Tìm suất tới Olympic 2016: Chi 40 tỷ đồng, đếm...đầu ngón tay

thứ năm 29-10-2015 22:45:29 +07:00 0 bình luận
Một kế hoạch Olympic được xác lập từ đầu năm 2015 với khoản kinh phí 40 tỷ đồng. Thế nhưng với trình độ, cách chuẩn bị hiện tại, số tiền có tăng thêm vài lần, TTVN cũng chỉ đếm từng đầu ngón tay số tuyển thủ có thể thành công.

Chỉ 3/14 môn đủ trình độ có đại diện
TTVN đã trải qua một kỳ SEA Games thành công bậc nhất với bước đột phá ở nhóm môn Olympic. Tuy nhiên, điều đó mới chứng tỏ sự chuyển động của một xu thế mới, ở tầm SEA Games còn với Olympic thì còn là một khoảng rất xa. Thậm chí, mặt bằng chung lực lượng hướng tới giải đấu đỉnh cao trên đất Brazil còn kém hơn cả kỳ Thế vận hội trước.

Chính xác, trong số 14 môn được đưa vào danh sách thì chỉ có 3 môn, với một số gương mặt xuất sắc thực sự đủ trình độ giành suất Olympic một cách sòng phẳng và xứng đáng, gồm: Bắn súng, bơi và cử tạ. Trên thực tế, bơi đã có Ánh Viên đoạt tới 3 chuẩn A, chưa kể 3 kình ngư khác có hy vọng khi đạt chuẩn B. Bắn súng cũng sớm hoàn thành chỉ tiêu 2 vé chính thức với bộ đôi xạ thủ kỳ cựu Xuân Vinh, Quốc Cường. Cử tạ còn phải chờ sau giải VĐTG, song khả năng sở hữu 2-3 suất là trong tầm tay. Thể dục dụng cụ đáng ra cũng thuộc diện chắc suất nếu như trụ cột Hà Thanh không dính chấn thương kéo dài, phong độ sa sút nghiêm trọng.

Ngoài 3 môn kể trên, cơ hội để các môn còn lại thành công đều vô cùng mong manh, chỉ ở mức 50-50. Bất cứ tuyển thủ nào của các môn như boxing, canoeing, taekwondo, vật, judo… nếu không vượt qua nổi vòng loại cũng chẳng có gì bất ngờ, phần nào đó còn ngược lại. Họ sẽ phải trông chờ cả vào nỗ lực tự thân, may mắn ở một vài giải cụ thể hay tích lũy điểm.

40 tỷ đồng không quan trọng bằng cách làm

Mục tiêu có 15 tuyển thủ vượt qua vòng loại tới Brazil tranh tài vào năm 2016 xem ra đã trở thành một thách thức cực lớn đối với ngành thể thao, nhất là qua cú sốc của kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền, sự hụt hơi của các cựu binh thể dục dụng cụ Hà Thanh, Phước Hưng hay thất bại lấm lưng của đô vật nữ số 1 Nguyễn Thị Lụa…

Rõ ràng, trình độ của TTVN vẫn ở mức rất thấp so với Olympic và đáng nói hơn là cách thức tập trung, chuẩn bị còn kém hơn thay vì phải quyết tâm, nỗ lực gấp nhiều lần bình thường. Việc các nhà quản lý huấn luyện bắt đầu tính đến Olympic từ đầu năm 2015, có nghĩa chỉ trong khoảng 20 tháng, đã là một sự chậm trễ. Nhận thức về đích Olympic của các môn cũng đang rất khác nhau mà tựu chung đều hời hợt. Nhìn vào sự chuẩn bị của nhiều môn đều thấy ngổn ngang và bị động, có khi còn không bằng “hội làng” SEA Games.

Bởi thế, dù khoản kinh phí cho Olympic 2016 có tăng lên đáng kể với 40 tỷ đồng nhưng giờ thì khó có thể giải quyết được gì nhiều. Theo các chuyên gia, kể cả số tiền này có tăng lên tới vài lần cũng không kịp mang lại điều gì khác biệt.

Hiện tại có 48 tuyển thủ của 14 môn Olympic đang được “đầu tư chuyên biệt” cho Olympic. Tuy nhiên, cái khác cơ bản chỉ là họ được nâng mức tiền ăn, tiền công lên 800.000 đồng/ngày. Trong khi, cái họ cần nhất là các chuyến tập huấn cọ xát đỉnh cao, dự tranh tối đa các giải đấu thuộc hệ thống để tranh chấp hay tích lũy điểm, lại rất ít hay chẳng thấy đâu.

Thể thao Hà Nội “đùa dai”

Với Olympic 2016, thể thao Thủ đô đã gây sốc khi đặt ra mục tiêu có 10-12 VĐV vượt qua vòng loại và phấn đấu lần đầu tiên giành huy chương. Đây là một nội dung chính thức có trong văn bản tổng kết năm 2014 triển khai hoạt động năm 2015 chứ không phải phát biểu của một cá nhân hay bàn bạc, thảo luận nội bộ.

Đến giờ, giới chuyên môn vẫn chưa hiểu lãnh đạo thể thao Hà Nội dựa trên cơ sở nào để “vẽ” ra con số đẹp như vậy. Dù tính kiểu nào, may lắm các tuyển thủ của Hà Nội cũng chỉ có thể đạt tối đa 3-4 suất và không có bất cứ nhân tố nào có thể hy vọng phấn đấu đoạt huy chương. Nó càng trở nên bi hài bởi 3 gương mặt khả dĩ nhất của họ là Phước Hưng, Phương Thành (TDDC), Nguyễn Thị Lụa (vật) vừa liên tiếp thảm bại. Qua sự “đùa dai” này mới thấy người ta nhìn nhận về Olympic hời hợt, vô lối tới mức nào.

Ngoài siêu kình ngư Ánh Viên, chỉ có judo đang có sự chuẩn bị tốt cho Olympic, không chỉ hiệu quả mà còn phù hợp với trình độ, điều kiện Việt Nam. Ngay từ đầu, bộ môn judo đã xác định chỉ tập trung kinh phí cho niềm hy vọng duy nhất Văn Ngọc Tú, kèm theo một đồng đội trẻ làm “quân xanh”.

Tú được một chuyên gia ngoại kèm riêng, được ưu tiên dự tranh gần như tất cả các giải đấu quốc tế. Biết mình không thể tranh chấp suất trực tiếp, Tú xác định rõ con đường tới Olympic qua việc tích điểm. Và chị miệt mài dự các giải, phấn đấu từng trận đấu một để gần như chắc chắn sẽ có đủ điểm giành vé tới Brazil. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội