Đã đến lúc ban hành Luật trừng trị cầu thủ ăn vạ!
Màn ăn vạ thô thiển của Pepe trong trận chung kết Champions League 2015/16 đặt ra nhu cầu bức thiết của một bộ luật trừng phạt các cầu thủ ăn vạ.
Gary Lineker đã không ngần ngại gọi Pepe là đồ khốn sau khi chứng kiến trung vệ Real Madrid ăn vạ một cách thô thiển trong 2 tình huống va chạm với Felipe Luis và Yannick Ferreira Carrasco ở chung kết Champions League. Pepe đã diễn xuất cực kỳ cảm xúc khi ôm mặt và lăn lộn một cách đau đớn như thể bị ai đó đấm vào mặt chứ không đơn giản là những cú vung tay nhẹ của Luis và Carrasco.
Video tình huống ăn vạ của Pepe ở chung kết Champions League
Mặc dù vậy, Pepe đã chẳng thể khiến cầu thủ nào của Atletico Madrid bị đuổi khỏi sân. Thậm chí, nếu trọng tài Mark Clattenburg tỏ ra nghiêm khắc hơn thì trung vệ Real Madrid đã phải đi tắm sớm từ phút thứ 79. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra và Pepe vẫn thoải mái hò hét, nhảy múa và chạy quanh sân vận động San Siro để ăn mừng chức vô địch Champions League, mặc kệ tất cả những lời chê bai, giễu cợt hành vi ăn vạ của anh ở trên mạng xã hội.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Pepe lại không ăn vạ khi mà hầu hết các trọng tài sẽ không rút thẻ đỏ với tình huống này khi nó xảy ra ở trận chung kết. Tệ nhất thì trung vệ Real Madrid cũng chỉ phải nhận một án phạt nguội và vắng mặt tại vài trận đầu tiên của Real Madrid trong mùa giải sau.
Rõ ràng, hình thức xử phạt đối với các tình huống ăn vạ như hiện tại chưa đủ sức răn đe các cầu thủ. bằng chứng là số lượng các tình huống ăn vạ ngày càng gia tăng với tính chất cũng ngày càng thô thiển, lộ liễu hơn. Ví dụ điển hình là trường hợp tiền vệ Bryan Carrasco của Tuyển Chile chủ động cầm tay đối thủ vả vào mặt mình rồi lăn ra ăn vạ tại giải U20 khu vực Nam Mỹ vào tháng 02/2011. Tính cho đến nay, tình huống này vẫn được xem là pha ăn vạ thô thiển nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Video tình huống ăn vạ của Carrasco tại giải U20 Nam Mỹ năm 2011
Nhưng làm thế nào mới có thể hạn chế các tình huống ăn vạ trên sân cỏ? Trước tiên hãy bắt đầu bằng cách phạt thật nặng để răn đe các cầu thủ ý thức được trách nhiệm với hành động của mình. Cụ thể, thay vì nhắc nhở hoặc phạt thẻ vàng, các trọng tài hoàn toàn có thể rút một thẻ đỏ trực tiếp cho các tình huống ăn vạ. Án phạt nguội cấm thi đấu khoảng 3-4 trận cùng số tiền phạt lên đến cả triệu euro cũng là một hình phạt sẽ khiến các cầu thủ phải e dè trước khi quyết định phạm lỗi.
Ngoài ra, trọng tài chính cũng có thể dùng biện pháp đe dọa để răn đe các cầu thủ chấm dứt ngay hành động ăn vạ. Thực tế là trọng tài chính không thể bao quát mọi tình huống trên sân. Trong trường hợp này, các trọng tài biên sẽ có vai trò cực lớn. Họ có nhiệm vụ quan sát những tình huống phạm lỗi tại khu vực được giao và báo cáo lại cho trọng tài chính.
Bởi vậy, khi một cầu thủ ăn vạ thì sẽ có 2 tình huống xảy ra. Một là trọng tài trực tiếp rút thẻ đuổi cầu thủ này, hai là rút thẻ vàng cảnh cáo cùng lời đe dọa rằng trọng tài biên đã nắm đầy đủ bằng chứng để đưa ra một án phạt nguội nặng hơn gấp bội nếu anh ta không chịu nhận lỗi và sửa chữa. Chắc chắn, biện pháp này sẽ khiến các cầu thủ sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi hành động.
Video 5 tình huống ăn vạ kinh điển trong lịch sử:
- Arjen Robben ăn vạ ở trận gặp Mexico tại vòng 1/8 World Cup 2014
- Torres ăn vạ ở trận gặp Chile tại vòng bảng World Cup 2010
- Rivaldo ăn vạ ở trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ tại bán kết World Cup 2002
- Juergen Klinsmann ăn vạ ở trận gặp Argentina tại chung kết World Cup 1990
- Gary Lineker ăn vạ ở trận gặp Cameroo tại tứ kết World Cup 1990