Làm gì để “giải cứu” các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia?
Theo các chuyên gia, đó là những việc cấp bách để “giải cứu” các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khỏi tình trạng yếu kém kéo dài.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao Uỷ ban TDTT Nguyễn Hồng Minh cho rằng dù vấn đề có tính lịch sử và đặc thù song đã đến lúc cần chấm dứt nhận thức các Liên đoàn - Hiệp hội là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước. Nhận thức này “nặng” đến mức chính ngành thể thao cùng các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng “mặc định” như vậy.
Thậm chí còn có cách hiểu và thực hiện sai lệch coi Bộ hay Tổng cục là cơ quan “cấp trên” của các Liên đoàn - Hiệp hội. Nó đã dẫn đến nghịch lý ngành thể thao thì “nửa nắm nửa buông”, còn các Liên đoàn - Hiệp hội rơi vào tình trạng bị động, phụ thuộc, ỷ lại, hoạt động theo kiểu “được chăng hay chớ”.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần Chúng Ủy ban TDTT Lương Kim Chung nhấn mạnh đến vướng mắc lớn nhất trong mối quan hệ giữa ngành thể thao với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cần phải nhìn nhận thẳng thắn để tháo gỡ cho bằng được. Cơ quan quản lý nhà nước chưa quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, phân quyền phân cấp, còn các Liên đoàn - Hiệp hội chưa thoát khỏi tư tưởng cơ chế bao cấp, cả về nhân sự lẫn kinh phí. Điều đó được kết đọng rõ nhất ở vị trí Tổng thư ký, hầu hết đều là “người nhà nước” do ngành thể thao giới thiệu làm kiêm nhiệm.
Trong khi đó, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp Chế - Ủy ban TDTT Lê Anh Thơ đánh giá điều cốt yếu nhất của vấn đề là việc chúng ta đã không quán triệt, triển khai tốt 11 nội dung Luật TDTT quy định quyền và nghĩa vụ của các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia, cùng như đề án chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Bởi thế, nhiều Liên đoàn - Hiệp hội vừa yếu về khả năng tự chủ, thực thi quyền và nghĩa vụ, lại vừa hoạt động mang tính tự phát.
Rõ ràng vấn đề Liên đoàn - Hiệp hội đang rơi vào một vòng luẩn quẩn: cơ quan quản lý nhà nước vẫn nặng bao cấp - các tổ chức xã hội nghề nghiệp yếu kém và thụ động, trong khi tiềm năng, nguồn lực xã hội hóa rất lớn bị lãng phí. Trách nhiệm ở đây suy cho cùng chính yếu, trước hết, quyết định vẫn là của cơ quan quản lý Nhà nước. Bài toán kinh phí và phát triển, hội nhập theo hướng xã hội hóa và quốc tế hóa của thể thao Việt Nam sẽ không có lời giải nếu như các “hạt nhân” là các tổ chức xã hội – nghề nghiệp vẫn bế tắc.
Lâu nay những người có trách nhiệm luôn kêu khó, nào là những ràng buộc lịch sử, điều kiện khó khăn về nhiều mặt của ngành thể thao cùng chính các Liên đoàn – Hiệp hội để biện hộ cho mối quan hệ chồng chéo và nửa vời, thực trạng chung yếu kém, thậm chí tồn tại cho có, của các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia.
Khổ nỗi, với đa số các Liên đoàn – Hiệp hội, khả năng tự chủ, thực thi quyền và nghĩa vụ không phải tự nhiên có sẵn, mà chỉ có thể có được với điều kiện xây dựng lại từ đầu, với sự chỉ đạo và hỗ trợ của ngành. Khó có thể đòi hỏi gì ở một tổ chức từ Chủ tịch tới Tổng thư ký, hay văn phòng với một vài nhân viên đều hoạt động kiêm nhiệm theo kiểu “làm thêm”.
Ở đây gần như không có dấu ấn của tổ chức nhân sự, tài chính thiếu các quy chế cần thiết. Nhiều Liên đoàn – Hiệp hội chỉ “xin” được một ít tài trợ cho các giải đấu, và có thể tự trả lương nhân viên văn phòng đã có thể coi là hoàn thành… xuất sắc nhiệm vụ.
Cách đây 10 năm khi khai triển đề án chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, ngành thể thao đã phân loại ra bốn nhóm Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia để để áp dụng cho từng môn dựa trên điều kiện, đặc điểm, khả năng thực tế.
Chưa kể trước đó lãnh đạo ngành cũng từng tuyên bố sẽ thí điểm đầu tư, hỗ trợ để đến 2010 có 5 Liên đoàn – Hiệp hội của 5 môn (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, xe đạp) có thể sớm tự chủ hoàn toàn mạnh ngang quốc tế. Thế nhưng, đến giờ, tất cả vẫn nằm cả… trên giấy.
Có lẽ, cũng giống như các chuyên gia, giới chuyên môn thể thao chẳng dám mơ xa nghĩ xa, chỉ mong ngành thể thao chủ trì, phối hợp để khởi động lại đề án chuyển giao hoạt động tác nghiệp cho các tổ chức xã hội, trên cơ sở bám sát 11 nội dung Luật TDTT quy định về quyền, nghĩa vụ của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia. Khởi động lại để làm lại, làm thực chất chứ không phải ứng phó cho xong.
Bao cấp cả tiền… niên liễm
Có lẽ chỉ ở thể thao Việt Nam mới có chuyện nhà nước phải bao cấp cả khoản chi phí thiết thân, đặc thù nhất cho các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia là tiền niên liễm cho các tổ chức quốc tế theo môn. Hiện tại, mỗi năm, Tổng cục TDTT đều phải dự trù một khoản 30 nghìn USD để cấp cho các Liên đoàn- Hiệp hội, trừ VFF, đóng lệ phí quốc tế.
Ở đây, có một vài Liên đoàn- Hiệp hội tồn tại cho có, “nghèo” đến mức không có tiền để đóng niên liễm. Tuy nhiên, nhiều Liên đoàn - Hiệp hội thừa khả năng tự đóng song vẫn nhờ nhà nước vì bao năm vẫn được bao cấp như vậy.
Mối quan hệ cơ quan quản lý Nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của thể thao Việt Nam “dị” đến mức có trường hợp lãnh đạo Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia đi dự hội nghị, tham dự chương trình của Liên đoàn quốc tế bằng kinh phí của ngành thể thao, theo quyết định do ngành thể thao cử. Đơn giản vì vị quan chức Liên đoàn ấy cũng là cán bộ của ngành thể thao, được cử sang kiêm nhiệm bên Liên đoàn.
>>> Sự thật ”giật mình” phía sau 40 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia
>>> Bi hài chuyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia
>>> Bóng rổ phát triển như vũ bão nhưng Liên đoàn bóng rổ vẫn... giậm chân tại chỗ
>>> Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia các nước hoạt động như thế nào?
>>> Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Các Liên đoàn - Hiệp hội đang tụt hậu hàng thập kỷ