Kinh tế thể thao: Những vấn đề cốt yếu và bài toán cho thể thao Việt Nam
Tổng quan về kinh tế thể thao
Kinh tế thể thao là tổng hòa của hoạt động kinh tế trong lĩnh vực thể thao với mối quan hệ kinh tế nói chung. Đây là lĩnh vực tiêu dùng đặc biệt của nền kinh tế quốc dân cung ứng dịch vụ (hoặc phục vụ) cho xã hội. Trong lĩnh vực TDTT, ngày nay tồn tại hoạt động kinh tế sản xuất ra hàng hóa phục vụ thể thao, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm tương ứng.
Sản xuất hàng hóa phục vụ (dịch vụ) TDTT là quá trình người làm TDTT cung ứng sản phẩm (hàng hóa) dưới hình thức thi đấu, biểu diễn, hướng dẫn khai thác sân bãi và cơ sở vật chất… Tiêu dùng hàng hóa TDTT là người dân qua chi phí mà được thụ hưởng dịch vụ TDTT được cung ứng như tham gia các CLB sức khỏe- giải trí, thưởng thức thi đấu, biểu diễn thể thao… Trao đổi sản phẩm (hàng hóa) TDTT là sự thể hiện trao đổi giữa người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm.
Với góc độ vốn của thể thao, quá trình vận hành của vốn bao gồm nguồn vốn, tích lũy vốn, quản lý, phân phối và sử dụng…. Toàn bộ quá trình và các khâu vận hành vốn thể thao, đều thuộc phạm trù kinh tế thể thao. Hạt nhân của kinh tế thể thao và nâng cao hiệu quả vận hành, sử dụng vốn của thể thao để phát triển sự nghiệp thể thao, trong đó có đào tạo VĐV thi đấu tại các Đại hội thể thao quốc tế.
Các quốc gia đều chung quan điểm, coi sự phát triển kinh tế thể thao và sự phát triển sự nghiệp thể thao là một. Bởi vì chính sự phát triển kinh tế thể thao là phát triển sự nghiệp TDTT trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ngoài hoạt động TDTT theo phương thức kinh doanh dịch vụ, ở quốc gia nào cũng có hoạt động TDTT theo phương thức phục vụ cộng đồng mà người tập được miễn phí.
Kinh tế thể thao thuộc kinh tế dịch vụ với 09 phân ngành
Hiện nay rất nhiều quốc gia sử dụng phương pháp phân loại nền kinh tế quốc dân làm 3 nhóm ngành: 1- Nông nghiệp; 2- Công nghiệp; 3- Dịch vụ.
Như vậy kinh tế thể thao thuộc nhóm ngành thứ 3 của nền kinh tế, nhưng hình thành muộn hơn nhiều ngành khác trên thế giới. Ví dụ, kinh doanh thể thao nhà nghề sớm nhất ở môn đua ngựa cũng mới xuất hiện và phát triển ở Anh khoảng 200 năm gần đây, còn kinh doanh bóng đá nhà nghề cũng mới có trên 100 năm gần đây.
Điều này phản ánh quy luật phát triển kịnh tế và xu thế phát triển thể thao của xã hội. Từ năm 1989 đến nay, WTO công bố “Bộ Tiêu chuẩn quốc tế phân loại hoạt động kinh doanh” mới bắt đầu thừa nhận kinh doanh dịch vụ thể thao thuộc loại kinh tế phục vụ (dịch vụ) giải trí với 09 mã số phân ngành khác nhau.
Căn cứ vào bảng phân loại của WTO, rất nhiều quốc gia đã ban hành các bảng phân loại và các biểu cam kết dịch vụ thể thao và thể dục thể thao giải trí, trong đó có Việt Nam. Để chứng minh cho các cam kết dịch vụ thể thao, chúng ta tìm hiểu thêm về sản phẩm và hàng hóa thể thao, thị trường và kinh phí đầu tư cho thể thao ở nước ngoài và Việt Nam. Các loại sản phẩm gồm:
- Loại sản phẩm phi vật chất: Kế hoạch huấn luyện, các bài tập, lượng vận động, sức khỏe và giải trí có được nhờ tập luyện…. Thông thường loại sản phẩm này không xác định được giá trị tiền tệ nên không thể coi là hàng hóa thể thao.
- Loại sản phẩm vật chất vật chất:
+ Hoạt động thi đấu biểu diễn thể thao, tham gia hoạt động huấn luyện thể thao nhà nghề, tham gia hoạt động tập luyện vì sức khỏe và giải trí….(loại sản phẩm hoạt động TDTT).
+ Sân bãi, công trình, thiết bị dụng cụ, truyền thông, môi giới, du lịch, nước uống thể thao… (loại sản phẩm kèm theo hoặc nghĩa vụ hoạt động TDTT).
Thông thường các loại sản phẩm này có giá trị tiền tệ (trong trường hợp phải nộp lệ phí hoặc phải mua bằng tiền) vì vạy được gọi là hàng hóa TDTT.
Hai loại thị trường thể thao lớn, cấu trúc từ 10 loại nhỏ
Muốn trao đổi hàng hóa nhất thiết phải có thị trường TDTT. Thị trường thể thao (hay gọi tổng quát hơn kinh tế thể thao), gồm 2 loại lớn:
- Kinh tế thể thao nhà nghề (ở Việt Nam gọi là chuyên nghiệp) hay thị trường thể thao nhà nghề.
- Kinh tế thể thao sức khỏe, giải trí và thị trường thể thao sức khỏe, giải trí.
Cấu trúc chung của hai loại này gần như nhau nhưng thị trường thể thao nhà nghề mang tính chất kinh doanh lợi nhuận tối đa, vì thế khác biệt chủ yếu nằm ở chất lượng của trình độ thi đấu thể thao để kinh doanh; Thị trường môi giới, đặc biệt chuyển nhượng cầu thủ, huấn luyện viên; Thị trường truyền thông, đặc biệt bản quyền truyền hình…
Dưới đây xin giới thiệu cấu trúc chung thị trường thể thao của cả hai loại:
Thị trường tiêu thụ sản phẩm vật chất TDTT
Thị trường sức khỏe và giải trí thể thao.
Thị trường thi đấu, biểu diễn.
Thị trường huấn luyện, tập huấn
Thị trường tư vấn thể thao (tư vấn phương pháp, tổ chức…)
Thị trường y học phục hồi và trị liệu
Thị trường du lịch thể thao
Thị trường xổ số, cá cược thể thao
Thị trường môi giới thể thao
Thị trường truyền thông thể thao
Thực tế thế giới và bài toán cho thể thao Việt Nam
Hiệu quả đầu tư kinh doanh TDTT của nhiều quốc gia rất lớn. Tổng nguồn thu của ngành TDTT ở nhiều quốc gia chiếm từ 2,1 – 2,3 GDP. Trong đó, Trung Quốc chỉ làm kinh tế thể thao sớm hơn Việt Nam 18 năm, tổng thu từ của TDTT đã chiếm tới 2,3% GDP (nguồn từ xổ số thể thao rất lớn).
Mỹ là quốc gia có nguồn thu TDTT lớn nhất thế giới, chiếm tới 3,2% GDP, đứng thứ 11 so với các ngành công nghiệp khác. Kinh tế thể thao của Mỹ đã được coi là một ngành công nghệ thể thao. Kinh tế thể thao ở các nước khu vực ĐNÁ nhìn chung còn chậm và kém phát triển, trừ hoạt động cá cược thể thao ở Singapore.
Thế giới đã tổng kết, một quốc gia có thể phát triển TDTT tốt khi có tổng GDP vào loại lớn trên thế giới hay GPD trên đầu người từ 3000 USD trở lên (mức thấp), từ 9000 USD trở lên (mức bắt đầu có thuận lợi).
Việt Nam mới thoát khỏi nước nghèo, lại chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ, tất nhiên phát triển kinh tế thể thao và sự nghiệp TDTT còn khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 1997 đến nay, Chính phủ đã ban hành chủ trương xã hội hóa hỗ trợ hoạt động TDTT, mở ra một số tiền đề mới để phát triển kinh tế TDTT, như sau:
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, tài trợ cho TDTT
- Cho phép thành lập các cơ sở ngoài công lập, bình đẳng với các cơ sở công lập về TDTT
- Hoàn thành việc chuyển các cơ sở TDTT công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; Chuyển một số cơ sở công lập có đủ điều kiện
sang loại hình ngoài công lập. Giải bóng đá chuyên nghiệp cũng đã được tổ chức trong nhiều năm.
Bên cạnh chủ trương xã hội hóa hỗ trợ đầu tư cho TDTT, nếu không phát triển kinh tế thể thao thì sự vận hành thể thao Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, từ công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã gặt hái được những thành công đáng kể với nhiều mô hình mới, cách làm mới trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thể thao, đặc biệt là trong những năm gần đây. Qua đó, có thể nhận thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế thể thao, tức là phát triển sự nghiệp TDTT trong nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, chúng ta còn thiếu nhiều điều kiện đảm bảo cho kinh tế thể thao phát triển. Trong đó, điều kiện quan trọng hàng đầu, là trước tiến phải sớm thành lập cơ quan của Nhà nước quản lý về kinh tế thể thao.
Thực tế cho thấy để để tạo nguồn tài chính cho thể thao, các quốc gia đã có nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp chính, phổ biến:
1. Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho thể thao
2.Tổ chức xổ số hay cá cược thể thao
3. Tiến hành các Đại hội hay sự kiện lớn tạo nguồn vốn cho thể thao
4. Phát hành cổ phiếu, trái phiếu
5. Kinh doanh tạo nguồn vốn đa ngành hàng
6. Tận dụng vốn đầu tư từ bên ngoài