Lý do thành công của các VĐV điền kinh châu Phi
Hơn 2.000 VĐV từ 201 quốc gia dự tranh cho những tấm huy chương điền kinh Olympic, nhưng trên đường chạy, cuộc đua gần như chỉ đến từ những VĐV tới từ châu Phi.
Trong những kỳ Olympic gần đây, nội dung chạy cự ly trung bình và dài luôn là mỏ vàng của các VĐV tới từ Kenya, Ethiopia hoặc có xuất xứ từ châu Phi. ĐKVĐ cự ly 10.000m Mo Farah mang quốc tịch Anh, nhưng sinh ra và sống thời nhỏ tại Somalia.
Vì sao những VĐV châu Phi nói chung, đặc biệt là khu vực Đông Phi lại đặc biệt xuất sắc ở những cự ly chạy của môn điền kinh? Nhiều ý kiến cho rằng, người châu Phi sở hữu một đặc điểm đặc biệt nào đó trong bộ gen.
Đây là giả thuyết đầy logic nếu nhìn vào số lượng huy chương Olympic mà các VĐV châu Phi đã giành được liên tục suốt thời gian qua, nhất là khi họ không có điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho tập luyện.
Trong vòng 15 năm qua, vô số những nghiên cứu của các nhà khoa học được thực hiện để trả lời cho câu hỏi này. Nhưng nhìn chung, chưa có nghiên cứu nào xác định được đặc điểm cụ thể trong bộ gen của người châu Phi, ngoại trừ một vài bằng chứng chỉ ra một số đặc điểm khác biệt về cấu tạo cơ thể như dáng người mảnh khảnh, gân bắp chân có khả năng đàn hồi lớn giúp họ tăng hiệu suất và tốc độ chạy.
Rõ ràng yếu tố tạo nên những VĐV điền kinh hàng đầu phức tạp hơn thế nhiều, không chỉ bởi một gen trội nào đó trong cơ thể. Mới đây nhất, một nhóm các nhà di truyền ở Đại học Glasgow, Scotland đề xuất giả thiết bộ gen của những VĐV điền kinh thành công nhất là sự kết hợp, ảnh hưởng lẫn nhau bởi nhiều đặc điểm gen khác nhau.
Trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu cuối cùng về mức độ tác động của gen, một nguyên nhân khác được đưa ra để lý giải là việc VĐV từ châu Phi thường phải đi bộ hoặc chạy những quãng đường xa từ khi còn nhỏ. Những câu chuyện về các VĐV từ Ethiopia, Jamaica hay Kenya cuốc bộ đi học 5 đến 20km đã trở nên quen thuộc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học ở vùng Bắc Âu đã chứng minh rằng việc tập luyện từ sớm không đem lại lợi thế quá nhiều cho các VĐV châu Phi. Báo cáo cho thấy các VĐV Bắc Âu có VO2max (lượng oxy tối đa mà cơ thể có thể nạp và tiêu thu trong một phút) không hề thua kém những đồng nghiệp châu Phi. Nói cách khác, mức độ sung sức của các VĐV châu Phi không phải là sự khác biệt.
Vậy sự khác biệt nằm ở đâu? Các nhà khoa học tin rằng độ cao là một phần câu trả lời. Nhiều VĐV điền kinh nổi tiếng của Kenya và Ethiopia sinh ra và lớn lên ở khu vực có độ cao 2.000-2.500m so với mực nước biển. Điều này giúp họ cải thiện lượng haemoglobin (là một protein trong máu giúp vận chuyển oxy tới khắp bộ phận cơ thể) và haematocrit (dung tích hồng cầu), dẫn đến khả năng làm việc của cơ bắp sẽ tốt hơn.
Không chỉ vậy, các VĐV Đông Phi còn có khả năng tập luyện với cường độ lớn ở độ cao này. Iten và Addis Ababa – hai trung tâm tập luyện chính của các VĐV Kenya và Ethiopia – được đặt ở độ cao khoảng 2.400m so với mực nước biển.
Chính việc tập luyện trong điều kiện vất vả như vậy giúp các VĐV châu Phi thích ứng với việc chạy nhanh và bền mà không giải phóng nhiều axit lactic gây mệt mỏi, góp phần nâng cao đáng kể hiệu suất chạy.
Sẽ còn nhiều những nghiên cứu nữa được thực hiện song cho đến lúc này, có thể nhận thấy 2 nhân tốt góp phần quan trọng tạo nên thành công của các VĐV châu Phi đến từ sự đặc biệt về cơ sinh học cũng như khả năng rèn luyện trong điều kiện khó khăn.