Thể thao Hà Nội: Cái gì cũng nhất, chỉ VĐV thua thiệt
Quân đông, tiền nhiều, thành tích “khủng”
Hiện tại thể thao Thủ đô đang sở hữu một lực lượng VĐV “khủng” nhất nước với tổng số trên 3.500 VĐV của 42 môn. Môn nào cũng có hệ thống đào tạo bài bản theo các tuyến, trong đó có 850 VĐV tuyến 1. Nhờ có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại cùng nguồn kinh phí đầu tư cao nhất nhì cả nước, khoảng trên 300 tỷ đồng mỗi năm, Hà Nội đã có thể đáp ứng tốt nhu cầu ăn ở, tập luyện, thi đấu của VĐV.
Quân Hà Nội còn có một ưu thế vượt trội khi thường xuyên được xuất ngoại rèn giũa, cọ xát dài hạn và ngắn hạn, hay có chuyên gia ngoại dẫn dắt… Chưa kể, ngành thể thao nơi đây còn phát huy rất tốt sức mạnh hợp tác quốc tế hay ứng dụng khoa học công nghệ…
Thể thao Hà Nội luôn giành được thành tích “khủng”, ngày càng chứng tỏ vị thế trung tâm số 1 vượt trội của cả nước. Hai kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất, họ bỏ xa TP.HCM với khoảng cách lần lượt 50 và 64 HCV. Riêng SEA Games, họ luôn đóng góp 1/3 quân số cùng huy chương. Đơn cử SEA Games 2015, các tuyển thủ Hà thành đoạt 68 huy chương các loại, chiếm 35% của cả đoàn. Ở ASIAD 2014, võ sĩ Thủ đô Dương Thúy Vi mang về ngôi đầu duy nhất cho thể thao Việt Nam. Nhờ những điều chỉnh mạnh mẽ về chiến lược phát triển, nơi đây cũng tạo ra bước đột phá ở nhóm môn Olympic, điển hình như thể dục dụng cụ, điền kinh, đấu kiếm hay golf…
VĐV thua ngay từ… thưởng
Ai cũng bảo VĐV Hà Nội oách và sướng mà chỉ cần cái “mác” quân của thể thao Thủ đô đã đủ để quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hết mình. Tuy nhiên, dường như điều đó chỉ đúng về tinh thần. Thực tế, như một nghịch lý, quân Thủ đô lại đang thua thiệt một cách rất cơ bản về chế độ đãi ngộ. Thậm chí, không cần so với một vài địa phương vượt trước, nó còn đang kém mặt bằng chung cả nước.
Có thể thấy rõ nghịch lý ấy từ chuyện tiền thưởng thành tích, vốn là một động lực thiết thực và nguồn thu nhập quan trọng nhất đối với các VĐV Việt Nam. Ngay như SEA Games 28, mức thưởng mà các người hùng đất Hà thành nhận được cho HCV, HCB, HCĐ chỉ là 6 triệu, 4 triệu, 2 triệu đồng.
Nó không chỉ giống định mức cả chục năm trước, mà thực sự không hề tương xứng với công sức và giá trị của những tấm huy chương, nhất là đặt trong so sánh với hàng loạt địa phương khác. Ví như TP.HCM cũng đông quân, giàu chiến tích song cũng thưởng theo đúng mức của nhà nước với 45 triệu đồng/1 HCV, gần gấp 8 lần của Hà Nội.
Sự chênh lệch về thưởng giữa Hà Nội với một số địa phương có huy chương, điền hình như Thái Bình, còn lớn hơn nhiều. Thái Bình thưởng 80,5 triệu đồng cho 1 HCV. Chỉ bộ ba môn rowing Phạm Thị Thảo – Tạ Thị Huyền- Cao Thị Hảo đã lĩnh tới 405 triệu đồng khi giành 3 tấm HCV trên đất Singapore. Có nghĩa là số tiền thưởng của riêng 2 nhà vô địch Thái Bình đã hơn cả tổng mức chưa đến gần 400 triệu đồng mà 97 VĐV Hà Nội lập công có được.
Thái Bình thưởng gấp 23 lần Hà Nội
Nếu mức thưởng từ nguồn Nhà nước là thống nhất thì việc thưởng thành tích của các đơn vị chủ quản lại đang rất khác nhau, thậm chí hơn kém nhau một trời một vực. Rất bất ngờ vì Hà Nội lại đang là nơi có mức thưởng thấp nhất khi mỗi VĐV đoạt HCV cá nhân SEA Games chỉ nhận được vỏn vẹn 3 triệu đồng. Nó thấp hơn tới cả 23 lần so với mức 80,5 triệu đồng mà một nhà vô địch ở Thái Bình có được.
Thậm chí chỉ 3 tuyển thủ đất lúa là Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Cao Thị Hảo với 3 HCV đã lĩnh 405 triệu đồng, hơn mức thưởng 400 triệu cho trên 100 HLV, VĐV Thủ đô đã mang về 25 HCV, 18 HCB, 25 HCĐ.
Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có mức đầu tư kinh phí lớn nhất cả nước, hoàn toàn vượt trội so với mặt bằng chung cả nước. Riêng Hà Nội, khoản kinh phí dành cho thể thao thành tích cao luôn vượt qua mức 300 tỷ đồng mỗi năm.
Ánh Viên 4 tỷ, Hà Nội 400 triệu
Siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là người lĩnh thưởng “khủng” nhất trong năm 2015, đủ khiến nhiều nhà vô địch của thể thao Hà Nội phải chạnh lòng. Chỉ riêng định mức từ Nhà nước đã lên tới 500 triệu, chưa kể thưởng “nóng” 80 triệu đồng, cùng 7 chiếc xe máy, 7 điện thoại đi động. Ước tính, tổng số tiền thưởng mà Ánh Viên nhận được từ các nguồn khác nhau cho kỳ tích tại SEA Games 28, cũng như 1 HCB, 2 HCĐ Cúp thế giới, 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại Đại hội Thể thao Quân sự thế giới chắc chắn vượt qua con số 2 tỷ đồng.
Nếu tính cả hiện vật, nó phải lên tới khoảng 4 tỷ đồng, trong đó có 1 căn hộ chung cư tại TP.HCM trị giá 1,5 tỷ đồng do một Mạnh Thường Quân tặng. Đây là kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà một tuyển thủ Việt từng nhận được trong 1 năm, nhất là so sánh trước đây chưa có ai từng chạm tới mức tiền tỷ.
“Nữ hoàng wushu” Nguyễn Thúy Hiền, tuyển thủ Việt Nam đầu tiên giành HCV thế giới khi mới 14 tuổi là người đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của thể thao Hà Nội được nhận phần thưởng đặc biệt là một căn hộ chung cư trên 70m2 tại phố Nguyễn Chí Thanh, HN.
Sự thua thiệt của các VĐV Hà Nội không phải do thiếu tiền hay lãnh đạo thiếu quan tâm mà suy cho cùng ở chính vai trò tham mưu của ngành thể thao thành phố. Người ta không thể hiểu tại sao, đến giờ mức thưởng thành tích của Hà Nội vẫn áp dụng theo quy định áp dụng từ SEA Games 2003. Càng đáng nói hơn bởi tổng kinh phí, chế độ tập huấn thi đấu, trang thiết bị dụng cụ, thể thao Hà Nội đang vượt trội cả nước chỉ riêng mức thưởng lại quá tụt hậu.