Bác sĩ chạy bộ, tập thể dục để có sức khỏe cứu người

thứ bảy 27-2-2021 7:56:26 +07:00 0 bình luận
Phong trào rèn luyện sức khỏe với các hoạt động thể dục thể thao, trong đó có chạy bộ, đang được những người thầy thuốc thực hiện hàng ngày để làm việc tốt hơn, cứu sống nhiều bệnh nhân…

Các hoạt động thể dục thể thao, trong đó có chạy bộ, đang trở thành một phần cuộc sống và công việc của những y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản lý, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về chủ đề này.

Webthethao.vn: Xin chào GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn. Là người đứng đầu bệnh viện đa khoa đầu ngành tại Việt Nam, chuyên điều trị và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, lại là một bác sĩ chuyên ngành tim mạch, ông đánh giá tầm quan trọng của việc chơi thể thao có ý nghĩa thế nào đối với sức khỏe nói chung?

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn: Vận động thể lực hay chơi thể thao hàng ngày là hoạt động vô cùng quan trọng, giúp chúng ta không chỉ có cơ thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn… mà còn giúp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim, bệnh đái tháo đường, tăng mỡ máu, kể cả ung thư… Chính vì thế, là một bác sĩ, chúng tôi có ý thức rõ hơn những người làm chuyên ngành khác về vấn đề sức khỏe.

Khi thăm khám các bệnh nhân, chúng tôi không chỉ đưa ra chế độ ăn uống lành mạnh mà còn khuyên họ về chế độ vận động thể lực phù hợp, một điều rất quan trọng trong cuộc sống.

"Bác sĩ cũng cần phải khỏe mạnh để có sức khám bệnh cứu người"

- Ngay chương 1 cuốn sách “Thay đổi lối sống - Bí quyết phòng chống các bệnh không lây nhiễm” ông đã phân tích tầm quan trọng của việc rèn luyện thân thể, trong đó có chạy bộ,  hoặc đi bộ mỗi ngày. Ông có thể chia sẻ với khán giả rõ hơn về ý nghĩa của các hoạt động thể chất, đặc biệt là chạy bộ trong việc thay đổi lối sống để phòng chống các bệnh không lây nhiễm? 

Theo học thuyết Darwin, qua hàng triệu năm, khi con người tiến hóa từ vượn người, từ đi bằng 4 chân rồi đến 2 chân thì cơ thể con người rất phù hợp với hoạt động đi bộ và chạy bộ.

Đi bộ và chạy bộ là những hoạt động dễ tập, đơn giản và ít tốn kém nhất. Chính vì vậy, tôi nghĩ đây là môn ai cũng có thể tập luyện được bởi nó không tốn quá nhiều thời gian, không đòi hỏi chi phí quá đắt đỏ, ngoài một đôi giày thể thao và một bộ quần áo. Chính vì thế, đi bộ và chạy bộ là hoạt động hết sức phổ thông và phù hợp với mọi người, tùy thuộc vào giới tính, thể lực và bệnh lý của mỗi người.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn tham gia chạy cự ly 5km Giải chạy Di sản Quốc tế Hà Nội 2020

- Cá nhân ông đã có những hoạt động nào để rèn luyện sức khỏe cho bản thân khi công việc rất bận rộn? 

Thật ra thì có rất nhiều người còn bận rộn hơn chúng tôi, nhưng họ vẫn bố trí được thời gian để tập thể thao. Ví dụ, nhiều chính trị gia như các tổng thống Hoa Kỳ chẳng hạn, họ vẫn dành thời gian để chơi golf hay như tổng thống Nga Putin vẫn thường xuyên chơi những môn thể thao mà ông yêu thích. Đó là nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người, không phải chỉ dành riêng cho những người nhàn nhã hay bận rộn… Vấn đề là mỗi người phải sắp xếp việc tập thể dục phù hợp với thời gian, thể lực và cả bệnh lý của mình.

- Đối với nhân viên của mình, ông đã khuyến khích họ đến với các hoạt động thể thao như thế nào? 

Ở bệnh viện Bạch Mai có rất nhiều hoạt động thể thao khác nhau như: phong trào chạy bộ, chơi cầu lông, đá bóng… Đặc biệt, bệnh viện chúng tôi có một số bác sĩ chạy marathon, chạy đường dài rất tốt, có tên tuổi trong cộng đồng yêu chạy bộ. Đây là những hạt nhân khuấy động phong trào tập thể thao cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của bệnh viện. 

Tuy vậy, do bệnh viện có rất đông nhân viên và các phòng ban nên bản thân mỗi người phải tự tìm cho mình một kế hoạch tập luyện phù hợp.

Các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai tranh thủ tập thể dục ngay tại nơi làm việc

- Được biết Bệnh viện Bạch Mai đang có chính sách khuyến khích cán bộ nhân viên bệnh viện sử dụng phương tiện công cộng, đi làm bằng xe đạp hay đi bộ nhiều hơn. Tại sao lại có chính này thưa ông? 

Một trong những ác cảm của bệnh nhân khi đến với bệnh viện Bạch Mai là việc hết chỗ để xe. Họ thường phải loay hoay rất lâu để tìm được chỗ gửi xe xa bệnh viện, khiến họ không hài lòng. Chính vì vậy, chúng tôi muốn có không gian để tạo ra chỗ gửi xe cho bệnh nhân bằng cách khuyến khích cán bộ công nhân viên của bệnh viện sử dụng phương tiện công cộng hay xe đạp đi làm, thay vì sử dụng ô tô, xe máy… Điều này không chỉ tạo ra nhiều chỗ để xe cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, mà còn làm giảm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường.

Đó cũng là cách chúng tôi khuyến khích nhân viên bệnh viện thay đổi lối sống, vận động nhiều hơn bằng việc đi bộ, giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn, làm việc hiệu quả hơn.

GS-TS Nguyễn Quang Tuấn khuyến khích cán bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai vận động nhiều hơn để có sức khỏe tốt phục vụ bệnh nhân

- Việc tập luyện thể thao của một bác sĩ có thuận lợi hơn so với những người bình thường không? Ông có lời khuyên gì cho mọi người về chế độ dinh dưỡng, cường độ luyện tập các môn thể thao?

Đúng là các bác sĩ thì có lợi thế hơn về lĩnh vực này bởi họ được đào tạo chuyên ngành nên sẽ hiểu về cơ thể, tâm sinh lý của con người hơn những người lĩnh vực khác. Tuy nhiên, những người thầy thuốc thường rất bận rộn nên việc tập thể thao thường xuyên, đều đặn mỗi ngày với họ là một khó khăn. Họ sẽ phải nỗ lực, sắp xếp thời gian eo hẹp của mình để có thể tập luyện.

Về cơ bản thì những người tập thể thao phải biết cách cân bằng giữa dinh dưỡng nạp vào cơ thể và năng lượng tiêu hao thông qua các hoạt động thể chất để tránh việc bị tăng cân, thừa cân hay thiếu cân so với thông số bình thường sinh lý. Chính vì vậy, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý là hết sức quan trọng.

Bệnh viện Bạch Mai có kế hoạch xây dựng một khu phức hợp thể thao để phục vụ cán bộ nhân viên tập luyện thể thao thường xuyên

- Được biết bệnh viện đang có kế hoạch xây dựng một khu phức hợp thể thao trong  khuôn viên. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch phát triển các hoạt động thể thao của bệnh viện thời gian tới?

Đây là ước mơ của tất cả các nhân viên y tế chúng tôi, nó là một phần của quy hoạch trong tương lai. Khu phức hợp thể thao này sẽ là nơi để cán bộ nhân viên bệnh viện tập luyện mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, đó sẽ là điều kiện thúc đẩy việc tập luyện thể thao, nâng cao thể lực của cán bộ y tế trở nên thường xuyên hơn.

- Trong năm 2020, ông cùng 1000 cán bộ nhân viên, người thân… tham gia giải chạy marathon Di sản Quốc tế Hà Nội. Xuất phát từ đâu lại có ý tưởng này?

Thực ra, trước đây chúng tôi đã có phong trào tập luyện và chạy bộ rồi, nhưng đó là giải đấu đầu tiên mà cán bộ công nhân viên của bệnh viện và người thân của họ tham gia một cách quy mô và đông đảo như vậy. Đây không chỉ là một hoạt động thể thao thông thường, mà còn là hoạt động để các nhân viên gắn kết hơn. Bởi khi đi chạy cùng những người thân trong gia đình, các cán bộ nhân viên sẽ có cảm giác bệnh viện là một gia đình lớn, từ đó thông cảm, thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Trong năm 2021, chúng tôi hy vọng có thể tăng gấp đôi số lượng tham gia giải chạy này lên con số khoảng 2000 người.

Cán bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai cùng người thân tham dự giải chạy để gắn kết hơn như một gia đình

- Hiện tại, dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống. Theo ông, người chạy bộ cần lưu ý gì khi tập luyện và tham gia các giải chạy đông người?

Chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Cần tránh luyện tập chỗ đông người. Còn khi tổ chức giải chạy đông người thì cần áp dụng xét nghiệm Sars-Cov-2 cho tất cả các VĐV.

Theo chính sách mới, Bệnh viện Bạch Mai dự kiến tặng cho tất cả nhân viên y tế 500.000 đồng mỗi tháng nếu đi xe đạp hay sử dụng phương tiện công cộng đi làm. Những người đi xe máy sẽ không được nhận khoản tiền hỗ trợ này. Riêng những người đi ô tô đi làm còn phải đóng 1 triệu đồng/tháng. Điều này không chỉ tạo thói quen vận động nhiều hơn cho các cán bộ nhân viên bệnh viện, mà còn tạo ra nhiều chỗ gửi xe hơn cho bệnh nhân.

Bệnh viện Bạch Mai có khá nhiều bác sĩ chạy bộ rất tốt, có tên tuổi như bác sĩ tim mạch Đinh Linh, người từng đạt chuẩn tham dự Boston Marathon, cùng khá nhiều gương mặt đã từng hoàn thành chạy 21km, 10km. 

Trong dịp bị cách ly do dịch COVID-19 từ 28/3-12/4/2020, các cán bộ nhân viên bệnh viện Bạch Mai rất tích cực tập luyện thể thao như chạy bộ, chơi cầu lông… ngay trong phòng làm việc hay khuôn viên bệnh viện để duy trì sức khỏe.

Bệnh viện Bạch Mai cũng là đơn vị nhận được ủng hộ của chương trình “Xin Cảm Ơn” mà webthethao.vn phối hợp với nhiều đơn vị dưới sự kêu gọi của các VĐV thể thao để tiếp sức cho những y bác sĩ đầu chiến tuyến chống chọi với dịch COVID-19 trong năm 2020.

Khang Vinh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội