Vì sao Việt Nam không có nổi một trọng tài điền kinh quốc tế?
Tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, điền kinh Việt Nam ít nhiều đã có chỗ đứng riêng. Hai kỳ SEA Games vừa qua (29 và 30), điền kinh Việt Nam đều nhất toàn đoàn, xếp trên các đoàn mạnh như Thái Lan, Philippines, Malaysia…
Ở đấu trường châu Á, điền kinh Việt Nam cũng đã có những vận động viên giành huy chương vàng như Quách Thị Lan (chạy 400m), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa)… Nhưng xét về một lĩnh vực khác: trọng tài điền kinh thì Việt Nam vẫn chỉ ở mức “chơi trong nước”.
Trọng tài điền kinh là gì?
Cũng giống nhiều môn thể thao khác, trọng tài điền kinh là những người có hiểu biết, trách nhiệm và thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến thi đấu như: vận hành bộ máy tổ chức thi đấu bộ môn, xác định cự ly chuẩn, tính giờ chuẩn, ra quyết định cuối cùng nếu có khiếu nại, công nhận hay hủy bỏ kết quả thi đấu của vận động viên…
Theo luật điền kinh quốc tế thì ngoài trọng tài chính, còn có các trợ lý để làm các công việc liên quan như: quản lý vận động viên, sắp xếp vị trí tại vạch xuất phát, giám sát quá trình thi đấu của vận động viên, vận hành máy móc, đo đạc hướng gió…
Trọng tài có quyền truất quyền thi đấu của một hay nhiều vận động viên nếu phạm luật, có thể tạm dừng, hoãn nội dung nếu điều kiện ngoại cảnh không cho phép, quyết định công nhận hay hủy kết quả thi đấu, giải quyết các khiếu kiện nếu có…
Thực trạng trọng tài điền kinh Việt Nam
Hiện tại, công tác trọng tài được quản lý và vận hành bởi Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Thông thường, hàng năm, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo trọng tài, giám sát làm việc tại các sự kiện điền kinh trong nước. Tuy nhiên, vẫn chưa có trọng tài nào được cấp bằng quốc tế. Vì sao?
Ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao, cho biết: “Để trở thành một trọng tài quốc tế thì vấn đề đầu tiên phải là ngoại ngữ, mà cụ thể ở đây là tiếng Anh. Trọng tài ngoài chuyên môn thì phải nói được ngoại ngữ. Và đây chính là điểm còn thiếu khiến Việt Nam vẫn chưa có trọng tài điền kinh cấp quốc tế.
Thứ hai, muốn trở thành trọng tài quốc tế thì phải có sân chơi để làm việc, điều hành và tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm gì có trọng tài đạt đến trình độ này. Vẫn có một vài người được các giải quốc tế mời nhưng thực chất chỉ là làm những việc có liên quan như quản lý vận động viên, kiểm tra số đeo… chứ chưa được làm những việc đúng chất của trọng tài…”
Ông Thủy cho biết thêm, cách đây 17 năm, khi Việt Nam đăng cai SEA Games 2003, ông đã từng trực tiếp đứng lớp giảng dạy hai lớp về trọng tài, giám sát điền kinh bên Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) và lúc đó cũng chọn ra được 40-50 người đủ tiêu chuẩn làm việc tại các sự kiện điền kinh, chứ thực chất không phải là trọng tài điều hành sự kiện…
Cũng theo ông Dương Đức Thủy, việc đào tạo, huấn luyện trọng tài điền kinh Việt Nam vẫn được tổ chức, tuy nhiên chỉ theo dạng “gọi là có” chứ để đạt đến trình độ quốc tế thì còn xa. Hiện một số giải điền kinh tại Việt Nam vẫn áp dụng cách tính thời gian bằng bấm đồng hồ tay, ghi chép, đếm vòng chạy vẫn rất thủ công. Ngoài ra, công tác đo đạc để xác định đường chạy cũng vẫn chưa có máy móc hiện đại để đảm bảo đúng chuẩn…
Bao giờ thì Việt Nam có trọng tài điền kinh quốc tế?
Đây quả thực là câu hỏi khó trả lời. Với những người đã có tuổi thì ngoại ngữ luôn là cản trở. Không có khả năng sử dụng tiếng Anh, các trọng tài Việt Nam cũng mất đi cơ hội tham gia các khóa đào tạo quốc tế và từ đó không có cơ hội nhận chứng chỉ. Việc thiếu sân chơi để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cũng khiến các trọng tài Việt Nam không được làm việc ở những giải đấu lớn.
“Nhiều năm nay, dẫn quân đi thi đấu vẫn chỉ có tôi và các huấn luyện viên. Từ vị trí trưởng đoàn, tôi kiêm nhiệm luôn cả công tác khiếu kiện nếu có. Nếu không thực sự nắm luật chắc, không sử dụng được ngoại ngữ thì kiện kiểu gì?
Giá như bây giờ có một ai đó về đưa cho tôi một giấy chứng nhận trọng tài quốc tế thì hay quá. Chỉ cần vào hệ thống của Liên đoàn Điền kinh Thế giới tra mã số là ra có đúng thật hay không…” ông Dương Đức Thủy chia sẻ.
Một cái khó khác là trọng tài điền kinh vẫn chưa được coi là một nghề ở Việt Nam. Vì thế, chưa có ai bỏ hoàn toàn thời gian và công sức để sống và phát triển với nghề này. Vì thế, câu hỏi trên vẫn chưa biết lúc nào có câu trả lời.