Lực sĩ Trịnh Văn Vinh đến Olympic 2024 khó tin sau 1500 ngày "treo tay" khổ ải

thứ tư 7-8-2024 17:30:43 +07:00 0 bình luận
Sống giữa muôn vàn dị nghị, đau nỗi đau cá nhân, sự nghiệp ngắt quãng lúc trên đỉnh vinh quang, lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh thấm thía quãng thời gian gần 1.500 ngày bị cấm vì sử dụng doping. Ngày trở lại, anh đã đòi thành công món nợ của cả đời người để chinh phục tấm vé dự Olympic 2024.

Tôi rất sốc, rất buồn”, Vinh đau đáu nỗi niềm khi nhắc lại quyết định bị cấm thi đấu. Nó như đòn giáng mạnh vào sự nghiệp đang lên của đô cử quê Bắc Ninh này. Đó là thời điểm vào tháng 8/2019, Vinh bị Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm, phạt 5.000 USD vì sử dụng doping.

Trịnh Văn Vinh trải qua gần 1.500 ngày của những nỗi đau, tủi thân và cả những lời dị nghị.

Đô cử sinh năm 1995 được kiểm tra doping trong thời gian chuẩn bị Đại hội TDTT 2018 của đơn vị chủ quản. Tháng 2/2019, kết quả kiểm tra được IWF công bố, Vinh dương tính với chất testosterone ngoại sinh và một chất khác.

Vinh là VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam hướng đến tấm HCV ASIAD cũng như đoạt huy chương Olympic. Trước lệnh cấm, anh từng đoạt HCV cử giật hạng 62kg giải vô địch thế giới vào năm 2017.

Tương lai phơi phới đang chờ đón thì bỗng chốc, mây đen ập đến, bao phủ của những mơ mộng, hoài bão của chàng thanh niên mới tuổi 24. Lúc đó, Vinh thầm nghĩ: “Quãng thời gian này mình sẽ không thể tiếp tục được nữa”.

Quá sốc với cú vấp đau điếng của đời người. Vinh phải gắng gượng, tìm cách đứng dậy bởi trong thâm tâm, anh yêu cử tạ đến cháy bỏng, xem nó gắn với sinh mệnh đời mình. Vinh kể lại quãng thời gian đầu đầy truân chuyên với giọng nghẹn ứ: "Những ngày đầu, tôi về lại Từ Sơn (Trường Đại học TDTT Bắc Ninh), hai thầy trò bàn lại và nói chuyện tương lai như thế nào”.

Vinh tìm đến những người thân, lấy họ làm chỗ dựa vực dậy tinh thần. Và khi bình tâm lại, anh bắt đầu cuộc sống mới với cử tạ, dù không dễ chịu chút nào. Trong 4 năm với gần 1.500 ngày, anh cứ lặp lại nhịp sống đến nhàm chán. 

Trong suốt 4 năm, tôi vẫn duy trì tập luyện với thầy ở Từ Sơn. Sáng dậy 6 giờ, huấn luyện với thầy đến 8 giờ. 8h30 tập đến 10h30. Nghỉ ngơi ăn cơm, chiều 2h00 xuống Nhổn, rồi sau đó tập từ 4 giờ chiều đến 6 giờ. Khi nhận án cấm thi đấu, biết ngày tháng, tôi và thầy xác định tập lại từ lúc đó để chờ ngày trở lại”, Vinh tự nhủ.

Rắn rỏi là thế nhưng dù giàu nghị lực đến đâu, những phút yếu lòng cũng ập đến. Vinh bị giảm thu nhập, không thi đấu. "Nản lắm chứ”, Vinh buồn rầu, “nhưng vui vì đồng đội thi đấu tốt”, chàng trai quê Bắc Ninh nở nụ cười.

Và thoảng đâu đó, những lời dị nghị, xoáy sâu vào nỗi đau của Vinh. Nó xảy đến như một điều tất yếu, lẽ bình thường trong cuộc sống. "Họ không nói với tôi nhưng trên mạng và đâu đó cả ngoài đời cũng có”, Vinh nói.

Vinh quyết tâm đứng dậy từ nơi vấp ngã.

Kệ thôi!”. Cậu đón nhận một cách bình thản bởi mọi sóng gió đã ập đến thì không gì cản nổi. Vinh hiểu, điều quan trọng nhất là đón nhận và vượt qua nó. “Những lúc nản chí, tôi về nhà, tâm sự với bố mẹ. Tôi tìm đến các thầy ở tuyển hay ở địa phương, tâm tình cùng nhau. Mình cứ trải hết lòng ra để đón nhận những lời khuyên chân thành nhất từ người thân. Điều đó giúp tôi lấy lại thăng bằng”, Vinh thổ lộ.

Trong quãng thời gian 4 năm đó, ngoài đấu tranh về tinh thần, Vinh còn ra sức tập luyện, nâng cao thành tích chuyên môn. Nhìn thông số ở hạng cân 62kg ở Olympic 2020, Vinh tặc lưỡi: “Giá như thi đấu ở Olympic vừa rồi, tôi có thể đoạt huy chương”.

Tiếc là cảm giác có thể hiểu. Nhưng, nó lại là bàn đạp lớn để anh hướng đến mục tiêu trong ngày trở lại. “Tôi phải hướng đến sân chơi Olympic 2024 và phấn đấu hết sức có thể để đoạt huy chương”, Vinh tâm sự với đôi bàn tay nắm chặt vào nhau lúc anh trở lại sau án treo giò vào năm ngoái. Đó như một sứ mệnh mới anh phải hoàn thành, để đòi lại món nợ suốt 4 năm dài đằng đẵng.

Cột mốc chàng trai quê Bắc Ninh hướng tới chính là tấm huy chương ở Olympic Paris 2024 và anh đã đạt được.

Vinh đã chính thức quay trở lại ĐTQG từ ngày 5/2/2023. “Tôi vui lắm, vì sắp thi đấu lại”. Một lời chân tình, tận sâu đáy lòng của chàng trai đã lùi lại hào quang sàn đấu quá lâu. Thi đấu là ước vọng của đô cử này.

Và ở tháng 5/2023, SEA Games 32 và giải cử tạ châu Á diễn ra gần như song song. Anh bỏ đấu trường “dễ thở” hơn là SEA Games để chinh phục sân chơi châu lục bởi “tôi muốn tập trung để lấy điểm vòng loại Olympic ở giải cử tạ châu Á”.

Sau giải đấu này, Vinh tham dự ASIAD, giải cử tạ thế giới để nâng cao thành tích. Tất cả đều nằm trong con tính của đô cử này. Anh nhắm thẳng tấm huy chương ở Olympic 2024 tại Paris. Nơi đó, Vinh muốn khẳng định, vấp ngã quá khứ chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Anh sẽ lấy lại tất cả những gì đã mất. Cuối cùng, sau bao giải đấu không như ý, Trịnh Văn Vinh đã đạt mục tiêu đề ra.

Tại giải Cúp cử tạ Thế giới 2024 ở Thái Lan, cũng là vòng loại cuối cùng, Vinh đạt mức tổng cử 294kg. Đây là mức tổng cử cao nhất, giúp Vinh góp mặt trong Top 10 hạng cân 61kg và có vé đến Olympic Paris 2024. Một thành quả xứng đáng cho quãng thời gian đầy gian khó của đô cử giàu nghị lực này.

20h00 hôm nay (7/8), đô cử sinh năm 1995 sẽ bước vào tranh tài ở Olympic 2024 với món nợ của cả cuộc đời. Dù khó nhưng tất cả cùng chờ đợi Trịnh Văn Vinh sẽ tiếp bước đàn anh Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn để bước lên bục vinh quang.

Huy Kha
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội