Chờ San Siro sớm bùng nổ
Hai năm trước tại Lisbon, Diego Godin mở tỷ số cho Atletico Madrid ở phút 36. Lần này tại Milan, 30 phút đầu trận chung kết Champions League được chờ đợi sẽ không còn tĩnh lặng.
Điều thú vị ở đây là diễn biến của cuộc so tài trước đây giữa Real Madrid với Atletico Madrid tuân thủ khá chặt chẽ “nguyên tắc” của các trận chung kết Champions League trong thập niên qua: Có bàn thắng trong giai đoạn từ phút 30-45 và có bàn thắng ở 15 phút cuối trận, khi Sergio Ramos đánh đầu đưa “Kền kền trắng” quay về từ cõi chết.
Trên thực tế thì trong 10 năm trở lại đây, 15 phút cuối chính là thời điểm có nhiều bàn thắng nhất ở chung kết Champions League với 7/24 bàn, tỷ lệ đạt 29,2%. Còn với 5 bàn thắng, giai đoạn từ phút 30-45 đang đứng thứ 3 với tỷ lệ 20,9%, chỉ sau giai đoạn từ 60-75 phút có 6 bàn (25%). Trong khi ấy, các cột mốc khác có tỷ lệ bàn thắng tương đương nhau là 8,3%.
So sánh với xu thế ở các chung kết Champions League gần đây, Real Madrid có phần khác biệt: Trong 3 giai đoạn “Kền kền trắng” thường ghi bàn nhất, chỉ có từ phút 60-75 là tương ứng với “thói quen” của các đội đá chung kết khác với tỷ lệ 22,2%.
Hai giai đoạn khác mà các chân sút Real Madrid dễ “bùng nổ” nhất là từ phút 15-30 (cũng 22,2%) và 15 phút đầu hiệp 2 (25,9%). Ngoài ra, Real Madrid gần như không ghi bàn trong 15 phút đầu (3,7%), chứng tỏ họ nhập cuộc khá thận trọng, đồng thời ít khi ghi bàn ở 15 phút cuối hiệp (11,1% và 14,8%), cho thấy chủ sân Bernabeu không có thói quen “được ăn cả, ngã về không”.
Về phần Atletico Madrid, khác biệt của thầy trò Diego Simeone càng rõ so với xu thế chung: Thời điểm họ ghi bàn khiếp nhất là từ phút 15-30 với tỷ lệ 37,5%, còn khả năng ghi bàn ở các giai đoạn khác đều như nhau với cùng tỷ lệ 12,5%.
Từ đây có thể dự báo Milan 2016 dễ có bàn thắng sớm hơn so với Lisbon 2014, cụ thể là lưới hứa hẹn rung ngay từ 15-30 phút đầu. Ngoài ra, 30 phút đầu hiệp 2 cũng dễ có bàn thắng, nhưng bàn thắng hơi khó xảy ra trong 15 phút cuối, nghĩa là đội nào bị chọc thủng lưới trước khó có khả năng “lật bàn”.