Top 5 sự kiện thể thao có môn điền kinh đáng chú ý nhất
Từ lâu, điền kinh đã được coi là một trong những môn thể thao có nhiều người xem và tập luyện nhất thế giới. Điền kinh có mặt ở nhiều sự kiện thể thao lớn từ rất sớm và hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ.
Chúng tôi xin liệt kê 5 sự kiện thể thao có môn điền kinh được đánh giá là đáng chú ý, nổi bật và có uy tín nhất thế giới. Do tính chất vùng lãnh thổ nên đây chỉ là những đánh giá mang tính chất tương đối, không áp dụng bất kỳ quy chuẩn nào.
1. Thế vận hội
Thế vận hội (có tên chuẩn quốc tế là Olympics, ở Việt Nam thì quen gọi và viết là Olympic) ra đời từ rất sớm. Kỳ Thế vận hội mùa hè đầu tiên được tổ chức tại Athens (Hy Lạp) năm 1896 và diễn ra 4 năm một lần. Ngày đó, Thế vận hội chỉ có vỏn vẹn chưa đến 250 nam VĐV đến từ 14 quốc gia, thi đấu 42 nội dung. Sau 124 năm, đến kỳ Thế vận hội gần nhất là Tokyo 2020 (Nhật Bản), đại hội đã có 11.656 VĐV, thi đấu 33 môn thể thao (50 phân môn) và cạnh tranh tới 339 bộ huy chương.
Ở ngay đại hội đầu tiên, điền kinh đã góp mặt với 12 nội dung. Theo thời gian, điền kinh vẫn là một trong những môn trọng điểm của Thế vận hội và thu hút đông đảo khán giả nhất. Từ những nội dung thi đấu cổ đại, điền kinh Thế vận hội đã được bổ sung nhiều nội dung hiện đại như: thi đấu trong sân vận động (track and field), thi đấu ngoài đường (các nội dung chạy marathon, đi bộ). Riêng nội dung chạy băng đồng đã từng xuất hiện từ rất sớm nhưng bị loại bỏ khỏi chương trình thi đấu từ sau Thế vận hội mùa hè 1924 (Thế vận hội mùa đông không có môn điền kinh).
Các nội dung thi đấu của điền kinh tại Thế vận hội cũng thay đổi rất nhiều. Từ 12 nội dung ở kỳ đầu tiên, đến 48 nội dung ở Tokyo 2020 vừa qua. Đây là kỳ Thế vận hội có nhiều nội dung điền kinh nhất, khi trước đó thường dao động trong khoảng từ 23-47 nội dung (tùy vào chủ nhà đăng cai).
2. Giải Điền kinh Vô địch Thế giới
Giải Điền kinh Vô địch Thế giới được tổ chức 2 năm một lần dưới sự điều hành của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF). Đây là tổ chức được thành lập vào năm 1912, ngay sau Thế vận hội ở Stockholm (Thụy Điển).
Kể từ năm 1976, Giải Điền kinh Vô địch Thế giới đầu tiên được tổ chức tại Malmo (Thụy Điển), để đáp lại quyết định loại bỏ nội dung đi bộ 50km nam ở Olympic 1976 của Ủy ban Olympic Quốc tế. IAAF đứng ra tổ chức riêng giải thế giới này và vẫn giữ 50km đi bộ nam, nội dung từng góp mặt ở Thế vận hội từ năm 1932.
Kể từ đó, giải vô địch thế giới được tổ chức mà không hề liên quan hay phụ thuộc vào Thế vận hội. Chính vì thế, giải thế giới có những nội dung mà Thế vận hội không đưa vào thi đấu.
Ngoài những nội dung cơ bản giống Olympic, giải thế giới có nhiều sự bổ sung đáng kể, mà sau này có ảnh hưởng lớn khiến Thế vận hội cũng phải đưa vào chương trình thi đấu.
Năm 1987, giải thế giới có thêm nội dung 10.000m và đi bộ 10km nữ. Nhảy 3 bước nữ được bổ sung từ năm 1993 còn 3.000m nữ được thay thế bằng nội dung 5.000m nữ năm 1995. Tới năm 1999, nhảy sào và ném tạ xích nữ được bổ sung, còn 20km đi bộ nữ thay thế cho 10km đi bộ nữ.
Mãi đến năm 2005, 3.000m chướng ngại vật nữ mới được bổ sung. 50km đi bộ nữ thì đến tận 2017 mới được đưa vào thi đấu. Giải thế giới đưa 4x400m hỗn hợp nam nữ vào thi đấu từ năm 2019 và nội dung này cũng bắt đầu được Thế vận hội tiếp nhận.
3. Hệ thống giải Diamond League
Diamond League là chuỗi dài điền kinh được tổ chức hàng năm với 14 sự kiện ở các thành phố khác nhau trên khắp thế giới. Chuỗi giải này trở thành sự kiện đình đám gây tiếng vang cho World Athletics, tổ chức thay thế IAAF để tổ chức các sự kiện điền kinh lớn nhỏ, nhiều thể loại.
Điểm đặc biệt của một sự kiện trong chuỗi Diamond League là chỉ diễn ra trong một ngày. Mùa giải thường niên bắt đầu từ năm 2010 và nó được thiết kế để thay thế chuỗi giải Golden League do IAAF khởi xướng từ năm 1998.
Trước đây, Golden League chỉ chủ yếu tập trung vào điền kinh châu Âu, thì đến Diamond League, giải được phân bổ cho điền kinh toàn cầu.
Đây là chuỗi sự kiện thu hút nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới, thiết lập nhiều kỷ lục và có lượng khán giả theo dõi đông đảo nhất, ngoài những sự kiện lớn như Thế vận hội hay Giải Vô địch Thế giới.
4. Á vận hội
Do đặc điểm vùng lãnh thổ, nên Á vận hội góp mặt trong danh sách này bởi Việt Nam nằm ở châu Á nên sự quan tâm của người hâm mộ quốc gia này cũng có sự khác biệt.
Á vận hội (được quen gọi là ASIAD) là đại hội thể thao châu Á được tổ chức 4 năm một lần. Á vận hội đầu tiên được tổ chức ở New Delhi (Ấn Độ) từ năm 1951 dưới sự điều hành của Liên đoàn Thể thao Á vận hội (AGF). Nhưng bắt đầu từ năm 1982, Á vận hội được Ủy ban Olympic châu Á (OCA) nắm quyền điều hành.
Đến năm 2010, thành phố tổ chức Á vận hội kiêm thêm nhiệm vụ đăng cai Para Asian Games, đại hội thể thao dành cho người khuyết tật châu Á.
Điền kinh cũng là bộ môn nổi bật ở đại hội này và xuất hiện ngay kỳ đầu tiên năm 1951. Các nội dung cũng dựa nhiều vào chương trình thi đấu của Thế vận hội hay giải thế giới.
Kỳ Á vận hội gần nhất được tổ chức ở Indonesia năm 2018. ASIAD tiếp theo được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ 10-25/9/2022.
Hiện tại, Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia thay nhau thống trị bảng thành tích chung lẫn môn điền kinh của Á vận hội.
5. SEA Games
Đại hội Thể thao Đông Nam Á là sự kiện quen thuộc với 11 quốc gia trong khu vực. Đây cũng là đại hội mà thể thao Việt Nam có thế mạnh về cả vị trí tổng sắp lẫn môn điền kinh.
SEA Games có chu kỳ tổ chức 2 năm một lần, thường vào các năm lẻ. Bắt đầu từ đại hội khởi nguồn năm 1959 tại Bangkok (Thái Lan, SEAP Games), SEA Games đã trải qua 30 kỳ tổ chức. Kỳ đại hội thứ 31 sẽ diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) vào tháng 5/2022 (bị lùi từ tháng 11/2021 vì dịch COVID-19).
Điền kinh cũng có mặt tại đấu trường này từ kỳ SEAP Games 1959. Sau nhiều kỳ tổ chức, các nội dung thi đấu đã có sự điều chỉnh để phù hợp với các sân chơi lớn hơn. Lần gần đây nhất, tại SEA Games 30 ở Philippines năm 2019, điền kinh là kỳ đại hội có nhiều nội dung nhất với 48 trên tổng số 530 bộ huy chương của đại hội.
Tại SEA Games 31 ở Việt Nam, điền kinh có 47 nội dung, giảm một nội dung so với SEA Games 30, đó là 4x100m tiếp sức hỗn hợp nam nữ.
Điền kinh trở thành “mỏ vàng” của Việt Nam khi hai kỳ SEA Games gần đây nhất (2017 và 2019) đều vượt qua Thái Lan để giành ngôi nhất toàn đoàn. Số HCV mà điền kinh Việt Nam giành được dao động 15-17 tấm. Ở SEA Games 31, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành 17-19 HCV để bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn.