Quách Công Lịch và Quách Thị Lan: Làm anh khó lắm phải đâu chuyện đùa
Cùng lớn lên từ mảnh đất xứ Mường
Quách Công Lịch sinh năm 1993 và chỉ hơn em gái Quách Thị Lan 2 tuổi. Với độ tuổi sàn sàn nhau như vậy, Lịch - Lan thân và hợp nhau cũng không có gì lạ. Sinh ra tại huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa), anh em Lịch Lan là dân tộc Mường chính hiệu. Tuổi thơ của hai anh em gắn liền với đồng ruộng, rau cá…
Với tố chất hình thể cao lớn, cả hai anh em nhanh chóng bén duyên với thể thao. Với Lan, năm học lớp 10 trường phổ thông dân tộc nội trú Ngọc Lặc đánh dấu bước ngoặt về sự nghiệp thể thao khi được các nhà tuyển trạch của Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Thanh Hóa để mắt tới do có thành tích tốt tại một số giải thể thao dành cho học sinh trung học.
Hai anh em Quách Công Lịch (ảnh trên) và Quách Thị Lan cách nhau 2 tuổi nên rất thân thiết
Lịch Lan bắt đầu những ngày sống xa nhà và dần quen với việc anh em tự lo cho nhau. Một thập kỷ đến với điền kinh là quãng thời gian anh em Lịch Lan thân nhau như hình với bóng. “Cả hai anh em cùng xa nhà từ lúc còn nhỏ nên luôn thân thiết, gần gũi, giúp đỡ nhau trong tập luyện và cũng để quên bớt nỗi nhớ nhà, tập trung vào việc nâng cao thành tích” - Quách Công Lịch nói.
Những dấu mốc trong sự nghiệp của Lịch Lan
10 năm đến với thể thao là quãng thời gian nhiều thăng trầm với anh em họ Quách. Đều không xuất thân từ việc tập chạy (người nhảy cao, người nhảy sào), cả Lịch và Lan giờ đây đều đã là những nhân tố quan trọng của tuyển điền kinh Việt Nam ở các nội dung thi đấu có cự ly 400m.
Quách Công Lịch được coi là "soái ca làng điền kinh" khi sở hữu vóc dáng chuẩn, nam tính
Tại Giải điền kinh Vô địch quốc gia 2012, anh em Quách Công Lịch - Quách Thị Lan gây ấn tượng mạnh khi cùng giành huy chương vàng: 400m của Lịch và 400m rào của Lan. Hai anh em bắt đầu trở thành tuyển thủ quốc gia từ đó và hầu hết thời gian ăn tập đều ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn (Hà Nội).
Trong khi Lan đoạt nhiều thành tích đáng chú ý như: HCB 400m ASIAD 2014, HCV 400m rào ASIAD 2018, 2 HCV 4x400m tiếp sức SEA Games 28-29… cùng các giải điền kinh châu Á, vô địch quốc gia… thì Lịch khiêm tốn hơn khi chỉ có HCB SEA Games, thi đấu không thành công tại ASIAD 2018 vì chấn thương.
Quách Thị Lan đang là một trong những vận động viên trọng điểm của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30
Dù vậy, thành tích HCB 400m rào ở SEA Games 28 (Singapore 2015) với Lịch rất quan trọng bởi thời điểm anh đó Lịch chỉ về sau một vận động viên nhập tịch, còn thành tích đó phá kỷ lục quốc gia. Tấm HCB 400m cùng năm đó cũng rất đáng chú ý khi phá kỷ lục SEA Games, nhưng lại kém VĐV người Thái Lan giành HCV đúng 0,002 giây…
Không ngại làm “cái bóng” của em
Kể từ khi gia nhập “thánh địa Nhổn”, anh em Lịch Lan dường như lúc nào cũng có nhau. Dù có người nói rằng “anh trai thua kém em gái nhiều”, nhưng đó chưa bao giờ là vấn đề lớn đáng quan tâm với Quách Công Lịch.
Quách Công Lịch trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp nhưng vẫn cố gắng giữ phong độ để đủ điều kiện tham dự SEA Games 30
“Việc tôi và Lan ai có thành tích hơn không hề quan trọng bởi hai anh em đều là người một nhà và đều thi đấu mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Đó còn là sự tự hào cho gia đình nữa nên lúc nào cả hai anh em cũng động viên nhau cố gắng hết sức mình có thể.
