Ông Nguyễn Hồng Minh: “Tình trạng nhà nước hóa các Liên đoàn ngày càng nặng nề”
– Thể thao 24h: Xin được hỏi, so với thời mình còn làm cán bộ quản lý Nhà nước kiêm nhiệm Tổng thư ký, ông thấy các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao hiện tại như thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Minh: Tôi không thấy có gì khác cả, với sự trì trệ và ì ạch kéo dài trong một vòng luẩn quẩn chưa có lối ra. Từ Ủy ban Olympic quốc gia tới các Liên đoàn theo môn đều vẫn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan quản lý Nhà nước, chỉ như một “cánh tay nối dài” về nhân sự, hoạt động, kinh phí. Thậm chí, hiện tượng nhà nước hóa còn ngày càng nặng nề. Ngay một Liên đoàn đã có thể tự chủ được một số mặt như Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng không thoát khỏi sự kìm tỏa đó. Có rất nhiều người của ngành thể thao đang nắm các vị trí chủ chốt bên Liên đoàn, hầu hết đều thuộc diện kiêm nhiệm. Có người dù đã nghỉ hưu từ lâu vẫn giữ chỗ VIP ở 2, 3 thậm chí là 5 tổ chức.
– Tình trạng nhà nước hóa, rõ nhất sự kiêm nhiệm kiểu làm thêm của người nhà nước sẽ ảnh hưởng ra sao tới các Liên đoàn, thưa ông?
Chính thực trạng này làm cho các Liên đoàn bị sai lệch hẳn với bản chất của mình là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, nơi tập hợp những người yêu thích và có khả năng về chuyên môn, tài chính… cùng nhau thúc đẩy phong trào, thành tích. Nó cũng cản trở xu hướng xã hội hóa. Về mặt cụ thể, chính những người của ngành nắm vị trí chủ chốt bên Liên đoàn sẽ chỉ quan tâm, tập trung cho việc đưa tinh thần, thực thi nhiệm vụ của nhà nước. Nhất là khi, với điều kiện chung hạn chế về mọi mặt của các Liên đoàn, có muốn làm gì cũng không làm nổi. Để rồi hoạt động của Liên đoàn lại rơi vào sự thụ động, ỷ lại, theo kiểu được chăng hay chớ.
– Theo ông, tại sao các tổ chức xã hội – nghề nghiệp lại yếu kém, tụt hậu kéo dài đến vậy? Liệu có phải đã có một sự nhìn nhận và vận dụng sai lệch từ gốc rễ với các tổ chức này?
Luật TDTT ban hành năm 2007 rồi trước đó là Nghị định của Chính phủ cũng quy định rõ về các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao. Tôi cho rằng, mấu chốt ở đây là ngành thể thao đã không thực hiện đúng. Ngay từ xuất phát điểm gắn với cơ chế “quan liêu bao cấp”, cơ quan quản lý Nhà nước đã mặc nhiên coi các tổ chức là “cánh tay nối dài” của mình. Một nhận thức và tâm lý rất phổ biến đã trở thành một nếp quen là nhà nước phải quản, phải nắm – trước hết về nhân sự – thì mới yên tâm, mới đảm bảo cho ngành, cho chính tổ chức đó, cho cả môn. Kèm theo đó là câu chuyện quyền lực và quyền lợi. Vì thế, ngành thể thao đã ôm đồm từ các vị trí chủ chốt đến hoạt động tác nghiệp cụ thể, đúng nghĩa “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
– Có lẽ các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao chỉ có thể được “giải thoát” để phát triển từ sự thay đổi của cơ quan quản lý Nhà nước?
Thực sự những gì đang diễn ra ở các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thể thao đang đi ngược lại xu thế phát triển. Chúng ta cứ hô hào xã hội hóa, song một lực lượng đáng ra phải tiên phong, đột phá với tư cách “đầu tàu” lại đang giậm chân tại chỗ. Đã đến lúc ngành thể thao phải thay đổi thực sự để tạo ra bước đột phá từ Ủy ban Olympic tới các Liên đoàn, không thể chậm trễ hơn nữa. Có rất nhiều khó khăn về nhận thức, về danh vị và quyền lợi, về điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí nhưng hoàn toàn khả thi, nếu cơ quan quản lý nhà nước thực sự quyết tâm và thực sự muốn thay đổi.
Không nói đâu xa, chỉ cần ngành thể thao thực hiện tốt 9 nội dung chuyển giao quyền tác nghiệp cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, theo tinh thần của đề án khởi động từ cách đây 5 năm thì mọi chuyện sẽ khác hẳn.
– Xin cảm ơn ông!
Sỹ Minh (thực hiện)
“Nếu xét trên các tiêu chí, trong số hơn 20 Chủ tịch tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao chỉ có đúng 2 gương mặt không phải người nhà nước. Đó là các ông Lê Hùng Dũng môn Bóng đá và ông Nguyễn Hữu Luận môn Cờ”.
“Tôi còn nhớ như in trong chuyến làm việc tại Pháp hồi 2004, Bộ trưởng – Chủ nhiệm UBTDTT đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Danh Thái đã nhận được câu hỏi rất khó của Tổng thư ký Ủy ban Olympic nước Pháp xung quanh vị trí “2 trong 1” của mình. Trong đó, vị Tổng thư ký bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc trong hoạt động quản lý, điều hành của mình, Bộ trưởng – Chủ nhiệm UBDTT kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khi nào quyết định với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, khi nào là tổ chức xã hội -nghề nghiệp? Sau đó, bà Tổng thư ký cũng trình bày luôn về mô hình của Ủy ban Olympic của Pháp, hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo toàn bộ các hoạt động tác nghiệp, mà không nhận được một đồng kinh phí hỗ trợ nào từ nhà nước. Bộ Thanh niên và Thể thao Pháp chỉ đảm trách về các cơ chế chính sách, chiến lược phát triển, cũng như giám sát quá trình hoạt động của Ủy ban Olympic”.