Các ứng dụng fitness Trung Quốc "kiếm bộn" nhờ xu hướng mới của giới trẻ
Lợi nhuận từ giải marathon ảo trên ứng dụng fitness tại Trung Quốc có thể đạt 1 triệu NDT (hơn 3 tỷ đồng) từ việc bán đồ, huy chương, tài trợ và phí tham gia.
Ngày nay, các ứng dụng về tập thể thao, đặc biệt là gym, yoga và fitness đang được giới trẻ Trung Quốc ưa dùng. Ở đất nước hơn 1 tỉ dân này, lượng người sử dụng các ứng dụng fitness thay vì mua thẻ tập dài hạn ở các phòng tập có xu hướng tăng.
Trên các chợ ứng dụng, số lượng ứng dụng điện thoại di động hướng dẫn tập luyện lên đến hàng nghìn. Các ứng dụng tập luyện thể thao có nội dung khá phong phú để thu hút người sử dụng và đặc biệt là miễn phí. Chúng thường có các bài hướng dẫn luyện tập fitness, các bài tập đa dạng, thuộc nhiều trình độ, từ tập cardio cho đến phát triển cơ bắp. Một số ứng dụng thậm chí còn có video hướng dẫn do các nhân vật nổi tiếng (celeb, KOL) “đứng lớp” để minh họa động tác.
Theo công ty nghiên cứu thị trường SooToo (Bắc Kinh), số lượng người sử dụng các app fitness ngày càng tăng. Báo cáo về thị trường ứng dụng fitness trong năm 2016 cho thấy tỉ lệ người dùng chọn tập gym là 37,2%, trong đó 28,9% tập tại nhà vì nhiều lý do, chẳng hạn họ ngại tắc đường hay những ngày không khí ô nhiễm cao. Chính vì thế, các app đều đưa ra các hướng dẫn tiện dụng dành cho những người tập tại chỗ, dù ở nhà hay ở văn phòng. Người dùng có thể tập linh hoạt vào bất kỳ thời điểm nào mà họ rảnh.
>> Nỗi khổ khi chạy bộ ở thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới
Ứng dụng Keep, 1 trong 3 ứng dụng fitness hàng đầu Trung Quốc với 110 triệu người dùng, đưa ra các bài tập ngắn gọn chỉ từ 2 đến 5 phút.
“Hai phút tập trước khi tan sở. Cuộc sống lúc nào cũng bận rộn nhưng bạn vẫn luôn có chút thời gian để tập thể dục thể thao”, một người dùng bình luận về ứng dụng này.
Bài toán giữ chân người dùng
Nhiều người dùng chọn ứng dụng fitness vì miễn phí. Nhưng một khi đã quen với các bài tập rồi thì họ không còn phải phụ thuộc vào app nữa. Đây là vấn đề mà các nhà phát triển ứng dụng đang loay hoay tìm bài toán để giữ khách sao cho sử dụng thường xuyên.
“Hầu hết các ứng dụng đều tập trung vào việc đếm số bước và chạy bộ. Chúng khá giống nhau. Năm 2017, các ứng dụng về fitness có khoảng 100 triệu người dùng. Với thói quen tập luyện thay đổi, các ứng dụng cũng cần phải thay đổi đa dạng hơn, hướng tới nhóm khách hàng riêng biệt thuộc các nhóm tuổi khác nhau”
Neil Wang, lãnh đạo công ty tư vấn Frost & Sullivan, nhận xét: “Đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Nhiều người không phân biệt nổi app nào với app nào bởi đa số bắt chước nhau. Điều này dẫn đến các nhà phát triển ứng dụng nản chí, không còn đam mê sáng tạo nữa. Hầu hết các app đều dần sụt giảm lợi nhuận do nguồn thu hiện chỉ dựa vào phí thành viên và tiền quảng cáo. Người dùng rất dị ứng với những lời mời quảng cáo hiện chình ình trên màn hình và có thể một đi không trở lại. Chính vì thế, người phát triển ứng dụng cần phải dựa vào dữ liệu của người dùng và dự đoán họ thích cái gì nhất để đào sâu vào đó”.
Phát triển theo hướng cá nhân hóa theo xu hướng tập luyện mới của giới trẻ
“Fitness đang là thị trường tiềm năng, màu mỡ. Bước đầu là tập luyện, sau đó là chăm sóc sức khỏe”, Wang Ning, GĐ công ty Beijing Calories, đơn vị sở hữu ứng dụng Keep chia sẻ. “Chúng tôi vừa trình làng các sản phẩm về yoga, thực phẩm chức năng, quần áo, dụng cụ tập luyện với thương hiệu của riêng chúng tôi”.
Hiện tại, Keep có khoảng 50 loại sản phẩm có giá dao động từ 20 NDT (khoảng 69.000 đồng) đến 400 NDT. Một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Keep là thảm tập yoga có giá 99 NDT. Số lượng bán ra đạt 80.000 chiếc kể từ năm 2016.
“Làm thế nào để kiếm lời từ traffic phụ thuộc vào giá trị mà app mang lại cho người dùng của nó’, Wang Tianfan, PCT công ty Bertelsmann Asia Investment, một trong những nhà đầu tư chính của Keep cho biết. “Keep đang phát triển tốt và rất hứa hẹn dù hiện chưa có nhiều các tiện ích. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu tăng trưởng gấp 10 lần so với năm ngoái”.
Keep huớng đến việc duy trì sự trung thành của khách hàng bằng cách tạo cơ hội cho họ mua các thiết bị tập luyện thể thao hay lôi kéo người dùng gia nhập cộng đồng Keep với các sản phẩm quần áo có thiết kế “không đụng hàng”.
“Đối với thế hệ trẻ bây giờ, diện đồ Nike hay Adidas không còn là điều gì quá khác biệt nữa. Những người trẻ họ thích các thương hiệu khác hơn, chẳng hạn như Under Armour”, Wang Ning nói. “Chúng tôi không dám chắc nhưng không loại trừ khả năng thế hệ mới thích mua sản phẩm của Keep”.
Liang Feng, CEO của Joyrun, một trong những ứng dụng chạy bộ được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc thì lại nghĩ khác. “Theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể trông chờ việc kiếm tiền từ traffic hay thương mại điện tử. Thể thao suy cho cùng là chuyện kinh doanh offline chứ không phải online. Khó hi vọng có thể làm thương mại điện tử hay traffic để rồi đối đầu với JD hay Taobao”.
Kiếm "bộn" nhờ tổ chức giải chạy marathon ảo
Liang đã tạo ra ứng dụng chạy marathon ảo. Các runner muốn tham gia giải chạy ảo này phải đóng một khoản phí rồi sau đó, họ có thể chạy ở bất kỳ đâu mà họ thích. Sau khi hoàn thành, người dùng chia sẻ kết quả chạy của họ thông qua ứng dụng và nhận huy chương ghi nhận dành cho người hoàn thành do công ty cung cấp. Rõ ràng, việc cầm huy chương thật trong tay rồi chụp ảnh khoe với người thân, bạn bè hoành tráng hơn nhiều so với biểu tượng cúp ảo ở đa số ứng dụng chạy bộ hiện có. Điều này đánh trúng vào tâm lý thích khoe của runner. Tham gia giải chạy ảo lấy huy chương thật là chuyện kinh doanh đã phổ biến ở Mỹ và các nước châu Âu, nơi có số lượng runner rất lớn.
“Chạy bộ là hoạt động thể thao khá cô đơn và buồn tẻ. Khi tôi đăng ảnh với tấm huy chương, tôi có thể khoe với mọi người tôi đã phải cố gắng để đạt được nó”, Liang giải thích. Năm ngoái, giải chạy marathon ảo mà Joyrun thu hút số lượng VĐV tham gia kỷ lục lên tới 450.000 người.
“Lợi nhuận từ giải marathon online có thể đạt 1 triệu NDT (khoảng hơn 3 tỷ đồng) từ việc bán đồ, huy chương, tài trợ và phí tham dự”, Liang cho biết.
Năm 2016, doanh thu của Joyrun đạt 45 triệu NDT.
Tương lai của các ứng dụng fitness
FitTime, đối thủ của Keep, bắt đầu cung cấp PT (HLV hướng dẫn tập) cho người dùng của mình. Sau khi mua một khóa tập, người dùng sẽ được PT “cân đong đo đếm” và đưa ra giải pháp ăn uống và chế độ luyện tập phù hợp.
Một trong những khóa tập ăn khách nhất của FitTime có giá 998 NDT (tương đương gần 3,5 triệu đồng). Đã có hơn 100.000 người đăng ký khóa tập trực tuyến này và 30% trong số đó chấp nhận trả phí thành viên. Theo dữ liệu của FitTime, có tới hơn 5.000 người trả phí hơn 1.000 NDT hàng tháng.
“Năm ngoái, chúng tôi thu được 10 triệu NDT từ việc tạo ra một trại giảm cân trực tuyến, chiếm 60% tổng doanh thu”, Zhu Xiaoxiao, CEO của FitTime chia sẻ.
Cuộc chiến giữa các ông lớn trong làng ứng dụng fitness Trung Quốc ngày càng hấp dẫn và người dùng dĩ nhiên ngày càng được "chăm sóc tận răng". Keep tiếp tục trình làng các dịch vụ mới theo hướng cá nhân hóa, chẳng hạn như các khóa lấy lại vóc dáng sau sinh dành cho các bà bầu.
Báo cáo mới đây của Sportbank, công ty đầu tư lĩnh vực thể thao ở Bắc Kinh, nhận xét: “Các ứng dụng fitness giúp người dùng dễ tiếp cận, dễ tập theo trong điều kiện hạn hẹp cả về thời gian, dụng cụ và không gian tập luyện. Hầu hết đều cung cấp nền tảng dành cho cộng đồng, đáp ứng sở thích của người dùng như chia sẻ ảnh, kinh nghiệm khiến họ tìm thấy niềm vui khi tập thể thao”.
Theo phân tích của công ty tư vấn Analysys, thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực thể thao có thể đạt 3 ngàn tỷ NDT vào năm 2020 trong đó 1,5 ngàn tỷ từ số người tập thể thao phong trào hàng ngày và nửa còn lại từ thể thao đỉnh cao.