Để có thể duy trì đến tận bây giờ thì lúc nào hai anh em cũng động viên nhau những lúc một trong hai người hoặc cả hai trong lúc chấn thương và gặp nhiều áp lực nhất, để vượt qua và cố gắng làm lại những thứ chưa làm được…” - Lịch tâm sự.
Theo huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, kể từ tháng 4/2018 đến nay, khi gia nhập tổ 400m, Lịch đã giúp đỡ Lan rất nhiều trong việc tập luyện. Lịch không chỉ tập một mình mà còn trở thành người dẫn tốc để em gái đạt được tốc độ yêu cầu. Cả hai anh em cùng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chạy, cách ăn uống, ngủ nghỉ cho hợp lý đến cả những lúc tâm sự, thủ thỉ chuyện cuộc sống…
Quách Thị Lan (phải) đang tập luyện tại Trung tâm Thể thao quốc gia Nhổn để chuẩn bị cho SEA Games 30
Chuyện cũ bỏ qua, hướng về mục tiêu phía trước
SEA Games 2015 tại Singapore cũng là kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên của Lịch nhưng đều hụt HCV. Lịch đến với ASIAD 2018 ở Indonesia với bao kỳ vọng nhưng sớm dính chấn thương ở lượt chạy bán kết và không có thành tích như mong muốn. Thời điểm đó, chàng soái ca điền kinh từng nghĩ đến chuyện giải nghệ.
“Năm 2018 khi lần đầu tiên dự ASIAD, tôi gặp chấn thương lúc thi đấu. Chấn thương cứ lặp đi lặp lại tới 4 lần chỉ trong vòng 2 tháng nên lúc đó tôi cũng có ý định sẽ nghỉ tập vì không theo được. Nhưng gia đình và bạn bè, đặc biệt là em gái động viên, nên tôi đã làm lại. Và có thể trở lại được như bây giờ, tôi thấy đó là điều quá tốt vì sự nỗ lực và cố gắng của tôi đã được đền đáp, mặc dù chưa thể lấy lại được phong độ như lúc trước” - Lịch cho biết.
Quách Công Lịch không chỉ giúp em gái Quách Thị Lan trong tập luyện, cuộc sống... mà còn là "đầu tàu" cho các đồng nghiệp tổ chạy 400m
Ở giải Vô địch quốc gia 2019 tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 9, Lịch giành HCV nội dung 400m rào, nhưng lại thất bại ở cự ly 400m. “Giải vô địch quốc gia 2019 cũng là cột mốc đáng quên của tôi khi lần đầu tiên kể từ khi chạy 400m năm 2012, tôi không giành được HCV. Sau chấn thương nặng, cơ thể chưa đảm bảo được thể lực và sức chịu đựng của cơ bắp để thi đấu tốt được cả hai cự ly như lúc tốt nhất…” - Lịch chia sẻ.
Hiện tại, Lịch vẫn đang tập trung tối đa cho sân chơi SEA Games 30 và hướng tới mục tiêu cao hơn là giành HCV SEA Games mà mình chưa có được. Với hai cự ly 400m rào và 4x400m đang chờ đợi ở Philippines cuối năm nay, Lịch còn nhiều việc phải làm.
Được cùng nhau tập luyện, thi đấu và chinh phục các mục tiêu lớn là niềm vui của anh em Quách Công Lịch - Quách Thị Lan
“Vẫn được tập luyện tại Nhổn, đi thi đấu SEA Games cùng nhau… là hai anh em tôi mừng rồi. Chứ nhớ năm 2016 khi hai anh em đi Mỹ tập huấn 1 năm, năm đầu tiên hai anh em không được ăn Tết cùng gia và đón Tết trên đất khách… thật sự nhớ nhà da diết” - Lịch chia sẻ.
Môn điền kinh SEA Games 30 tại Philippines sẽ diễn ra trong 5 ngày (6-10/12/2019) tại sân vận động New Clark City với 48 nội dung. Đoàn Việt Nam tham dự với 46 vận động viên, đặt mục tiêu giành từ 13 huy chương vàng trở lên. |
>>>Xem thêm: