Hiểm họa khôn lường do tập Yoga sai cách

thứ năm 18-6-2015 20:51:13 +07:00 0 bình luận
Yoga nói riêng và các môn thể thao nói chung, người tập đều có thể bị chấn thương, để lại hậu quả lâu dài nếu thực hiện không đúng cách.

Trật đĩa đệm vì cố tập cúi người

Giống như  nhiều người luyện tập Yoga, chị Nguyễn Thị Hằng (30 tuổi, nhân viên văn phòng) mong muốn sẽ trở nên năng động hơn và cải thiện sự tập trung khi đến với môn thể thao này. Tuy nhiên, sau vài buổi tập, chị Hằng ra về với vết thương đau nhức và buốt ở cổ cùng chấn thương lưng đến mức không thể nằm hoặc ngồi thoải mái. Theo chẩn đoán của bác sĩ, chị Hằng bị trật đĩa đệm trong lúc gắng sức thực hiện động tác cúi người về phía trước.

Trường hợp của chị Hằng là điển hình cho những người tập Yoga nôn nóng, muốn được uốn dẻo, thực hiện những động tác khó trong khi cơ thể chưa kịp thích nghi. Do đó, thay vì nhận được những lợi ích tuyệt vời từ môn thể thao này, họ lại phải chịu những chấn thương đau đớn, có khi để lại hậu quả lâu dài.

Thực tế, tại các lớp Yoga, không khó bắt gặp cảnh người mới hỏi những người tập đã tập thành thạo rằng: “Chị tập lâu chưa? Tập bao lâu để được thế này? Chắc chị dẻo mới làm được như thế”… Họ nghĩ, chỉ cần tập bằng đó thời gian thì có thể làm được những động tác khó giống như người khác. Đây chính là biểu hiện của sự nôn nóng, vội vàng và đôi chút ganh tị – một điều tối kỵ trong luyện tập Yoga. Bởi, không phải động tác nào mọi người cũng tập luyện được.

Làm sao để không bị chấn thương?

Các giáo viên Yoga của Ấn Độ cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới chấn thương là mọi người chỉ xem Yoga như một tập thể dục, bỏ qua việc hít thở, thư giãn cũng như những kỷ luật trong việc tập luyện.

Ông Abhishek Shukla, giáo viên Yoga đến từ Mumbai (Ấn Độ) – có thâm niên luyện tập một cách kỷ luật khoảng 10 năm – cho biết: “Cần luyện tập kiên trì, thường xuyên và lâu dài. Nhưng nay, mọi người có xu hướng đi tắt, nhanh chóng tiến tới những thế Yoga cao siêu bỏ qua những giây phút lắng nghe bản thân và trải nghiệm sâu”.

Để hạn chế chấn thương cho học viên, giáo viên Yoga Durgadas Sawant, 58 tuổi hiện đang giảng dạy tại Mumbai: “Trong Yoga, không có tinh thần cạnh tranh ganh đua”.

Mỗi cơ thể có độ mềm dẻo khác nhau. Ngay cả hai bên trái phải trên cùng cơ thể cũng không có độ dẻo tương đương. Nếu cứ cố vươn dài vượt quá khả năng, bạn rất dễ bị thương. Chìa khoá ở đây là tập luyện “tuỳ theo khả năng của cơ thể, theo form người, độ tuổi, tình trạng thể chất và tinh thần”.

Ví dụ, những người thừa cân béo phì khó có thể tập được hết các thế Yoga (như những tư thế liên quan tới lộn ngược) và họ nên chấp nhận điều đó, không nên tức giận, thất vọng và bắt ép bản thân làm điều mà nó không thể. Người tập không nên vào ngay một tư thế khó mà chưa qua khởi động và tập các tư thế bổ trợ trước. Nếu vừa vào đã tập ngay những tư thế khó như đứng bằng đầu, bằng vai thì khả năng bị thương ở cổ, vai là rất cao. Từng có một người tập Yoga chỉ vì biểu diễn cho các học viên khác khả năng đứng bằng vai mà bị chấn thương cổ và phải nghỉ tập điều trị trong nhiều tháng liền.

Quay trở lại câu chuyện chị Hằng, sau thời gian dưỡng thương, chị đã quay trở lại luyện tập Yoga nhưng lần này, chị tập với thái độ cẩn trọng, chú ý và lắng nghe cơ thể. Hơn một năm tập luyện trở lại tới nay, chị chưa gặp phải chấn thương nào và cảm nhận rõ những tác dụng Yoga như chị mong muốn ban đầu.

Phân biệt động tác dễ – khó, đau đầu tốt – xấu

Giáo viên Arun Pandala, với hơn 20 năm hướng dẫn, khuyên người tập cần tập từng bước bổ trợ trước khi tới tư thế cuối cùng. Chẳng hạn, nếu muốn tập tư thế đứng bằng vai (hay còn gọi là cây nến) thì bạn cần phải bắt đầu từ tư thế cái cày, sau đó đưa từ từ từng chân lên, giữ cho người thẳng, thay vì lập tức đưa chân lên thẳng. Một điểm quan trọng nữa người tập cần nhớ: Phải nắm rõ thể trạng để trình bày với giáo viên Yoga, yêu cầu họ nhắc nhở nếu có động tác nào cần kiêng kỵ. Chẳng hạn, nếu bạn bị thương ở cổ, thì không nên tập những động tác đảo ngược; Nếu bạn bị huyết áp cao không nên tập tư thế đứng bằng đầu.

Một vấn đề hay gặp khác: Người tập cần hiểu rõ, không phải cơn đau nào trong Yoga cũng đều có hại. Pandala cho biết, nếu bạn cảm thấy đau chung chung một khu vực sau khi vừa tập tư thế tác động vào vùng đó, chỉ cần hít thở sâu thì cơn đau giảm dần rồi hết thì đó là cơn đau tốt. Nó cho biết, bạn đã tác động được vào những cơ mà lâu chưa động tới.

Tuy nhiên, có những cơn đau xấu cần nhận biết để tránh chấn thương. Đó là khi bạn thấy đau nhói, buốt chứ không phải đau chung chung một vùng, cơ thể run, hơi thở bất thường… Những dấu hiệu đó cho biết bạn đã tập sai ở bước nào đó.

MINH THƯ

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội