Thể thao VN xuất ngoại tập huấn: Vì sao chưa được như Ánh Viên?
Ngành thể thao song hành cùng đơn vị chủ quản
Có thể khẳng định, chuyến đi Mỹ xứng đáng đến từng đồng của Ánh Viên có vai trò quyết định của thể thao Quân đội. Nếu không có sự ủng hộ ngay từ đầu từ đơn vị chủ quản, nơi sẵn sàng chi một nửa kinh phí, chắc chắn nó đã bất thành.
Quan trọng nhất, với trường hợp của Viên, giữa ngành thể thao với Quân đội có sự thống nhất gần như tuyệt đối. Sau khi cùng nhau thông qua chương trình đầu tư, thể thao Quân đội đã tin tưởng và giao phó VĐV vẫn được xem là “viên ngọc” này cho ngành thể thao, cụ thể là các nhà quản lý trực tiếp của bộ môn bơi cùng HLV Đặng Anh Tuấn. Đây là điều mà Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Huyền đã không có được. Thậm chí với Phước, Đà Nẵng còn bất hợp tác và tự ý làm theo kế hoạch của mình, trong khi năng lực của họ không hề đảm bảo.
HLV Đặng Anh Tuấn là khác biệt
Nhiều người cho rằng, thực chất HLV Đặng Anh Tuấn không có quá nhiều dấu ấn về mặt chuyên môn trong cuộc đột phá của Ánh Viên. Tuy nhiên, có thể khẳng định, không có ông thầy này sẽ không thể có một Ánh Viên như hiện tại.
Chính ông Tuấn đã phát hiện ra Viên, rồi nhiều lần thuyết phục và đấu tranh để “viên ngọc thô” này được đặc cách lên ĐTQG vào tháng 4/2011. Có thể coi đó như một bước ngoặt cho sự nghiệp của Viên, cộng thêm kỳ tích đoạt 2 tấm HCB SEA Games sau đó chỉ 7 tháng để dẫn tới “kế hoạch lịch sử” của bơi Việt Nam: Đưa Viên sang Mỹ tập huấn dài hạn.
Thực tế kể từ 2012 khi kình ngư mới chỉ 15 tuổi đặt chân tới Mỹ, HLV Tuấn đã thực hiện quá tốt hàng loạt vị trí, từ nhà quản lý cho tới săn sóc viên cho Viên. Chính vốn tiếng Anh tốt, sự thông hiểu đặc thù của các CLB bơi của Mỹ, cùng điều kiện thuận lợi của bản thân ông Tuấn, đơn cử có rất nhiều người thân tại đây đã giúp cho một kình ngư vốn chỉ biết tập và tập nhanh chóng bước được vào một quy trình chặt chẽ. Ông Tuấn lo từng bữa ăn, giấc ngủ, buổi tập của Viên, thậm chí còn mượn xe người nhà để đưa học trò đi tập. Viên không phải lo lắng bất cứ điều gì, ngoài chuyện tập luyện.
Tố chất &bước xuất phát kịp thời
Cả 2 lý do kể trên đã chỉ cho thành quả xuất sắc khi được hội tụ hoàn hảo ở một cá nhân Ánh Viên đặc biệt. Ngoài tố chất đặc biệt, hiếm có VĐV Việt Nam có ý chí, sự bền bỉ cao như Viên, gắn với một tư duy và lối sống giản dị, lành mạnh. Làng thể thao Việt quá khó để tìm thấy tuyển thủ thứ 2 có sự tập trung tuyệt đối, theo một đường thẳng tắp cho nghiệp bơi như Viên.
Dù có phần nuối tiếc khi được phát hiện, đầu tư muộn so với quốc tế, song xét ở mặt bằng chung của TTVN, Viên đã có bước xuất phát vô cùng kịp thời, với chuyến xuất ngoại sang Mỹ từ đầu 2012. Chỉ cần chậm 1 năm, tình thế của Viên đã khác hẳn, khó mà phát huy được năng lực phi phàm của mình.
HÀ THẢO
Thành quả của Ánh Viên có được là kết quả của việc đầu tư đúng hướng khi ngành thể thao đã thay đổi nhận thức và cách làm. Đó là câu chuyện đã quan tâm đến môn thể thao Olympic, đã biết lựa chọn VĐV ưu tú, có tiềm năng cho huấn luyện ở nước ngoài, nơi có thầy giỏi, có điều kiện chăm sóc VĐV tốt về mặt dinh dưỡng, hồi phục thể lực. Hành trình của Viên đã đúng với quy luật của thể thao thành tích cao. Nhìn lại suốt một thời gian dài, chúng ta tìm kiếm được nhiều trẻ em giỏi nhưng điều kiện trong nước không tốt, chưa được quan tâm đầu tư theo mô hình chuyên biệt nên không lên đỉnh cao được”.
Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Trưởng đoàn TTVN).