Tokyo Marathon: Wilson Kipsang trượt KLTG với ADIDAS adizero sub2
Wilson Kipsang đã thất bại trong nỗ lực phá KLTG tại Tokyo Marathon, giải chạy diễn ra sớm nhất năm 2017 trong hệ thống 6 giải marathon lớn nhất thế giới (6 World Marathon Majors).
VĐV người Kenya hoàn thành quãng đường 42,195km sau 2 giờ 03 phút 58 giây, lập kỷ lục giải mới. Đây là lần thứ 4 trong sự nghiệp, Kipsang chạy marathon dưới 2 giờ 04 phút (nhiều nhất trong số các VĐV).
Wilson Kipsang (Kenya, sinh năm 1982)
HCĐ marathon Olympic 2012
Từng lập KLTG tại Berlin Marathon 2013 (2:03:23).
Trước ngày diễn ra giải chạy, Kipsang được dự báo là người có thể phá kỷ lục thế giới hiện đang do Dennis Kimetto (2 giờ 02 phút 57 giây) nắm giữ. VĐV người Kenya cũng tự đặt mục tiêu cho riêng mình sẽ hoàn thành marathon trong 2 giờ 02 phút 50 giây, nhanh hơn KLTG 7 giây nếu thành công.
Trên gần 3/4 quãng đường, Kipsang giữ nhịp rất tốt. Ở mốc 30km, Kipsang cùng Dickson Chumba (nhà cựu VĐ Tokyo Marathon 2014) chạy nhanh hơn Kimetto ở Berlin 2014 tới 10 giây. Nhưng hi vọng lập KLTG đã tiêu tan ở 10km cuối khi Kipsang không thể duy trì sức mạnh như ban đầu.
Thành tích của Kipsang lần này còn thua thành tích mà anh lập được tại Berlin Marathon 2016, giải mà anh giành giải nhỉ với thời gian 2 giờ 03 phút 13 giây.
Kipsang hiện nắm trong tay chức vô địch của 4 giải “Big 6” (Tokyo, Berlin, London và New York). Anh có tham vọng thắng nốt 2 giải còn lại (Chicago và Boston) để hoàn thiện bộ sưu tập trước khi từ giã sự nghiệp.
Điều kiện thời tiết tại Tokyo Marathon trong ngày Chủ nhật được cho là lý tưởng (tốc độ gió dưới 16km/h, nhiệt độ khoảng 16 độ C). Tuy nhiên, Kipsang lại cho rằng tốc độ gió đã cản trở khiến anh không thể chạy nhanh như dự kiến.
Hiroto Inoue là nam VĐV chủ nhà có thành tích tốt nhất với hạng 8 (2 giờ 08 phút 22 giây).
Kết quả Top 10 Nam
1 Wilson KIPSANG 2:03:58
2 Gideon KIPKETER 2:05:51
3 Dickson CHUMBA 2:06:25
4 Evans CHEBET 2:06:42
5 Alfers LAGAT 2:07:39
6 Bernard Kiprop KIPYEGO 2:08:10
7 Yohanes GHEBREGERGISH 2:08:14
8 Hiroto INOUE 2:08:22
9 Tsegaye KEBEDE 2:08:45
10 Hiroyuki YAMAMOTO 2:09:12
Ở mùa giải 2017, BTC Tokyo Marathon đã thay đổi cung đường chạy theo hướng phẳng hơn, tạo điều kiện để VĐV đạt thành tích tốt hơn. Các VĐV sẽ vượt con dốc ở đoạn giữa thay vì phải đối mặt ở đoạn cuối đường đua khi sức lực đã bị bào mòn.
Ở nội dung nữ, Sarah Chepchirchir bước lên bục vinh quang với thời gian 2 giờ 19 phút 47 giây. Thành tích này giúp VĐV 32 tuổi trở thành nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử của giải chạy dưới mốc 2 giờ 20 phút. Đây mới là giải marathon thứ 3 trong sự nghiệp và là giải “Big 6” đầu tiên của nữ VĐV người Kenya.
Kết quả Top 10 Nữ
1 Sarah Chepchirchir KEN 2:19:47
2 Birhane Dibaba ETH 2:21:19
3 Amane Gobena ETH 2:23:09
4 Ayaka Fujimoto JPN 2:27:08
5 Marta Lema ETH 2:27:37
6 Sara Hall USA 2:28:26
7 Madoka Nakano JPN 2:33:00
8 Kotomi Takayama JPN 2:34:44
9 Hiroko Yoshitomi JPN 2:35:11
10 Mitsuko Ino JPN 2:39:33
Sarah Chepchirchir ngày càng "chín" qua từng giải marathon mà cô tham gia, từ Hamburg (2:30:08 2016), Lisbon (2:24:13 2016) đến Tokyo 2017.
Ayaka Fujimoto, VĐV chủ nhà mới 20 tuổi, đã ra mắt ấn tượng trong lần đầu tiên tham dự giải khi giành hạng 4 với thời gian 2 giờ 27 phút 08 giây.
Cũng như các giải “Big 6” khác, tỉ lệ chọi để có 1 tấm vé tham dự Tokyo Marathon rất gay gắt. Ở mùa giải 2015, gần 310.000 đăng ký trong khi số lượng VĐV tối đa cho phép chỉ có khoảng 30.000 người.
Để đăng ký hạng Elite, các VĐV cần thành tích tối thiểu: FM (2:23), HM (1:01:30), 10km (28:10) đối với nam, FM (2:54), HM (1:11), 10km (32:10) đối với nữ.
Giải Tokyo Marathon chính thức đầu tiên diễn ra vào năm 2007.
Dự án marathon Sub2: còn nhiều thách thức
Kipsang chinh phục KLTG ở Tokyo Marathon 2017 với mẫu giày đặc biệt nhất Sub2 của adidas. Mẫu giày này là một phần trong trong cuộc đua tốn kém giữa adidas và Nike nhằm trở thành hãng giày đầu tiên giúp VĐV chinh phục marathon dưới 2 giờ.
Adizero Sub2 áp dụng công nghệ mới của adidas như Boost Light, Microfit giúp giảm mức độ ảnh hưởng của lực tác động lên bàn chân, giày ôm, vừa chân giúp bàn chân thoải mái hơn khi chạy.
Theo adidas, trọng lượng mẫu giày này đã giảm được 100g (giày mà Kipsang sử dụng chạy ở Tokyo Marathon chỉ nặng khoảng 150g), giúp VĐV tiết kiệm được 1% hiệu năng. Tuy nhiên, với những gì mà Kipsang đã thể hiện, dự án Sub2 vẫn sẽ là một thách thức rất lớn dành cho adidas và Nike.