Quân Xe trên bàn cờ vua: Vai trò cao quí, sức mạnh tung hoành chiến trường
Mỗi kỳ thủ cờ vua sẽ sở hữu có hai quân Xe trên bàn cờ và thường tìm cách bảo toàn hai quân cờ này vô cùng cẩn thận. Quân Xe di chuyển không giới hạn theo các đường thẳng nhưng ban đầu lại khá bí bách do bị nhiều quân cờ khác bao quanh. Khi bàn cờ chuyển về lúc cuối trận, quân Xe sẽ phát huy sức mạnh hết sức lợi hại.
Trong cuốn sách “Giá trị tương đối các quân cờ Vua”, tác giả cũng từng xếp Xe có quyền lực và giá trị chỉ đứng sau quân Hậu. Quân Xe được coi là có giá trị lớn hơn quân Tượng và quân Mã. Nếu dùng một Tượng hoặc một Mã để đánh đổi lấy một Xe, nước cờ đó coi như thành công.
Bên cạnh đó, cặp song Xe lại có sức mạnh lớn hơn một chút nếu so với một Hậu. Cùng với Hậu, Xe là quân cờ hỗ trợ tốt nhất giúp quân Tốt có thể tiến tới đường biên cuối cùng của bàn cờ, nơi giúp Tốt đạt được Phong Cấp.
Có 2 cách hiểu phổ biến nhất về hình ảnh của quân Xe. Tại Ba Tư, một trong những quốc gia cổ, nơi thịnh hành bậc nhất của môn cờ vua, Xe được gọi bằng từ “rukh” có nghĩa là “xe ngựa”. Rất nhiều các biến thể cờ vua khác tại Châu Á đều chấp nhận rộng rãi cách hiểu như Xe là một cỗ chiến xa.
Nhưng thực tế, những cỗ xe chiến tranh của Ba Tư thời kỳ trung cổ thường được bọc thép nặng nề, mang theo một người lái xe cùng ít nhất một chiến binh sử dụng vũ khí tầm xa. Các mặt của cỗ xe được xây dựng giống với công trình bằng đá kiên cố, tạo ấn tượng về các tòa thành nhỏ, di động, gây ra nỗi kinh hoàng trên chiến trường.
Ở phương Tây, Xe có sự biến đổi hình ảnh sau khi cờ vua được du nhập. Khởi nguồn từ Ý, từ cổ “Rukh” đã được phiên âm thành “Rocca”, mang ý nghĩa pháo đài. Do đó, tên tiếng Anh ngày nay của quân Xe thường được gọi là “Rook” hoặc “Castle”, cùng mang nghĩa như một tòa thành đá. Cùng với cách gọi này, cờ vua có nước Nhập Thành, khi quân Vua và quân Xe hoán đổi vị trí đến sát nhau nếu 2 quân Cờ này chưa từng di chuyển cho đến thời điểm đó của trận đấu.
Một cách hiểu thông dụng khác, quân Xe là những tháp công thành khổng lồ thường được sử dụng tại Châu Âu thời đại Thánh chiến. Về hình dáng, những tháp công thành có nét tương đồng nhất với tạo hình phổ biến hiện đại của quân Xe. Khác với cách hiểu như một tòa thành, cách hiểu này mang tính hợp lý hơn bởi tháp công thành cũng là một trong những loại quân bị xuất hiện trên chiến trường.
Riêng tại Ấn Độ lại có cách gọi đặc biệt dành cho quân Xe. Quân xe ở Ấn Độ chủ yếu được gọi là हाथी (voi) bởi những người chơi sử dụng ngôn ngữ Hin-ddi. Điều này dễ dẫn tới sự nhẫm lẫn với quân Tượng trên bàn cờ. Thực chất trong bản sắc quân sự Ấn Độ luôn tồn tại loại binh chủng voi chiến. Voi được thuần phục, được lắp trên lưng một tòa tháp nhỏ, nơi quản tượng hoặc các tướng lãnh ngồi trong đó để tấn công dày xéo đối thủ. Đây chính là phương thức công chiến độc đáo tại Ấn Độ.
Một cách hiểu khác của quân Xe là Hầu Tước, tuy không phổ biến nhưng cũng được một bộ phận người Châu Âu chấp nhận. Những người này thường muốn toàn bộ các quân cờ đại diện cho các chức vị khác nhau trong quân đội.
Hầu tước là một chức danh cao quí chỉ đứng sau đức vua và hoàng hậu, trùng khớp với vai trò đánh giá về quân Xe. Ngoài ra, chỉ những hầu tước đức cao vọng trọng mới sở hữu thành trì, đi kết hợp với cách gọi “Castle” theo tiếng Anh.