Nguyễn Tiến Minh: Bi kịch 7 kỳ SEA Games mộng bất thành
3 kỳ nuôi mộng
SEA Games 2003 khi mới 19 tuổi, Tiến Minh đã trở thành trụ cột mới ở ĐTQG. Khi ấy, làng Cầu lông ĐNÁ, đặc biệt Indonesia còn mạnh hơn cả bây giờ, nên mục tiêu chủ yếu của anh chỉ là cọ xát nâng cao trình độ, trước khi nghĩ tới việc tranh chấp các thứ hạng cao nhất.
Lúc đó, tay vợt đang xếp ngoài Top 100 thế giới đã có 3 kỳ SEA Games chỉ “nuôi mộng” tương lai, song lại khá thành công. Ngoài tấm HCĐ đồng đội năm 2005, tuyển thủ người TP.HCM còn xuất sắc đoạt HCĐ đơn nam năm 2007 khi chỉ chịu thua tay vợt hay nhất thế giới Taufik Hidayat. Chính chiến tích ấy đã giúp Minh tạo nên một bước phát triển về mọi mặt, cũng như bắt đầu nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt để đến năm 2008 đã “bay” tới Olympic Bắc Kinh nhờ vị trí 28 thế giới.
4 kỳ mộng tan
Sau 3 kỳ làm nền, kể từ SEA Games 2009, thời điểm vừa đánh bại số 1 thế giới Lee Chong Wei, ngôi sao đang lên này đã được coi như một ứng viên sáng giá cho tấm HCV SEA Games. Hay chí ít, sự xuất hiện của Minh trong nhóm 4 tay vợt hay nhất gần như là đương nhiên. Có nghĩa là, anh chính thức phải gánh vác sứ mệnh làm nên lịch sử cho Cầu lông Việt Nam.
Thế nhưng, giống như một bi kịch kéo dài, qua 4 kỳ Đại hội, tay vợt số 1 Việt Nam đều thất bại. Càng nghiệt ngã và cay đắng bởi Minh đều bất ngờ để thua trước các đối thủ kém hơn mình rất nhiều. Trong đó, có đối thủ thực sự chỉ thuộc diện vô danh, và Minh có cơ hội không thể thuận lợi hơn để bước lên bục cao nhất.
Tại SEA Games 2009, Minh đã trải qua cú sốc đầu tiên khi phơi áo trước gương mặt 19 tuổi Saensomboonsak (Thái Lan). 2 năm sau trên đất Indonesia được ví như một thời cơ có một không hai cho Tiến Minh chinh phục tấm HCV. Anh đang ở đỉnh cao phong độ và “hàng “khủng Lee Chong Wei vắng mặt. Dù vậy, anh lại tiếp tục gây thất vọng tràn trề, gục ngã cũng vòng tứ kết với tỷ số 0-2 trước một cái tên lạ hoắc Derek Wong Ziliang (Singapore). Đến SEA Games 2013, Minh có hành trình tưởng như rất hanh thông, gần như không phải đấu tứ kết do đối thủ bỏ cuộc vì chấn thương. Tuy nhiên, ở bán kết, Minh thêm một lần dừng bước, bởi một đối thủ không có tên tuổi Rumbaka (Indonesia). Và bi kịch SEA Games của Tiến Minh đã bị đẩy tới tận cùng ở kỳ Đại hội cuối này với thất bại khó tin trước tay vợt 17 tuổi, hạng 139 thế giới của chủ nhà.
Cái dớp & Cái ngưỡng
Nếu theo dõi Tiến Minh đấu tại SEA Games, không ai còn nhận ra đó là một tay vợt hàng đầu thế giới. Anh chưa bao giờ thể hiện được đúng năng lực, kinh nghiệm vốn có, kể cả lúc đang có đẳng cấp trên đỉnh. Anh đã liên tục để thua những đối thủ dưới cơ theo đúng một kịch bản tự đánh mất mình mà bản thân Minh cũng không thể lường tới.
Thất bại ở SEA Games với cựu binh sinh năm 1983 có gì đó như một cái dớp rất khó lý giải. Cứ đến sân chơi khu vực, có cảm giác như lúc nào anh cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, với áp lực và ám ảnh tâm lý đè nặng. Ở một góc độ nào đó, không có tay vợt tên tuổi nào lại đen đủi như Minh, mà có lẽ giờ chỉ còn biết đổ cho sự quá vô duyên. Song suy cho cùng, gốc rễ của nó còn là một cái “ngưỡng” mà anh chưa thể vượt qua. Hay nói cách khác, chính SEA Games là nơi hội tụ tất cả những điểm yếu cố hữu của Minh, nhất là bản lĩnh và tâm lý tranh tài.
Chỉ đứng trong Top 30, thậm chí 40 thế giới” là đánh giá thẳng thắn của TTK Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Thanh Sang, ngay khi Tiến Minh đang ở đỉnh cao. Dù cho rằng phải mấy chục năm mới có một Tiến Minh song ông cho rằng anh vẫn còn kém các tay vợt hàng đầu thế giới một khoảng rõ rệt.