Lò Thị Thanh mang giày gì để bị tước huy chương bạc SEA Games 31?
Ở bộ môn điền kinh ngày thi đấu hôm nay, một sự việc đáng tiếc đã xảy ra có liên quan đến một VĐV của đội tuyển điền kinh Việt Nam.
Lò Thị Thanh sau khi về nhì ở nội dung 10.000m nữ SEA Games 31 (sau Phạm Thị Hồng Lệ) tưởng chừng nắm chắc trong tay tấm huy chương bạc.
Tuy nhiên cô đã bị BTC tuyên bố tước kết quả và phạm quy, đồng nghĩa với việc đánh mất tấm huy chương quý giá vì mang giày sai quy định.
Lý do được đưa ra là giày của Lò Thị Thanh đã vi phạm quy định của Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF). Vậy cô đã mang giày gì khiến mình bị tước huy chương SEA Games?
LÒ THỊ THANH MANG GIÀY GÌ ĐỂ BỊ TƯỚC HUY CHƯƠNG SEA GAMES?
Theo quan sát, Lò Thị Thanh đã sử dụng mẫu giày Saucony Endorphin Pro. Đây là mẫu giày chuyên chạy đường dài khá phổ biến của nhãn hàng Saucony (Mỹ).
Thông số của nhà sản xuất cho biết Saucony Endorphin Pro có độ dày đế 34mm ở gót và 26mm ở mũi giày. Tiếc rằng cả hai con số này đều vượt quá quy định của IAAF, cập nhật và áp dụng từ năm 2022.
Theo IAAF, các mẫu giày chạy track buộc phải có độ dày đế dưới 20mm đối với cự ly dưới 800m và dưới 25mm với cự ly trên 800m.
Nội dung Lò Thị Thanh thi đấu là 10.000m, do đó cô chỉ được phép mang giày chạy có độ dày không quá 25mm. Nhưng đế của mẫu Endorphin Pro lại có độ dày thấp nhất 26mm và cao nhất 34mm, đều vượt quá quy định mà IAAF đưa ra.
Được biết VĐV của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã bị kiện bởi đoàn Singapore sau khi đội ngũ này phát hiện Lò Thị Thanh mang giày có độ dày quá lớn.
Ảnh chụp dưới đây cho thấy độ dày bộ đế giày của Lò Thị Thanh (Saucony Endorphin Speed) và Phạm Thị Hồng Lệ (Nike ZoomX Dragonfly) có sự chênh lệch rõ rệt.
Trường hợp bị tước huy chương lần này của Lò Thị Thanh khá đáng tiếc khi đây là nỗ lực rất lớn của cá nhân VĐV người dân tộc này.
Theo tìm hiểu, hiện Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã có phản hồi lên Ban bồi thẩm trọng tài Hiệp hội Điền kinh châu Á, chờ phán quyết cuối cùng dự kiến được đưa ra vào ngày 19/5.
Quy định về độ dày của đế giày được IAAF đưa ra nhằm duy trì sự công bằng giữa các VĐV thi đấu thành tích cao, tránh sự can thiệp quá lớn của công nghệ để hỗ trợ VĐV khi tham gia các giải đấu chính thức.
Một trong những trường hợp đáng chú ý bị tước kết quả vì giày phạm quy là Derara Hurisa, một VĐV người Ethiopia ở Vienna Marathon 2021.
Anh về nhất nhưng đã không được công nhận kết quả do đế giày mà anh sử dụng có độ dày vượt quá quy định của Liên đoàn điền kinh quốc tế.