Nâng cao kỳ nghệ với Webthethao - Bài 1: Cờ tướng và những vấn đề căn bản (phần 1)
Bạn là người ham thích chơi cờ tướng? Dù bạn đã chơi lâu, hoặc mới chỉ "nhập môn" chưa lâu, nhưng bạn tự cảm thấy "công lực" của mình chưa cao, trình độ chậm tiến bộ, bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao hay chưa?
Để góp phần cùng bạn giải đáp những khúc mắc liên quan, Webthethao xin gửi tặng bạn đọc loạt bài viết mang tính hệ thống hóa lý thuyết chơi cờ, qua đó bổ trợ cho phần tập luyện nâng cao kỳ nghệ của các bạn. Trong khuôn khổ của những bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu những vấn đề trọng yếu, mang tính căn bản nhất, còn để có thể thăng tiến trình độ, dứt khoát không thể tách rời rèn luyện và vận dụng trong "thực chiến"…
Chớ quên rằng mục tiêu cuối cùng của ván cờ là bắt được Tướng của đối thủ, các quân chỉ là phương tiện để thực hiện điều ấy. Cũng giống như trong bóng đá, mục tiêu cuối cùng là ghi bàn nhiều hơn đối thủ và giành chiến thắng chứ không phải chiếm được nhiều "thời lượng kiểm soát bóng" hơn hay tung được nhiều cú dứt điểm (mà không trúng đích) hơn!
Một ván cờ tướng thông thường chia thành 3 giai đoạn chính:
1/ Khai cuộc: Giai đoạn đôi bên xuất quân, bố trí binh lực ban đầu, thường khoảng 10-15 nước đầu tiên của ván cờ. Tùy vào hình thế, sử dụng khai cuộc nào có thể nhận biết ngay từ 1-3 nước đầu tiên (ví dụ Pháo đầu đối Bình phong mã, Pháo đầu đối Phản cung mã, Đối binh cuộc…); nhưng khai cuộc ấy phát triển theo hệ thống nào thì lại phải chờ những diễn biến tiếp theo, tùy vào bố cục và ý định phát triển ván cờ của đôi bên và khi ấy, tên gọi của Khai cuộc sẽ chi tiết hơn, sát với thực tế ván đấu. Ví dụ: Pháo đầu Binh 3 đối Bình phong mã cổ điển; Pháo đầu Binh 7 đối Bình phong Mã hiện đại; Pháo đầu cấp tấn trung Binh đối Bình phong Mã…).
Khai cuộc Pháo đầu đối Bình phong mã
Tuy nhiên, do còn tùy vào ý đồ chơi của các kỳ thủ, nên chưa thể sớm nhận định tình thế. Ví dụ bên đi trước (bên Tiên) chưa hẳn sẽ tấn công, và ngược lại, bên đi sau (bên Hậu) cũng chưa chắc chọn đấu pháp mang tính phòng thủ. Nếu bạn đi Tiên, đối thủ lại chỉ "vừa miếng", tại sao lại không chọn đấu pháp mang tính tấn công nhỉ? Ngược lại, nếu đối thủ là một cao thủ có trình độ cao hơn mình, thì dù được đi Tiên, người chơi vẫn có thể chọn cách Khai cuộc chậm rãi, chắc chắn, dàn thế trận chặt chẽ với các quân có độ liên kết, hỗ trợ nhau…
Khai cuộc Thuận pháo
2/ Trung cuộc: Sau khi định hình bố trí lực lượng, đôi bên chính thức phát động các cuộc tấn công hoặc phòng thủ, tùy vào hình thế cũng như ý đồ của người chơi. Trường hợp bên đi trước (bên Tiên) chọn lối đánh chắc chắn hoặc chủ động hướng tới kết quả hòa thì sẽ chọn những nước đi mang tính "củng cố đội hình", không vội lộ ý đồ tấn công. Ngược lại, nếu bên Tiên chủ động tấn công, thể hiện tinh thần cầu thắng thì lực lượng bố trí sẽ khác hẳn, nhắm vào những vị trí "yếu", những quân không được bảo vệ của đối phương để truy kích…
Bên đi sau (bên Hậu) khi ấy cũng sẽ tùy vào diễn biến cụ thể để có ứng phó phù hợp. Trường hợp nhận thấy bên Tiên tổ chức tấn công, nhắm vào các vị trí yếu của mình thì cần tổ chức bảo vệ binh lực, các quân có độ liên kết, "bọc lót" cho nhau. Ngược lại, nếu bên Tiên chỉ tổ chức khai cuộc chậm chắc, thì bên Hậu cũng có thể chọn giải pháp tương tự (bố trí binh lực tương ứng), hoặc nếu có cơ hội thì phát động tấn công trước.
