Thể thao Việt Nam từ Olympic trẻ đến Olympic “già”: Lo và nản…
(thethao24.tv) – Đoàn thể thao Việt Nam coi như hoàn thành chỉ tiêu ngay ngày đầu tiên nhờ tấm HCV bơi lội đầu tiên trong lịch sử của Nguyễn Thị Ánh Viên, cùng HCB của đô cử Anh Tuấn. Thế nhưng, tất cả chỉ dừng ở đó, các tuyển thủ ở các môn, nội dung còn lại, thậm chí ngay cả Viên cũng gây thất vọng. Rất đáng lo và nản cho tương lai gần của TTVN nếu nhìn từ số lượng và chất lượng thể hiện tại Olympic trẻ 2014.
>>>Bước đột phá cho thể thao người khuyết tật Việt Nam: Lần đầu có liền hai nhà tài trợ
>>>Thể thao Việt Nam trước Olympic trẻ 2014: “Trẻ” còn tệ hơn “già”
>>>Chuyện của thể thao Việt Nam
Ngay từ số lượng tuyển thủ và đầu môn, đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic trẻ lần này cũng đã tụt hậu so với kỳ “Olympic già” năm 2012 (18 tuyển thủ của 11 môn), khi chỉ có 13 tuyển thủ (11 chính thức và hai đặc cách) của bảy môn tham dự. Trong đó, tại Olympic trẻ, thể thao Việt Nam không có đại diện của ba môn quan trọng bậc nhất: điền kinh, bắn súng và vật, khi các môn này đều không thể đạt chuẩn để vượt qua vòng loại. Bơi lội trở thành điểm sáng duy nhất, với việc giành tới bốn suất tham dự.
Ngoài HCV của Ánh Viên trên đường bơi 200m hỗn hợp, đoàn thể thao Việt Nam cũng đã có HCB của đô cử hạng 56 kg Nguyễn Trần Anh Tuấn. Có điều, đây vẫn chỉ là những thành quả tại một giải đấu trẻ mang tính đặc thù, có chất lượng và tính cạnh tranh thấp. Thành tích Vàng của Ánh Viên chỉ ngang tầm mức HCĐ ASIAD, trong khi Anh Tuấn còn cách khá xa thực lực nhóm tranh chấp huy chương của giải đấu thực thụ ấy.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, ngành thể thao đã quá may mắn vì sở hữu một “ngôi sao đang lên”, mà vẫn còn đủ tuổi tham dự Olympic trẻ như Ánh Viên. Không có Viên, mục tiêu đoạt HCV của cả đoàn coi như vô vọng, bởi hầu hết tuyển thủ các môn đều chỉ xác định tinh thần vượt lên chính mình.
Từ cả “lượng” lẫn “chất” thể hiện ở Olympic trẻ, những nỗi ưu tư đã bắt đầu đè trĩu lên tương lai gần của TTVN. Olympic 2016 trước mắt, ngành thể thao sẽ xoay sở như thế nào để vừa nâng cao được số lượng tuyển thủ giành quyền tham dự, vừa “nhắm đến” một vài tấm huy chương? Chưa có gì bảo đảm rằng sau hai năm nữa, con số 18 tuyển thủ của 11 môn như Olympic 2012 sẽ được tái lập, và “cử” huy chương có lẽ còn “nghẹt” hơn. Tất nhiên, khi ấy, vẫn có thể trông chờ ở một vài trụ cột còn duy trì được phong độ như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), nhưng rồi sau đó sẽ còn là Olympic 2020. Ánh Viên của hiện tại, dù có được đầu tư phát triển “hết tầm”, cũng khó “làm nên chuyện” ở một đấu trường khốc liệt như thế.
Ngành thể thao nói chung, cũng như các bộ môn nói riêng, đang “khoán trắng” mảng đào tạo trẻ cho các địa phương. Trong khi đó, các địa phương đang mỗi nơi làm một cách, với thực trạng chung là tình cảnh thiếu thốn cả kinh phí, khoa học công nghệ lẫn đội ngũ người thầy. Họ gần như chỉ ưu tiên cho các môn mang tính khu vực, vừa dễ làm, dễ kiếm thành tích, đỡ tốn thời gian chứ không mặn mà với những môn Olympic. Đáng buồn hơn, ngay cả một số ít những “của hiếm trời cho” cũng chưa có được sự chăm lo tối đa. Hạng 56 kg môn cử tạ (từng có Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB Olympic) bị lãng phí thay vì được nâng lên thành một mũi nhọn tầm thế giới, chính là một minh chứng điển hình.
Thể thao ĐNÁ tụt hậu từ gốc rễ
Olympic trẻ 2014 thực sự là một kỳ Đại hội đáng quên chung của làng thể thao khu vực, xét cả về số lượng tuyển thủ, số môn góp mặt lẫn thành tích trang tài. Có lẽ, chỉ có Thái Lan tương đối thành công khi giành 3 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Người Thái gần như chắc chắn giữ được một vị trí trong Top 10, cụ thể đang đứng thứ 9. Việt Nam cũng coi như đạt yêu cầu với 1 HCV, 1 HCB, cho dù thua thành tích của chính mình ở 4 năm trước. Khi ấy, cùng với 1 HCV, 1 HCB, TTVN còn đoạt thêm 2 tấm HCĐ của taekwondo và cầu lông.
Trong khi đó, đáng buồn hơn, ngoài Thái Lan và Việt Nam, cả khu vực chỉ có thêm Singapore và Indonesia vươn tới huy chương, và cũng chỉ 1 tấm duy nhất. Singapore giành 1 HCB, còn Indonesia đoạt HCĐ.
Qua đấu trường trẻ quốc tế lớn nhất mới càng thấy thể thao ĐNÁ ngày càng tụt hậu từ gốc rễ, gắn với sự yếu kém toàn diện của hệ thống đào tạo trẻ ở các môn cơ bản, đại chúng. Các môn Olympic của thể thao khu vực vốn đã có xuất phát điểm kém xa so với mặt bằng chung thế giới lại càng trở nên tồi tệ bởi cách làm dài trải, thời vụ, phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào “hội làng” SEA Games.
Thể thao khu vực từng thua trắng mắt tại Olympic London 2012, lại thêm Olympic trẻ thảm bại chung lần này,
Hà Thảo