Nguyễn Thị Oanh chạy cự ly nào để tranh chấp huy chương ASIAD 19?

thứ tư 26-7-2023 21:00:07 +07:00 0 bình luận
Nguyễn Thị Oanh giành HCĐ ASIAD 2018 ở cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật. Liệu nội dung này liệu có giúp mang về huy chương cho Oanh "ỉn" ở ASIAD tới đây, nếu nhìn lại màn thể hiện ở giải vô địch châu Á vừa qua?

Nguyễn Thị Oanh "thành công" hay "thất bại" ở giải điền kinh vô địch châu Á 2023?

Nguyễn Thị Oanh vừa trở về từ giải điền kinh vô địch châu Á 2023 tại Thái Lan (12-16/7). Đây là giải đấu không chỉ Oanh "ỉn" mà gần như toàn bộ thành phần nòng cốt đội tuyển điền kinh Việt Nam dự kiến tranh tài ở ASIAD 19 tại Hàng Châu cuối tháng 9 tới đều tham dự.

Tại Thái Lan, Oanh "ỉn" tranh tài ở hai nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Ngay ở nội dung đầu tiên, 1.500m, trong ngày thi đấu đầu tiên (12-7) Nguyễn Thị Oanh đã về đích khiêm tốn ở vị trí thứ 5 với thành tích 4 phút 18 giây 84 (4:18.84).

Thông số trên thậm chí còn giảm sút nếu so với thành tích từng giúp Oanh "ỉn" giành 2 HCV SEA Games cự ly 1.500m gần đây lần lượt là 4:16.85 và 4:14.98. Có thể hiểu cho bước chạy kém thanh thoát của Oanh "ỉn" trong buổi chiều nắng gắt tại Bangkok khi trước đó cô vẫn bị sốt.

Nguyễn Thị Oanh có phần thi 1.500m nữ châu Á không tốt
phần vì chưa đạt thể trạng tốt nhất

Đến màn tranh tài ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật ở ngày thi đấu thứ 3 Nguyễn Thị Oanh cũng không thể cải thiện thành tích khi chỉ về đích thứ 6 với thông số 10 phút 09 giây 62. Nói như HLV Trần Văn Sỹ chia sẻ sau đó, vừa pha chút hài hước lẫn lo lắng, đó là "Nguyễn Thị Oanh vẫn chạy với... nhịp độ SEA Games".

Quả thực, nếu ở SEA Games 32 Oanh "ỉn" phải thi nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ chưa đầy 30 phút sau khi thi 1.500m mà vẫn giành HCV với thông số 10 phút 34 giây 39, thì vấn đề trình độ đẳng cấp khác biệt giữa khu vực và châu lục đã được phơi bày rõ nét tại giải châu Á vừa qua.

Để so sánh rõ hơn, VĐV Ấn Độ Chaudhary vừa giành HCV 3.000m chướng ngại vật châu Á với thông số 9 phút 38 giây 76. Trong khi đó thành tích giúp Oanh "ỉn" giành HCĐ ASIAD 2018 và giờ vẫn là kỷ lục quốc gia ở nội dung này chỉ là 9 phút 43 giây 83.

Điều đó có nghĩa ngay cả khi Oanh "ỉn" chạy với thành tích tốt nhất như cách đây 5 năm thì cũng không có cửa tranh chấp HCV ở giải châu Á mới đây. Mà giải đấu vừa qua vẫn chưa quy tụ hết các VĐV ưu tú nhất châu lục và như đánh giá chung của những nhà quản lý, người làm công tác chuyên môn thì "điểm rơi phong độ của các VĐV châu lục sẽ là ở ASIAD 19 tại Quảng Châu cuối tháng 9 tới".

Oanh "ỉn" thống trị đường chạy khu vực, nhưng vẫn là cánh chim nhỏ bé khi bước ra
sân chơi châu lục nơi quy tụ những VĐV đẳng cấp hàng đầu

Nói thế để thấy chỉ tiêu tranh chấp huy chương châu Á cho Nguyễn Thị Oanh ở giải vừa qua gần như không đặt nặng. Nhưng nhìn nhận một cách sòng phẳng, phải đánh giá màn trình diễn ở giải châu Á của Nguyễn Thị Oanh vừa qua như là "thất bại", nếu muốn hướng đến "thành công" tại ASIAD tới đây, khi mà chân chạy quê Bắc Giang cùng với Nguyễn Thị Huyền vẫn là những niềm hy vọng huy chương cá nhân khả dĩ nhất với điền kinh Việt Nam ở ngày hội thể thao lớn nhất châu lục.

Từ "huy chương trên giấy" ở giải vô địch châu Á đến "huy chương xịn" ASIAD

Điều ít ai biết đó là ở giải điền kinh vô địch châu Á 2023 vừa qua một trong những nội dung dựa trên thành tích cuối cùng, theo lý thuyết, nếu tham dự Nguyễn Thị Oanh đã có thể tranh chấp và giành huy chương, đó là cự ly 10.000m nữ.

Tại phần thi này VĐV giành HCV người Nhật Bản Kokai đạt thông số 32 phút 59 giây 36. Trong khi thông số của VĐV giành HCB là 33 phút 18 giây 72, còn HCĐ là 33 phút 24 giây 79. Và đại diện Việt Nam, chân chạy Phạm Thị Hồng Lệ chỉ về thứ 6 với thành tích 35 phút 38 giây 19.

Hồng Lệ (3) tranh tài ở nội dung 10.000m nữ tại giải vô địch châu Á vừa qua

Với Nguyễn Thị Oanh, thành tích cá nhân tốt nhất của cô ở cự ly 10.000m là 33 phút 13 giây 23, kỷ lục quốc gia thiết lập tại Đại hội Thể thao toàn quốc ở Mỹ Đình vào tháng 12 năm ngoái.  

Tất nhiên, nếu chạy như ở SEA Games 32 hồi tháng 5 vừa qua khi Nguyễn Thị Oanh giành HCV 10.000m với thông số không mấy ấn tượng 35 phút 11 giây 53, việc lọt vào top đầu châu lục là không thể. Nhưng ít nhất khi "ướm" thành tích cá nhân tốt nhất của Oanh "ỉn" vào nội dung thi 10.000m giải vô địch châu Á lần này cũng nhìn thấy cơ hội có huy chương nhiều hơn xét về lý thuyết.

Nguyễn Thị Oanh đang giữ kỷ lục 10.000m nữ quốc gia

Rõ ràng, khi xác định một nội dung để VĐV tập trung thi đấu và nhắm tới huy chương còn căn cứ vào nhiều yếu tố như lịch thi đấu, sự tính toán chiến thuật của từng đoàn quốc gia tham dự giải, sự chuẩn bị của cá nhân VĐV, đối thủ tranh tài, điều kiện khách quan... Và sau hành trình ở giải châu Á vừa qua bộ môn Điền kinh cũng như BHL đội tuyển quốc gia sẽ phải phân tích, đánh giá để khi bước vào ASIAD sẽ tìm ra "nội dung mũi nhọn" để Nguyễn Thị Oanh dốc toàn lực và sáng cửa tranh chấp huy chương.

"Nội dung 10.000m nữ ở giải vô địch châu Á vừa rồi nhìn chung thành tích các VĐV đều giảm xuống. Thực tế giải đấu này với nhiều VĐV, đoàn quốc gia chỉ mang mục đích điều chỉnh tập luyện thi đấu, còn điểm rơi phong độ tốt nhất tất cả đều nhắm vào ASIAD 19 tới đây", ông Nguyễn Mạnh Hùng, TTK Liên đoàn điền kinh Việt Nam cho hay.

"Chúng tôi vẫn đăng ký cho Nguyễn Thị Oanh hai nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Tất nhiên khi bước vào ASIAD căn cứ theo tình hình thực tế chúng tôi sẽ tính toán cụ thể nội dung nào khả năng thành tích tốt nhất cho Nguyễn Thị Oanh để tham dự. Vì ASIAD là đấu trường lớn nên rất khó để VĐV thi đấu dàn trải nhiều nội dung".

Nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật từng mang về HCĐ ASIAD 2018 cho
Nguyễn Thị Oanh

Được biết, trung tuần tháng 8 tới đây Nguyễn Thị Oanh sẽ tham dự giải điền kinh vô địch thế giới ở Hungary theo suất đặc cách và thi đấu ở duy nhất nội dung 1.500m. Đây cũng sẽ là cơ hội quý báu để Oanh "ỉn" tích lũy kinh nghiệm cọ xát ở môi trường đỉnh cao, cũng như giúp BHL đánh giá rõ hơn sự chuẩn bị của VĐV.

Cho đến giờ tấm HCĐ 3.000m vượt chướng ngại vật ở ASIAD 2018 tại Indonesia với thông số 9 phút 43 giây 83 vẫn là tấm huy chương châu lục duy nhất của Nguyễn Thị Oanh (tính ở giải đấu ngoài trời). Để bảo vệ tấm huy chương này ở kỳ ASIAD tới đây, Oanh "ỉn" sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
 
Trong khi đó, ở nội dung 10.000m, thông số của top giành huy chương ở 3 kỳ ASIAD gần nhất dao động trong khoảng 31 phút 50 giây đến 32 phút 10 giây. Nói thế để thấy nếu thi đấu ở nội dung này Oanh "ỉn" cũng phải nỗ lực vượt ngưỡng bản thân mới.
 
Nguyễn Thị Oanh từng giành HCĐ Asiad 2018 nội dung 3000m vượt chướng ngại vật
 

VIDEO: Phần thi 1.500m nữ của Nguyễn Thị Oanh tại giải vô địch châu Á 2023

Nguyễn Nhanh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội