Nỗ lực vượt nghịch cảnh phi thường, giải cơn khát HCV 27 năm của điền kinh Quảng Trị
Khổ ải miền đất với “ đặc sản” gió Lào, cát trắng
Quảng Trị là miền đất có điều kiện tự nhiên và khí hậu khắc nghiệt bậc nhất ở nước ta. Sống ở nơi nắng gió bụi mờ, con người Quảng Trị hình thành đức tính chịu thương, chịu khó. Câu chuyện của những chàng trai, cô gái xứ sở gió Lào đã và đang tập luyện dưới điều kiện thiếu thốn trăm bề càng khiến mọi người cảm phục ý chí con người nơi đây.
Một buổi chiều tháng 7, khi ghé thăm Sân vận động tỉnh Quảng Trị dưới cái nắng như thiêu như đốt, táp thẳng vào mặt là cơn gió Lào rát mặt, chúng tôi mới cảm nhận sự khổ ải của thầy trò môn điền kinh nói chung và bộ môn ném lao nói riêng của địa phương này.
Sân cỏ mọc um tùm, mặt sân mấp mô vì quá xấu. Ở khu vực phía dưới khán đài là nơi ở, sinh hoạt của thầy trò đội điền kinh Quảng Trị. Tất cả đã xuống cấp, ẩm thấp. Với cái nắng điên người cùng nền nhiệt độ thường rơi vào khoảng hơn 35 độ C suốt thời gian dài, thật không thể tưởng tượng, bao năm qua, thầy và trò chỉ sống nhờ những cái quạt trần đã cũ kỹ.
Sau nhiều lần trình lên các cấp, cuối cùng, 6 phòng ở cũng đã được lắp điều hòa trong sự vui sướng tột độ. Anh Trần Thanh Hiệp, HLV điền kinh Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh hồ hởi: “Ở đây có điều hòa cứ như bắt gặp phải vàng. Các cháu mừng lắm”.
Đó chỉ là một chi tiết nhỏ, đội điền kinh Quảng Trị đã khắc phục. Với địa phương này, đụng vào đâu cũng thiếu, cũng khó. Anh Hiệp kể: “Cơ sở vật chất thiếu trăm bề. Các em tập ném lao nhưng đường chạy không có phải chạy vào sân ném. Mỗi lần thi đấu làm quen sân rất khó. Thời gian đi khi đấu ngắn, kinh phí thấp, không thể đi trước thời gian dài nên làm quen sân là vấn đề. Các em sai kỹ thuật khi chạy ném lao đường đất khác xa với đường nhựa đúng tiêu chuẩn”.
Các dụng cụ bổ trợ như xà, tạ,… đội cũng tự khắc phục. Anh Hiệp trải lòng trong nỗi trăn trở lớn. “Chúng tôi phải dùng cả ống nước để làm lao, làm rào”. Bi thảm hơn nữa là đội ném lao nhưng lại không có đủ lao và giày chuyên dụng.
Hiện tại, đội có 10 VĐV nhưng chỉ có đúng 5 cây lao, trong đó 1 cây đã bị gãy. Cây lao của đội chỉ có giá khoảng 2 triệu đồng còn các cây lao tiêu chuẩn có giá 20 triệu. Thế nên, ở các buổi tập, các VĐV phải chia nhóm, chờ đợi để đến lượt tập với lao. Một nhóm 4 em tập lao, 1 em tập với tạ, 5 em chạy bổ trợ.
Theo anh Hiệp, một VĐV ném lao cần có ít nhất 3 đôi giày chuyên biệt. Một đôi giày nền, một đội giày chạy và một đôi ném đẩy. Ba đôi này nếu đúng chuẩn rơi vào khoảng 10 triệu đồng. Nhưng đó là số tiền chỉ có trong mơ với điền kinh Quảng Trị.
"Có em dùng giày cho hai nhiệm vụ, vừa khởi động, vừa tập và ném đẩy. Đôi giày đinh đặc chủng khi ném có em có em không. Em nào có tranh chấp huy chương mới đầu tư. Ở đây chỉ có 5 đôi/10 em nhưng đôi chỉ 2 triệu đồng, còn đúng tiêu chuẩn là 4-5 triệu/đôi. Nếu muốn đôi đúng tiêu chuẩn, VĐV tự bỏ tiền thêm nhưng không thể mua nổi”, anh Hiệp chia sẻ.
Hiện tại, ở sân vận động Quảng Trị không có đường chạy cho môn ném lao. Đường pitch cũng chỉ vừa được rải đá nhỏ, không đúng tiêu chuẩn. “Sân không có đường chạy nên chạy ngoài, đường nhỏ, chỉ 12m, chạy đà không hết. Khi chạy vào sân mấp mô dễ gây chấn thương, nhất là bị lật cổ chân. Nhiều khi cỏ cao mượn cắt cho bằng, mùa mưa cao ngang bụng. Lúc đó mới có đường chạy đà.
Khí hậu hết sức khắc nghiệt. Mùa đông không thể tập vì mưa lầy lội. Đường mới rải đá nhỏ sau đại hội toàn quốc 2022 nhưng chỉ khắc phục tạm thời không đủ tiêu chuẩn. Đường này mưa cũng lún, không tập được. Thời tiết như thế kéo dài khoảng 3-4 tháng. Mùa đông chỉ tập bổ trợ, ra sân rất khó”, anh Hiệp trải lòng.
Các chế độ về tiền công, tiền ăn của điền kinh Quảng Trị thuộc dạng thấp trong cả nước. Theo đó, điền kinh Quảng Trị có 3 tuyến. Tuyển tỉnh tiền ăn 165.000 đồng/ngày, tiền công 180.000 đồng/ngày. Tuyến trẻ tiền ăn 130.000 đồng/ngày, tiền công 75.000 đồng/ngày. Tuyến năng khiếu tiền ăn 95.000 đồng/ngày, tiền công 55.000 đồng/ngày.
Theo tìm hiểu, ngân sách cho thể thao của Quảng Trị rơi vào khoảng 10 tỷ đồng/năm. Con số rất ít ỏi để các môn tạo sự bứt phá. Anh Hiệp nói: “Nhìn đâu cũng khó khăn cả. Ngay cả đi thi đấu, chúng tôi cũng phải cân nhắc. Nhiều VĐV trẻ không được đi vì thiếu kinh phí nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của các em. Đối với VĐV, thi đấu mới là thước đo chính xác nhất để kiểm tra về chuyên môn”.
Sự sống nảy mầm nơi khô cằn với tấm HCV lịch sử sau 27 năm chờ đợi
Với điều kiện nhìn đâu cũng thấy khó, ném lao Quảng Trị vẫn tạo ra mầm sống. Đó là chiếc HCV của VĐV Nguyễn Hữu Toàn ở Đại hội thể thao toàn quốc 2022, chấm dứt cơn khát vàng kéo dài 27 năm của điền kinh Quảng Trị.
Đằng sau tấm HCV danh giá của thể thao miền đất anh hùng, là câu chuyện đầy gian truân của Toàn. Anh Hiệp kể lại: “Vì kinh phí thấp quá, nhiều lần, Toàn đề đạt nguyện vọng xin nghỉ. Gia đình em ấy rất hoàn cảnh. Bố bị tai nạn cách đây 3 năm, không thể lao động. Toàn muốn về phụ giúp gia đình.
Nhưng nếu Toàn nghỉ rất tiếc. Tôi cùng anh em bộ môn đã động viên, giữ cháu cho đến ngày nay. Trong thời gian tập luyện, thi đấu, thầy trò thường xuyên tâm sự, khắc phục, đi lên từ gian khó”.
Vốn quá đỗi khó khăn, chỉ lấy tinh thần là chính nên đó cũng là thứ "vũ khí” để giữ chân VĐV. Con người Quảng Trị vốn sống tình cảm, đầy bác ái. Họ đến và ở lại với nhau bằng cái tình, dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
“Làm HLV cứ như cha mẹ. Chúng tôi luôn tự bảo với mấy cháu, niềm vui là đi thi đấu với các đội bạn, đi đây đi đó. Phải có sự quan tâm các cháu nhiều, san sẻ khi buồn khi vui”, anh Hiệp tâm sự.
Ở đội điền kinh Quảng Trị, chỉ có 3 HLV làm việc với 20 VĐV nhưng trong đó, có 1 quản lý và chỉ còn hai HLV chuyên trách.
Ở nơi khô cằn đó, các lớp lớp VĐV vẫn lần lượt trình làng. Phan Văn Anh Kiệt (2007) dự hai giải có 4 huy chương; bao gồm 2 HCV ném lao, 1 HCV đẩy tạ, 1 HCB đẩy tạ giải điền kinh các nhóm tuổi trẻ quốc gia. Hay Đoàn Chí Vĩ (2009) mới tập 3 tháng nhưng vừa giành HCB ném lao giải lứa tuổi toàn quốc vào tháng 6 vừa rồi tại Bến Tre.
Đã tìm thấy ánh sáng sau gần 30 năm đằng đẵng mỏi mòn tìm người kế thừa huyền thoại Phan Văn Hóa, điền kinh Quảng Trị xác định, tập trung mũi nhọn ở ném lao, đẩy tạ vì phù hợp với con người nơi đây, lại có tuổi nghề cao. Anh Hiệp nhận định: “Một VĐV ném lao hay đẩy tạ có thể thi đấu ít nhất 3-4 kỳ đại hội”.
Nhưng tìm ra con đường là một bài toán khó, phát triển dựa trên những gì đã biết lại không hề đơn giản. Anh Hiệp nói: "Môn nào cũng vậy, phát triển thành tích đáp ứng điều kiện tập luyện, có nguồn nhân lực. Đó là tìm VĐV ưng ý, kết hợp tập luyện, sinh hoạt quan tâm, giám sát và có các chế độ phù hợp thì mới có VĐV có thành tích. Cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố".
Anh mong mỏi: “Ở Quảng Trị, nếu VĐV đi lên đội tuyển trẻ quốc gia thì bị cắt chế độ. Đó là thiệt thòi cho các cháu, khiến các cháu không thể chuyên tâm tập luyện. Tôi mong sao, các cháu vẫn được giữ khoản đó. Ngoài ra, hy vọng các cấp tạo điều kiện phụ cấp thêm cho các cháu cũng như trang bị thêm nhiều dụng cụ cho bộ môn chứ với kinh phí 20 triệu mua sắm mỗi năm như hiện tại thì không đủ”.
Mượn cả lao của VĐV khuyết tật để tập luyện
Số lượng VĐV đông nhưng số lao chỉ có khoảng 1 nửa. Thế nên, nhiều thời điểm, khi tập chung cùng một sân, thầy và trò điền kinh Quảng Trị phải mượn nhờ lao của các VĐV thể thao người khuyết tật để tập luyện.
Trần Khánh - Hà Thào