Giải cử tạ VĐTG 2015: Nữ đô cử vô danh Việt Nam hạ Á quân Olympic
Hạ cả đương kim Á quân Olympic
Cách đây mới chỉ hơn 2 tháng, đô cử người Hà thành trước đó thuộc diện vô danh đã bất ngờ đoạt 2 tấm HCV tại giải vô địch châu Á (cử giật và tổng cử) với tổng mức tạ 190kg. Tuy nhiên, đến giải VĐTG, mục tiêu huy chương với Huyền vẫn chưa được đặt ra. Một phần vì lực sĩ sinh năm 1992 này hãy còn quá “non” kinh nghiệm, chưa có sự ổn định cần thiết. Phần quan trọng hơn, hạng 48kg tập hợp hàng loạt hảo thủ hàng đầu.
Thế nhưng, lực sĩ lạ mặt đến từ Việt Nam đã làm đảo lộn cuộc đấu quốc tế đỉnh cao bằng một sự tự tin, tinh thần quyết thắng cao độ, với các mức tạ liên tiếp được nâng cao và thực hiện thành công một cách đáng kinh ngạc. Nội dung cử giật: Huyền đạt thành tích 85kg, giành HCB, kém 3kg so với người đứng đầu Jiang Huihua (Trung Quốc). Nội dung cử đẩy: Huyền đạt 109kg, giành HCĐ, sau Jiang Huihua và và Ri Song Gum (CHDCND Triều Tiên), thua đúng 1kg. Tính tổng cử, tài năng trẻ này đoạt HCB với 194kg, kém đối thủ Jiang Huihua 4kg, nhưng lại vượt đương kim Á quân Olympic (Nhật Bản) Hiromi Miyake 1kg.
11 tháng “giải quyết” tới 13kg
Cuối năm ngoái, Vương Thị Huyền mới bắt đầu được giới chuyên môn chú ý khi tạo nên kỷ lục sáng giá nhất tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014 với tổng cử 181kg, hơn mức cũ tới 5kg. Cũng kể từ cột mốc mang tính bước ngoặt ấy, nữ lực sĩ người Hà Nội được đưa vào danh sách ưu tiên đầu tư rồi liên tục có những bước thăng tiến ngoạn mục.
“Cửa” huy chương Olympic rộng mở
Không chỉ là nữ lực sĩ Việt đầu tiên giành huy chương giải VĐTG, mức tổng cử 194kg của Huyền còn mở thêm một “cửa” rất sáng cho hy vọng tranh chấp huy chương tại Olympic 2016. Thành quả 194kg này đã vượt qua mức HCĐ Olympic 2012 của Ryang Chun Hwa (CHDCND Triều Tiên) tới 2kg, và cũng chỉ kém 3kg so với mức HCB của chính Hiromi Miyake (Nhật Bản) người mà Huyền đánh bại tại giải VĐTG.
Dù đoạt 2 HCB và 1 HCĐ ở hạng 48kg, Huyền vẫn chưa có suất chính thức tham dự Olympic 2016 do Liên đoàn Cử tạ Quốc tế (IWF) mới chỉ đang xét tuyển theo xếp hạng đồng đội tại giải VĐTG, trong khi Việt Nam không có đủ VĐV để dự tranh đồng đội nữ. Tuy nhiên, Huyền sẽ có suất chính thức tới Brazil vào sang năm khi IWF xem xét các trường hợp có thành tích cá nhân xuất sắc ở mỗi hạng cân, giống như Hoàng Anh Tuấn ở Olympic 2008.
Một cơ hội mới đã rộng mở cho cả TTVN, và vấn đề với ngành thể thao là phải có ngay một kế hoạch đầu tư chuyên biệt cho Vương Thị Huyền trong 9 tháng còn lại. Với những gì thể hiện, Huyền chắc chắn sẽ còn tiến rất xa. Nữ lực sĩ này mới bước vào thời kỳ tăng tốc phát triển, còn rất nhiều tiềm năng để khai phá, nhất là xét trên điều kiện dinh dưỡng, tập luyện, tập huấn thi đấu còn nhiều hạn chế như hiện tại.