Quất Trung Bí - Một trong những bí kíp cờ tướng nổi tiếng
Tùy vào tình hình, đôi bên có thể thực hiện các nước đi mang tính dồn ép, chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu, thực hiện các nước hăm bắt quân, đổi quân, thậm chí "phế quân tranh tiên" (bỏ quân để giành lợi thế lớn) nếu nhận thấy có cơ hội. Chớ quên rằng mục tiêu cuối cùng của ván cờ là bắt được Tướng của đối thủ, các quân chỉ là phương tiện để thực hiện điều ấy. Cũng giống như trong bóng đá, mục tiêu cuối cùng là ghi bàn nhiều hơn đối thủ và giành chiến thắng chứ không phải chiếm được nhiều "thời lượng kiểm soát bóng" hơn hay tung được nhiều cú dứt điểm (mà không trúng đích) hơn!
Thông thường, giai đoạn Trung cuộc từ nước thứ 10-15; nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, căn cứ diễn biến ván đấu, trung cuộc được bắt đầu rất sớm, khi chưa tới nước thứ 10 (vì đôi bên áp dụng cách khai cuộc không theo "sách" và hệ thống lý thuyết thông thường, nói vui là "xé sách"), khi ấy diễn biến ván cờ hoàn toàn dựa vào thực lực, sức tính trung cuộc của đôi bên.
3/ Tàn cuộc: Giai đoạn cuối của các ván cờ, thường khi đôi bên chỉ còn ít quân mạnh (Xe, Pháo, Mã). Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng rất đam mê môn cờ tướng, nên trong bài "Học đánh cờ" trong tập thơ "Nhật ký trong tù", Người cũng từng có những nhận xét rất hay, như "Gặp thời 1 Tốt cũng thành công".
Một thế cờ tàn
Quân Tốt vốn có giá trị thấp nhất trên bàn cờ, nhưng trong nhiều hình thế cụ thể, nó lại có giá trị rất cao; thậm chí khi nó sang áp sát "cửu cung" của đối phương thì cũng có thể trở thành "anh hùng", tung ra đòn dứt điểm quyết định. Trong nhiều ván đấu giữa các cao thủ, việc hơn kém nhau 1 quân Tốt có thể quyết định cục diện thắng – thua. Bởi vậy, ở giai đoạn tàn cuộc, các kỳ thủ cần lưu ý luôn thực hiện các nước đi "có mục đích", nên nhớ rằng dù binh lực ngang nhau, nhưng chỉ khác ở "vị cây" (thế đứng, vị trí của quân trên bàn cờ) là mọi thứ sẽ thay đổi!
Với những người chơi cờ kinh nghiệm thì 1 ván cờ thậm chí còn có thể chia nhỏ hơn, thành 5 giai đoạn: Khai cuộc, Khai – Trung cuộc (chuyển tiếp khai cuộc và trung cuộc), Trung cuộc, Trung – Tàn cuộc (chuyển tiếp giữa trung cuộc với tàn cuộc) và Tàn cuộc. Theo đó, sự phân chia và nhận biết về 2 giai đoạn chuyển tiếp được bổ sung ở trên chỉ mang tính tương đối, tùy thuộc quan niệm mà thôi.
(Còn tiếp)