil vào tháng 8 tới.