Thảm cảnh phía sau kỳ tích điền kinh Việt Nam - Kỳ 2:  Những tấm HCV “rẻ” nhất thế giới

thứ ba 22-9-2020 9:20:42 +07:00 0 bình luận
“Nữ hoàng nhảy xa” Thu Thảo đoạt tấm HCV ASIAD lịch sử với khoản kinh phí cho xuất ngoại tập huấn chưa đến 200 triệu đồng. Trước khi đoạt HCB SEA Games 30, tài năng trẻ số 1 Trung Cường chưa từng biết đến tập huấn nước ngoài nào. Tổng kinh phí đầu tư mà cả bộ môn điền kinh nhận được mỗi năm thua một mình kình ngư Ánh Viên.

Giành Vàng ASIAD với mức 200 triệu đồng “gây sốc”  

Tại ASIAD 2018, tuyển thủ điền kinh Bùi Thị Thu Thảo đã đoạt tấm HCV lịch sử cho TTVN ở nội dung nhảy xa nữ. Một chiến tích xứng đáng, thuyết phục, mang dấu ấn của đẳng cấp thực sự. Các đối thủ của Thảo, hay những chuyên gia có thói quen so sánh giữa đầu tư với kết quả, chắc hẳn sẽ phải kinh ngạc nếu biết rằng ngôi sao số 1 này đã tập huấn, thi đấu, cọ xát, chuẩn bị cho đại hội theo cách riêng biệt, với mức kinh phí khiêm tốn đến mức khó tin.

Thay vì ở các trung tâm thể thao hàng đầu với sự hỗ trợ tốt nhất, trong suốt quá trình chuẩn bị thì Thu Thảo lại chỉ tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Nhổn, dưới sự dẫn dắt của thầy nội và chỉ có khoảng 2 tuần sang Côn Minh Trung Quốc tập huấn để thay đổi không khí. Kể từ đầu năm 2018, Thảo cũng chỉ thi đấu đúng 2 giải quốc tế cùng 1 giải quốc nội.

Theo tính toán, nếu không tính các khoản cứng như tiền công, tiền ăn, trang thiết bị dụng cụ… thì tính ra đầu tư cho “cô gái Vàng” này chưa đến 200 triệu đồng. Và tấm HCV của Thảo chắc chắn là chiến tích “rẻ” nhất tại ASIAD 2018.

Nữ hoàng nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo giành HCV ASIAD 2018

Thảo đã chiến thắng nhờ tài năng, ý chí, bản lĩnh và khát khao chứ không phải nhờ sự khác biệt đầu tư cho một VĐV chuyên nghiệp thi đấu đỉnh cao. 

Như lý giải thì chính Thu Thảo đã chọn lựa không tập huấn ở Mỹ hay Nhật Bản, và lãnh đạo phải tôn trọng, chứ nếu cần sẽ được đáp ứng. Với riêng trường hợp quá đặc biệt của Thảo, điều đó có thể đúng, và đã giúp những người có trách nhiệm không phải đau đầu chuyện kinh phí. Đơn giản vì để có một chuyến tập huấn tại Mỹ hay Nhật vài tháng cho Thảo, có khi mất quá nửa số kinh phí bộ môn điền kinh được cấp. 

Tài năng trẻ số 1 chưa từng tập huấn nước ngoài 

Nguyễn Trung Cường đang là một tài năng như thế, khi làm sửng sốt cho không chỉ giới chuyên môn Việt Nam mà cả châu lục, bởi những bước thăng tiến ngoạn mục ở nội dung “siêu khó”- 3.000 m vượt chướng ngại vật. Sau khi xuất sắc giành tấm HCĐ Giải vô địch châu Á, “chân chạy” quê Hà Tĩnh còn bất ngờ lọt vào tới chung kết, đứng hạng 11 giải U20 thế giới, đứng đầu châu Á. Đáng nói hơn, thông số thành tích 9 phút 04 giây 38 của Cường còn phá kỷ lục quốc gia tồn tại 14 năm, đồng thời áp sát mức HCV SEA Games 29.  Và trên thực tế, đến SEA Games 30, Cường đã đoạt HCB, mà nói chính xác hơn anh đã để vuột ngôi đầu chỉ do thiếu kinh nghiệm thi đấu.

Nguyễn Trung Cường (trái) tập luyện tại đại bản doanh Nhổn

Nhìn lại hành trình khó tin của Trung Cường, mới thấy rõ chuyện đầu tư cho các tài năng trẻ của điền kinh Việt thảm như thế nào. Ngay cả khi “viên ngọc thô” được giới thiệu lên ĐTQG, liên tục tạo nên những bước thăng tiến hiếm có, thì Cường cũng chỉ được nhìn nhận, chăm lo một cách vô cùng hời hợt. Điều may mắn duy nhất của Cường chỉ là được dẫn dắt bởi HLV giỏi, được tập luyện bên cạnh một ngôi sao như Nguyễn Thị Oanh. Cường chưa từng biết đến tập huấn nước ngoài, cả dài lẫn ngắn hạn. Cường cũng chưa từng dự tranh một giải nào theo kiểu cọ xát, mà chỉ thi đấu một vài giải chính thức.

Thế nên, điền kinh Việt Nam chẳng thể mừng khi không cần đầu tư gì mà vẫn có một tài năng trẻ tầm cỡ châu lục, xếp hạng 11 thế giới như Cường. Thay vào đó, chúng ta phải tự vấn: Nếu được đầu tư đúng quy trình, chuẩn quốc tế, Cường có thể còn tiến xa tới đâu?

Nguyễn Trung Cường chưa từng được đi tập huấn nước ngoài

Kinh phí cho cả môn “nữ hoàng” kém một mình Ánh Viên 

“Nữ hoàng nhảy xa” Thu Thảo hay tài năng trẻ đặc biệt Trung Cường chỉ là hai điển hình trong hàng loạt gương mặt xuất sắc của điền kinh Việt Nam đang phải gồng mình vượt khó chịu khổ trong một mặt bằng chung đầu tư thấp đến mức khó tin cho môn “nữ hoàng”. 

Từ nhiều năm qua, điền kinh luôn là môn duy trì việc tập huấn các tuyển thủ quốc gia và tuyển thủ trẻ quốc gia với số lượng đông nhất trong các môn (70-90 người). Đây cũng là ĐTQG dự tranh SEA Games và ASIAD với số lượng nhiều nhất, đơn cử SEA Games 30 là 40 tuyển thủ. 

Thế nhưng một nghịch lý có thật, tổng kinh phí mà bộ môn điền kinh nhận được từ ngành thể thao mỗi năm cho tất cả các hoạt động xuất ngoại tập huấn thi đấu chỉ 120 đến 140 nghìn USD. So sánh đơn giản, số kinh phí này kém mức đầu tư cho một mình kình ngư Ánh Viên trong một năm tập huấn tại Mỹ (160- 180 nghìn USD), chỉ ngang và thua nhiều môn có số lượng tuyển thủ ít hơn, và đáng nói hơn chỉ tiêu thành tích thấp hơn nhiều. Xét ở mặt khả năng gánh vác và thành tích cụ thể, đây là một sự bất công cực lớn cho điền kinh Việt Nam. Một môn đoạt 16-17 HCV, chiếm 1/4  tổng thành tích của cả đoàn TTVN tại SEA Games không có lý do gì để được đầu tư ngang với một môn chỉ đoạt 2-3, thậm chí không có HCV nào.

Bùi Thị Thu Thảo từng giành giải Nữ VĐV của năm tại Cúp Chiến thắng

Với số lượng tuyển thủ đông và khoản kinh phí đầu tư thấp như thế, những người làm điền kinh Việt Nam, không còn cách nào khác đành phải chọn cách cố gắng ưu tiên cho một số tuyển thủ trọng điểm ở mức hợp lý, hiệu quả nhất có thể. Những Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan cũng chỉ được dự tranh một vài giải chính thức trong hệ thống, kèm theo một hai chuyến tập huấn nước ngoài “giá rẻ” chủ yếu để thay đổi không khí, tạo động lực. Và dĩ nhiên, đối tượng chịu thiệt thòi nhất ở đây chính là các tuyển thủ trẻ, kể cả các tài năng đặc biệt như Trung Cường. 

Chuyện kinh phí của điền kinh Việt Nam càng trở nên bức bách với sự yếu kém trong xã hội hóa, vận động tài trợ, rõ nhất với vai trò mờ nhạt của Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. 

Trong hai thập kỷ trở lại đây, điền kinh chính là  môn có tổ chức phát triển đỉnh cao nhanh và vững nhất của thể thao Việt Nam. Chính sự thắng tiến ngoạn mục của môn cơ bản số 1 này đã góp phần quan trọng bậc nhất cho sự thay đổi về cả nền tảng, diện mạo cho cả nền thể thao. Chỉ có điều, nếu mặt bằng chung đầu tư cứ thảm như hiện tại, cụ thể  là mức kinh phí thấp đến mức khó tin từ nhà nước và nguồn xã hội hóa tiếp tục bất động, điền kinh Việt Nam sẽ khó duy trì tầm mức hiện tại chứ chưa nói đến đột phá. 

Đón đọc kỳ 3: Kinh phí mới đáp ứng phân nửa “phần ngọn”

Sỹ Minh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội