Cá cược đua xe đạp ở Nhật đóng thuế 9,39 tỷ USD mỗi năm
Ban đầu, tất cả có lẽ đều nghĩ rằng đây chỉ là một cuộc đua xe lòng chảo bình thường như ở Olympic khi các cua-rơ bám sát nhau qua rất nhiều vòng phía sau người điều khiển xe máy. Thế rồi tất cả đột nhiên guồng chân và lao nhanh về phía trước khi người điều khiển xa máy dạt sang một bên. Tốc độ của cuộc đua được đẩy lên tới 70km/giờ.
Va chạm xảy ra khi xe không sử dụng phanh, nếu không muốn nói là các cua-rơ được phép tạt đầu, và tai nạn. Ở tốc độ cao như vậy, phần lớn các cua-rơ đều không tránh khỏi gãy chân hay gãy tay.
Niềm tự hào của Nhật Bản
Keirin trong tiếng Nhật Bản hiểu đơn giản là “đua xe đạp”, ra đời ở thành phố Kokura vào tháng 11/1948 khi chính phủ Nhật Bản muốn thúc đẩy kinh tế phát triển sau Thế chiến 2 và thông qua hình thức cá cược.
Ngày nay, Keirin đã trở thành một phần văn hóa của Nhật Bản, giống như vật Sumo, và giải thích tại sao mỗi năm có khoảng 57 triệu người theo dõi các cuộc đua, qua đó mang lại cho ngân sách nhà nước 1,15 nghìn tỷ yên, tương đương 9,39 tỷ USD. Vì thế, không quá lời nếu nói rằng, Keirin còn hấp dẫn hơn cả bóng đá và bóng chày vốn rất được ưa chuộng tại Nhật Bản vì môn thể thao này có cá cược.
Thậm chí, Keirin cho đến giờ là một trong 4 môn thể thao được cá cược hợp pháp ở Nhật Bản, bên cạnh đua ngựa, đua thuyền và đua xe Công thức 1. Năm 2000, đua xe Keirin còn được đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic Sydney.
Những cuộc đua Keirin được tổ chức vào cuối mỗi tuần ở 50 nhà thi đấu trên khắp Nhật Bản. Thường thì giải sẽ kéo dài trong 4 ngày, mỗi đêm có 11 cuộc đua với 9 tay đua mỗi chặng. Khán giả chủ yếu là đàn ông trung niên và cũng có cả phụ nữ. Họ có thể lựa chọn trong 7 hình thức cá cược bất kỳ nhưng để tìm được một cua-rơ có khả năng giành chiến thắng là không dễ. Họ phải tìm hiểu thông tin về anh ta, nhóm máu, phong độ trong cả mùa giải…
Theo quy định, mỗi cuộc đua có 9 cua-rơ nhưng cũng có khi chỉ có 6, 7 hay 8 người. Thứ tự của các cua-rơ được thể hiện qua 9 màu khác nhau. Mỗi cuộc đua có chiều dài 2km. Khi xuất phát, các cua-rơ chỉ được chạy ở tốc độ 30-40km/giờ và phải bám sát nhau cho đến hai vòng rưỡi cuối cùng trước lúc tăng tốc.
Gian khổ như cua-rơ Keirin
Hiện nay, ở Nhật Bản có khoảng 4000 cua-rơ Keirin có đăng kí. Tuổi trung bình của các cua-rơ là 35 và người cao tuổi nhất là Uemura San khi ông giải nghệ lúc đã 60 tuổi. Để tham dự vào những cuộc đua Keirin, mọi cua-rơ đều phải tham dự trường Japan Bicycle Racing School tại Shuzenji, vùng Izu. Đây là trường đào tạo Keirin duy nhất ở Nhật Bản và được thành lập năm 1968.
Đối với những học viên mới, họ phải tuân thủ một chế độ tập luyện còn khắc nghiệt hơn trong quân đội, với 15 giờ mỗi ngày. Trong 10 tháng tập và học, những học viên ở độ tuổi 18-22 sẽ được học luật lệ và chiến thuật, cơ chế hoạt động của xe đạp và sinh lý học. Cũng vì thế mà một cua-rơ Keirin còn hơn một cua-rơ vì họ phải biết cả máy móc, chế độ dinh dưỡng, kiểm tra sức khỏe và sinh học.
Sau những bài kiểm tra, học viên thi đỗ sẽ được Hiệp hội Keirin Nhật Bản cấp chứng chỉ và họ sẽ được phép tham dự các cuộc thi. Mỗi năm có khoảng 150 cua-rơ ra trường và tham dự vào hạng nghiệp dư, rồi chuyên nghiệp tùy theo thành tích.
Còn khi đã là cua-rơ chuyên nghiệp, các tay đua sẽ phải chấp nhận sống một cuộc sống cách xa gia đình, bạn bè, thậm chí là không có sự liên hệ nào với thế giới bên ngoài nhằm ngăn cản bị hối lộ. Cũng vì thế mà trong số những môn thể thao ở Nhật Bản, không có môn thể thao nào cho thấy sự hết mình, kỷ luật và tập trung như đua xe Keirin.
Cho đến bây giờ, những quốc gia từng tổ chức Keirin ngoài Nhật Bản mới chỉ có Hàn Quốc và một số nước Nam Mỹ.